Trang chủ » Tranh luận » VNR500: Đi tìm thương hiệu Việt

VNR500: Đi tìm thương hiệu Việt

Tác giả:

(VietNamNet) – Một thực tế là sau bao nhiêu năm gây dựng, đến giờ này, Việt Nam vẫn chưa có tên tuổi DN nào được xếp vào danh sách thương hiệu lớn của khu vực và thế giới. Có lý giải cho rằng công tác xây dựng thương hiệu của Việt Nam kém, nhưng cũng có ý kiến cho rằng doanh nghiệp (DN) còn quá non trẻ so với thời gian.

Tháng 8 vừa rồi, Tạp chí Truyền thông tiếp thị Media cùng với Công ty Tư vấn thương hiệu Asian Intergrated Media Limited và Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu Synovate công bố danh sách 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á năm 2007. Điều thất vọng là không có bất cứ nhãn hiệu nào của Việt Nam trong danh sách này. 

Sơ sinh

Chưa có DN nào của VN được xếp vào ngang vai vế trong khu vực. Ảnh: Đặng Vỹ

Chưa có DN nào của VN được xếp ngang vai vế trong khu vực. Ảnh: Đặng Vỹ

Những doanh nhân trẻ như Giản Tư Trung (Chủ tịch sáng lập của Trường Doanh nhân & Giám đốc PACE), Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai), Hoàng Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nguyễn Hoàng – NHG Group), cho rằng phải ghi nhận những gì doanh nhân và DN Việt Nam làm được thời gian qua, riêng việc đạt đến danh sách thương hiệu cần phải có thêm thời gian. Theo các doanh nhân, thời gian tạo lập của DN Việt Nam rất ngắn ngủi, chỉ mới vài năm trở lại đây.

Nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cũng đồng tình rằng thực sự doanh nghiệp Việt Nam còn rất trẻ, khó có thể so bì với các tập đoàn các nước có bề dày hàng trăm năm.

Trước đây, trong thời kỳ kinh tế bao cấp, chỉ huy, ta không có doanh nghiệp tư nhân, không có khái niệm kinh doanh, thương nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân chỉ thực sự phát triển trong vài năm trở lại đây” – doanh nhân Giản Tư Trung nhận định.

Ông Đoàn Nguyên Đức cũng có quan điểm tương tự: “Chưa đủ đâu, doanh nghiệp Việt Nam chỉ lớn trong nước thôi. So với người, mình còn nhỏ lắm. Tên tuổi cũng chỉ nổi tiếng trong nước chứ chưa vượt ra khỏi biên giới là bao nhiêu”.

Hoàng Quốc Việt nói rằng, trong tất cả những cái thiếu của DN Việt Nam, thiếu lớn nhất là thời gian. “Các tập đoàn có lịch sử hình thành và kinh doanh chuyên nghiệp hàng trăm năm nay. Trong khu vực như Trung Quốc, Singapore chí ít cũng hơn ta 30-40 năm. Ta chưa thể đứng trong top cùng họ cũng là hợp lý”.

Chủ tịch Tập đoàn NHG tin rằng trong thời đại được công nghệ hỗ trợ tối đa, DN Việt Nam có thể rút ngắn được khoảng cách, đạt được mục tiêu đứng trong danh sách cùng với nước đi trước.

Nhỏ bé

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, vào hàng top, các DN phải đáp ứng những tiêu chí ngặt nghèo. Chỉ riêng tiêu chí doanh thu cũng đủ để DN Việt Nam bị “rớt đài”.

“Ta còn nhỏ lắm. GDP cả nước 2007 khoảng 76 tỷ USD, chỉ bằng doanh thu của một tập đoàn nước người” – bà Phạm Chi Lan nói.

Tương tự nhận định này, ông Jonathan Pincus – chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP, người vừa tham gia xét danh sách top 200 DN hàng đầu Việt Nam – cho biết, theo cách đánh giá quốc tế thì các DN lớn nhất của VN chỉ gần tương đương với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của thế giới.

