Trang chủ » Điểm nóng » Tìm cách “gỡ khó” cho doanh nghiệp

Tìm cách “gỡ khó” cho doanh nghiệp

Tác giả:




Sáng 30-3, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế năm 2010. Chủ trì hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: “Lãnh đạo thành phố luôn lắng nghe, chia sẻ và tìm cách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”.

 

Vẫn mắc ở thủ tục hành chính

 

Ông Nguyễn Tuấn Khải – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Quốc tế bày tỏ: “Các ban, ngành thành phố cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”. Theo ông Khải, hiện nay, không ít doanh nghiệp vẫn mất rất nhiều thời gian cho công việc này. Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Khang – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 cho biết: “Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính đang phát huy hiệu quả.

 

Tuy nhiên, những thủ tục liên quan đến thuế, điều kiện thanh toán với hải quan còn rườm rà”. Cụ thể, doanh nghiệp này có trường mầm non với hơn 400 trẻ, có cơ sở y tế với hơn 10 giường bệnh và trường đào tạo nghề cho lao động đạt tiêu chuẩn đã được miễn thuế nhiều năm nay, nhưng hàng năm, đơn vị này vẫn phải làm đơn với cơ quan chức năng để được miễn thuế.

 

Theo đại diện của một công ty có vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất các sản phẩm cho ngành y tế đóng tại địa bàn huyện Thanh Oai, công ty này đang gặp phải những thủ tục hành chính bất nhất. Khi làm thủ tục đầu tư vào Thanh Oai (lúc đó thuộc tỉnh Hà Tây cũ), công ty được biết không phải bồi thường mặt bằng cho người dân. Tuy nhiên, khi Thanh Oai được hợp nhất về Hà Nội thì doanh nghiệp bị thúc đóng thuế đất và bồi thường giải phóng mặt bằng.

 

Bà Vũ Thị Mai – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội cho biết: “Đối với trường hợp rà soát lại của Công ty May 10, theo quy định mới, cơ quan thuế sẽ rà soát lại 1 lần, không tiến hành hàng năm”. Với trường hợp của doanh nghiệp thuộc cụm công nghiệp Thanh Oai, bà Mai cho rằng, có sự bất nhất trong quy định này và các cơ quan liên quan của Hà Nội sẽ cùng bàn bạc, tháo gỡ cho doanh nghiệp.

 

Cũng theo bà Mai, ngành thuế hiện có 338 thủ tục, qua đợt rà soát lần 1 đã loại bỏ 11 thủ tục không cần thiết và đơn giản hóa hơn 100 thủ tục nữa. Mục tiêu của ngành thuế là đăng ký, kê khai và nộp thuế điện tử, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

 

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà  Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng: “Đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính là tất yếu nhưng nguyên nhân của sự chậm trễ lại có liên quan đến cơ quan thực thi thủ tục. Nhiều nước trên thế giới còn có nhiều thủ tục hơn Việt Nam nhưng họ quản lý chặt chẽ, nên thời gian thực hiện của họ rất ngắn. Thủ tục phải gọn nhẹ mới thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp”.

 

Vốn và cơ sở hạ tầng hạn chế

 

Ông Vũ Thanh Sơn – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi mong muốn phía ngân hàng duy trì lãi suất cơ bản một cách hợp lý, đồng thời tiếp tục có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp”. Hapro cần được hỗ trợ về vốn để phát triển hệ thống bán lẻ nhằm cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

 

Ông Sơn đề nghị Nhà nước cần tăng cường kinh phí cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, giúp doanh nghiệp tạo lập kênh phân phối ở các vùng nông thôn. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Quốc tế, ông Nguyễn Tuấn Khải mong muốn ngân hàng hỗ trợ vốn, giúp bà con nông dân phát triển đàn bò, nhằm đảm bảo nguồn cung sữa cho công ty.

 

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Sương – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Hà Nội cho biết: “Việc đề xuất được vay vốn đầu tư phát triển đàn bò cho nông dân là chính đáng. Phía ngân hàng đang thực hiện việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp và kinh tế ngoại thành Hà Nội. Bà con nông dân đủ điều kiện vay vốn đều được ngân hàng đáp ứng”.

 

Tổng giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam đề nghị đẩy mạnh ngành công nghiệp chế tạo, tạo tiền đề để nước ta trở thành nước công nghiệp. Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội nên quan tâm đến cơ sở hạ tầng: hệ thống chợ, đường sá, nhà ở cho công nhân để đảm bảo đời sống người lao động, giải quyết giúp doanh nghiệp khó khăn thiếu nhân lực hiện nay. Vị đại diện này cũng kiến nghị Việt Nam nên đầu tư khai thác thêm nhiều nguồn điện khác (ngoài nhiệt điện và thủy điện), nhằm đảm bảo điện phục vụ sản xuất.

 

Cũng trong hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp kiến nghị thành phố tạo điều kiện cho thuê thêm mặt bằng, mở rộng sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp theo chủ trương của Nhà nước.

 

An ninh Thủ đô