Trang chủ » Tranh luận » Nhân sự tài năng – yếu tố vượt trội của cạnh tranh

Nhân sự tài năng – yếu tố vượt trội của cạnh tranh

Tác giả:

DN nội cũng là nơi “nhân tài tụ họp”:

Gia nhập WTO mở ra cơ hội hội nhập quốc tế cho các DN Việt Nam, đồng thời cũng tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt ngay trên “sân nhà”. Hàng hoá trên thị trường ngày càng giống nhau, nhân lực trở thành yếu tố quyết định thành bại, do đó việc “săn đầu người” đã dần thành chiến lược phát triển của nhiều DN Việt Nam.

Xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao từ các DN nước ngoài về DN Việt Nam thời gian qua là kết quả tất yếu của sự phát triển và cạnh tranh kinh tế đó.

Ý thức về thương hiệu Việt và cơ hội thể hiện năng lực quản lý là lí do chủ yếu khiến các nhân sự trình độ cao quyết định từ bỏ môi trường làm việc chuyên nghiệp và mức lương hấp dẫn ở các công ty nước ngoài để về đầu quân cho các DN Việt Nam.

Ngô Thành Đạt, trước khi về đầu quân và tiếp nhận vị trí trưởng phòng Marketing của Công ty cổ phần Điện tử PICO đã có 6 năm làm việc cho các hãng điện tử nước ngoài. Điều thu hút anh về PICO không phải là mức lương, mà chính là cơ hội được thể hiện bản thân tại DN trong nước với những kỹ năng và kinh nghiệm làm việc được tích luỹ trong thời gian làm việc tại Sony và Samsung. Ý thức và mong muốn xây dựng một thương hiệu thuần Việt nổi tiếng và mang nét đặc trưng tinh tế của người Hà Nội đã thúc đẩy Ngô Thành Đạt rời bỏ công việc lương cao ở DN nước ngoài.

Trở thành trưởng phòng Marketing của PICO với hệ thống siêu thị điện máy phát triển mạnh, Ngô Thành Đạt đang cố gắng: “để một lúc nào đấy mình có thể tự hào rằng Việt Nam cũng có một chuỗi siêu thị bán lẻ tốt không kém gì những nước phát triển như Nhật hay Hàn Quốc”.

Hoài Anh sau 3 năm làm việc cho một DN nước ngoài với mức lương cao và ổn định đã chuyển sang làm việc cho Tạp chí Marketing Việt Nam. Mặc dù mức lương thấp hơn, nhưng bù lại vị trí quản lý mới – Giám đốc kinh doanh, khiến cho Hoài Anh được chủ động hơn trong công việc cũng như có nhiều cơ hội để sáng tạo và ứng dụng những ý tưởng mới vào thực tế.

Sự khởi sắc của thị trường nhân lực chất lượng cao còn thể hiện ở sự thu hút thành công nhân sự cao cấp của các DN vừa và nhỏ. Sân chơi đã mở rộng và cơ hội tuyển dụng không còn giới hạn cho các công ty lớn và DN nước ngoài.

Nguyên nhân bởi sự hòa đồng:

Nghiên cứu DN của VNR cho thấy, có một xu hướng nhân sự di chuyển ngược lại, từ các DN FDI sang các DN tư nhân và vốn cổ phần gần đây. Vậy, đâu là kinh nghiệm?

Các DN VN như ví dụ kể trên đã có nỗ lực cải thiện tổ chức và có môi trường làm việc được đánh giá là không có sự khác biệt lớn so với các DN FDI, với tính tự chủ cao và phong cách chuyên nghiệp.

Ngoài ra, có một thực tế là những lao động làm việc lâu năm ở các DN FDI thường cảm thấy mệt mỏi vì sức ép tiến độ hoặc doanh thu, do đó muốn nghỉ việc để ra kinh doanh riêng, hoặc về đầu quân cho một DN trong nước. Nếu như mục tiêu của các DN FDI giao cho các nhân sự thường được định lượng cả về khối lượng và thời gian rất cứng nhắc thì với các DN Việt Nam, việc phân công và giao nhận công việc có tính chất “định tính” hơn và  thời gian hòan thành cũng không quá khắt khe.