Điện lực và xăng dầu là hai ngành lớn của VN, nhưng cũng còn rất bé nhỏ so với thế giới, khi mà GDP của quốc gia chỉ bằng doan h thu của một tập đoàn thế giới. Ảnh: Đặng Vỹ

Điện lực và xăng dầu là hai ngành lớn của VN, nhưng cũng còn rất bé nhỏ so với các tập đoàn thế giới. Ảnh: Đặng Vỹ

Trong khi đó, trong top này, không chỉ là nhãn hiệu của DN châu Á, mà có cả những DN châu lục khác đặt tại châu Á. Bởi lẽ đó, có hàng trăm nhà khổng lồ của châu Âu, châu Mỹ kiểu Nokia, Ford, Pepsi, Coca-cola, VISA, Nestlé, Google… chiếm lĩnh. Với những tập đoàn này, các DN Việt Nam chỉ như chú kiến đang bò trên lưng con voi!

Đây là lần thứ 4 giải này tổ chức xét chọn top 1.000 thương hiệu châu Á. Năm 1997 Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) lọt vào danh sách này, nhưng đó cũng chỉ là “ăn may”, bởi khủng hoảng tài chính châu Á khiến doanh thu của các công ty trong khu vực bị sụt giảm, Việt Nam có cơ hội ngoi vào. Tuy nhiên, ở lần sau khi kinh tế châu Á hồi phục, DN duy nhất của Việt Nam này lập tức bị loại ra.

Mới đây VietNamNet cùng với Công ty Khảo sát đánh giá Vietnam Report đưa ra bảng xếp hạng top 500 DN lớn nhất Việt Nam về doanh thu. Đây cũng là một hoạt động khuyến khích DN quan tâm đến hoạt động xây dựng thương hiệu cho DN Việt Nam.

Bà Phạm Chi Lan nói rằng, không tự ti, nhưng cũng nên nhìn thực lực. Những hoạt động như trên sẽ khuyến khích DN bên cạnh việc kiếm tiền, sẽ chú ý đến việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu.

Thiếu chiến lược 

Kỳ vọng lớn nhất của lần bình xét vừa rồi, nếu không tính DN Nhà nước, ở lĩnh vực tư nhân, Việt Nam kỳ vọng vào một số tên tuổi là Hoàng Anh Gia Lai, Cà phê Trung Nguyên, Kinh Đô, Phở 24. Thế nhưng khi không có trong danh sách, nhiều người trông đợi và bày tỏ tiếc nuối, hụt hẫng, thì chính các doanh nghiệp này vẫn tỏ ra bình thản.

Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng việc chưa lọt được vào top châu Á cũng là đương nhiên, bởi Việt Nam chưa làm hoặc chưa chú trọng công tác xây dựng thương hiệu một cách đầy đủ.

Giám đốc Cà phê Trung Nguyên cho rằng, ngoài vấn đề quỹ thời gian thì ở tầm vĩ mô, nhìn về chiến lược quốc gia, đến giờ này cũng chưa thấy có một chương trình hành động cụ thể nào để đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới bằng tên riêng của mình.

Việt Nam xuất khẩu bằng tên của mình số lượng sản phẩm chỉ đếm trên 10 đầu ngón tay. Xuất khẩu bằng tên mình mà người khác biết lại bằng không. Như vậy làm sao có thương hiệu, có tên trong hàng top?” – ông Nguyễn Trần Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Futurre One, nói.

Ông Quang cũng cho rằng, DN Việt Nam vẫn với lối tư duy buôn bán nhỏ, chỉ lo kiếm tiền trước mắt chứ không đầu tư cho chiến lược lâu dài, trong đó có chiến lược thương hiệu.

Trong khi đó, Chính phủ cũng chưa hề có một chiến lược quốc gia nào về vấn đề này, nên doanh nghiệp nếu có làm thương hiệu cũng chỉ tự phát, chứ không có một cái la bàn để định vị.

Xem ra, với danh sách top 1.000 của châu Á nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt tới, thì biên giới mà Việt Nam định vươn ra xóa nhòa để đưa tên mình trong danh sách thế giới hãy còn quá xa xôi.

  • Đặng Vỹ