Một ưu thế nữa mà các DN FDI không thể sánh bằng các DN Việt Nam đó là kiến thức về văn hóa và tập quán bản địa của người quản lý. Trong các DN FDI, những lý do mà người lao động có thể đưa ra để thanh minh cho một sự lỗi hẹn trong công việc liên quan đến việc riêng của cá nhân hay sự kiện của gia đình thường không đươc chấp thuận. Tuy nhiên, với các chủ DN Việt Nam, không những người lao động có thể được châm chước mà họ còn nhận được sự cảm thông hay chia sẻ từ chính đồng nghiệp hoặc người lãnh đạo.

Ron Kaufman, một chuyên gia cố vấn nhân sự tại nhiều tổ chức DN đa quốc gia nhận định: “Văn hóa DN có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy hành vi tích cực của các thành viên, nâng cao hiệu quả lao động và tăng tính cạnh tranh cho DN.” Càng ngày, văn hóa DN càng trở thành một trong những yếu tố chính mà người lao động muốn tìm hiểu và đặc biệt quan tâm trước khi bắt đầu gia nhập một tổ chức mới.

Nhiều cuộc điều tra từ các nhân sự cấp cao đã khẳng định: mức lương cao không phải là lựa chọn duy nhất và hàng đầu khiến họ đến với DN.

DN Việt Nam, với ưu thế hiểu rõ tâm lý và tập quán, sẽ không hề thua kém DN FDI trong cuộc đua thu hút nhân tài trong nước nếu như DN xây dựng một môi trường làm việc tự chủ và phong cách làm việc chuyên nghiệp, đồng thời biết tận dụng lợi thế bản địa của mình.

Xu hướng mới trong tuyển dụng nhân tài

Trước đây, các DN thường tìm cách “nẫng” nhân sự cấp cao từ các DN khác, tìm kiếm các ứng viên có kinh nghiệm thì hiện nay, việc tuyển dụng các sinh viên đại học mới tốt nghiệp đang trở thành một xu hướng đang được ngày càng nhiều chủ DN áp dụng. Đây là nguồn tạo ra đội ngũ lãnh đạo kế cận trong ngắn hạn cho DN.

Chương trình quản trị viên tập sự (MTP), là nơi bồi dưỡng nguồn tài năng cho DN từ các sinh viên xuất sắc trong trường đại học. Theo đó, các sinh viên giỏi ngay từ khi học trong Nhà trường đã được các nhà tuyển dụng mời về đảm nhận một số vị trí nhất định trong DN để thể hiện năng lực quảnn lý và kỹ năng chuyên môn. Họ được tạo môi trường làm việc không khác nhiều so với người đương nhiệm, cùng tham gia xử lý tình huống, ra quyết định và kiểm sóat quá trình thực hiện. Cũng trong thời gian này, ứng cử viên tương lai đã có cảm nhận về môi trường làm việc, cơ hội thể hiện năng lực, thăng tiến nếu họ được trở thành nhân lực của bộ máy DN nơi đang thực tập…

Có thể nhận thấy rõ xu hướng này nếu quan sát các buổi khai giảng hay bế giảng các khóa học của các trường đại học lớn của Việt Nam gần đầy: cùng với đội ngũ giáo viên; sinh viên còn có sự xuất hiện của các chuyên gia tuyển dụng đến từ các công ty Việt Nam. Có DN còn cử cán bộ tổ chức đến làm việc với lãnh đạo các trường từ khi một khóa học chuẩn bị tốt nghiệp. Khi có danh sách một vài học viên ưng ý, các chuyên gia tìm kiếm nhận sự đến gặp trực tiếp, phỏng vấn những “tân cử nhân tiềm năng” và đưa ra những lời mời hấp dẫn khi về làm thành viên của công ty.

Cũng có những DN khi gặp nhân sự trong “tầm ngắm” đã mạnh dạn đặt vấn đề hỗ trợ về tài chính hoặc mời tham gia các khóa học chuyên ngành do DN tổ chức hoặc gửi đi đào tạo.

Rõ ràng, các nhân sự cấp cao, tài năng đang chuyển từ vị thế “người đi tìm” trước đây sang “món hàng” hấp dẫn với các DN trong nước. Cơ hội cho cả nhân sự tài năng và các DN muốn tạo vị thế cạnh tranh vượt trội trong thương trường chính là sự khác nhau ở thái độ đối với nguồn nhân lực này ./.