Trang chủ » Thế giới » Cái giá của kích thích kinh tế tại Trung Quốc

Cái giá của kích thích kinh tế tại Trung Quốc

Tác giả:

Nếu trước đây, các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc được thế giới tán thưởng bao nhiêu thì hiện nay, người ta càng lo ngại về cái giá của sự kích thích trên bấy nhiêu.

TIN LIÊN QUAN

Tờ TBKTSG dẫn bản tin trên tờ Financial Times (Anh) ngày 26/7 cho biết, hệ thống ngân hàng Trung Quốc có nguy cơ mất 261 tỉ đô la Mỹ do “nợ xấu”, tương đương 23% của số vốn 7.700 tỉ nhân dân tệ (NDT) đã tài trợ các dự án hạ tầng cơ sở của chính quyền các địa phương.

Mô tả ảnh.
Nợ xấu là cái giá phải trả cho những kích thích kinh tế của Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

Do các dự án không tạo ra đủ doanh thu nên khoảng một nửa số món vay đang được trả lãi bằng ngân sách của cơ quan bảo lãnh, số món vay có thể trả lãi bằng nguồn thu của dự án chỉ là 27%, còn lại là nợ xấu, khó thu hồi vốn, một quan chức của Ủy ban Điều hành ngân hàng Trung Quốc (CBRC) cho biết và yêu cầu giấu tên. Ông này cũng tiết lộ rằng CBRC đã yêu cầu các ngân hàng xóa khỏi sổ sách các khoản tài trợ dự án “khó đòi” trước cuối năm nay.

“Thiên đường nhân gian” đổ nợ

Tháng 6/2010, phóng viên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đến Tô Châu, nơi được mệnh danh là thiên đường nhân gian. Theo phóng viên trên, sự phát triển và thay đổi tại đây khiến người ta có ấn tượng sâu sắc nhưng dường như không làm cho người dân địa phương có niềm tin hơn, không ít cư dân đang lo ngại về các khoản nợ đè lên ngân sách thành phố của họ.

Một cán bộ phát triển khu công nghiệp tại Tô Châu nói: “Vấn đề của Tô Châu chính là phát triển quá nhanh. Trong giai đoạn kích thích kinh tế, Tô Châu vay tiền với quy mô lớn, cộng thêm việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm và các dự án khác, thực sự không biết Tô Châu làm thế nào để trả nợ”.

Trong thực tế, các trường hợp như Tô Châu có rất nhiều tại Trung Quốc. Trong giai đoạn kích thích kinh tế năm 2009, các địa phương trong nước đều thành lập cơ quan tài chính, sử dụng đất đai, tài nguyên và các nguồn lực tài sản khác thuộc sở hữu nhà nước để thế chấp, hoặc được chính quyền địa phương bảo lãnh để vay tiền ngân hàng, tài trợ cho các dự án công cộng.

Hai năm qua, khoảng 4.000 cơ quan tài chính của các chính quyền địa phương trên cả nước Trung Quốc đã vay hơn 7.700 tỉ NDT (hơn 1.134 tỉ đô la Mỹ). Chuyên gia Lưu Dục Huy, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, ước tính đến năm 2011, các khoản nợ địa phương có thể lên đến 10.000 tỉ NDT (gần 1.473 tỉ đô la Mỹ), trong khi một số cơ quan phương Tây cho rằng nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc hiện đã lên đến 12.000 tỉ NDT (hơn 1.767 tỉ đô la Mỹ).

Nhà kinh tế học về Trung Quốc Mark Williams của Capital Economics (London, Anh) nhận định, điều đáng lo ngại là trong các khoản cho vay kích thích kinh tế của Trung Quốc, phần lớn là nợ xấu. “Trong 18 tháng qua, các cơ quan tài chính của chính quyền địa phương là khách hàng chủ yếu của các ngân hàng. Hầu hết các khoản cho vay đều được dùng cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, rất khó tạo ra lợi nhuận, cuối cùng trở thành nợ xấu”, ông Williams nói.

Ngay từ tháng 3-2010, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã nhận ra hiện tượng này và cảnh báo, nếu các cơ quan tài chính địa phương không trả được nợ, chính quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm và điều đó sẽ dẫn tới “những rủi ro về tài khóa”.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích cao cấp Mike Werner của Công ty Nghiên cứu Bernstein (Hồng Kông), từ nay đến cuối năm Trung Quốc vẫn chưa thấy rõ hậu quả nợ xấu vì phần lớn các khoản cho vay là dài hạn, phải vài năm nữa mới biết chắc người vay có khả năng thanh toán hay không.

Tuần qua, cơ quan đánh giá tín dụng Standard & Poor’s cũng cho biết, mặc dù rủi ro tín dụng tăng cao nhưng hệ thống ngân hàng Trung Quốc vẫn có khả năng duy trì ổn định và triển vọng phát triển do có lợi nhuận tốt, thanh khoản mạnh và có vốn.

Ông Williams thì cho rằng Bắc Kinh có kinh nghiệm trong việc xử lý nợ xấu của ngân hàng nên trong thời gian ngắn, vấn đề của hệ thống ngân hàng Trung Quốc sẽ không tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới một cách rõ ràng.

Bóng ma khủng hoảng ngân hàng

Nhà quan sát kinh tế Trung Quốc hàng đầu của Mỹ, ông Gordon Chang nhận định, các nhà kinh tế tại Bắc Kinh đều biết kích thích kinh tế là phải trả giá lớn.

Ông Chang nói: “Điều này hoàn toàn dự đoán được. Năm ngoái, các ngân hàng nhà nước bị buộc phải xuất tiền cho vay do chính phủ cần chấn hưng kinh tế. Hầu hết số tiền trên đều chảy vào các cơ quan tài chính của các chính quyền địa phương. Các địa phương do yếu tố chính trị đưa ra nhiều dự án. Do đó, tỷ lệ nợ xấu cao có thể không làm cho người ta thấy bất ngờ”.

Tuy vậy, ông Chang cho rằng nguy cơ nợ xấu của Trung Quốc đang trở thành nguy hiểm. Ông nói: “Tuy tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc hiện nay thấp hơn nhiều so với những năm 1990 nhưng đang tăng nhanh".

"Nếu tốc độ cho vay không giảm, tỷ lệ nợ xấu nghiêm trọng như những năm 1990 chỉ là vấn đề thời gian. Thị trường bất động sản suy thoái, thị trường chứng khoán giảm, cùng với tăng trưởng kinh tế chậm lại, tất cả với ngân hàng thực sự là họa vô đơn chí”.

Ông Shen Minggao, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Citigroup tại Hồng Kông, cũng nhận định cuộc khủng hoảng ngân hàng một thập niên về trước có nguy cơ tái diễn ở Trung Quốc.

Vào cuối thập niên 1990, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng nước này có lúc lên tới 50% – theo ước tính năm 2002 của Standard & Poor’s – và từ năm 1999 đến nay Chính phủ Trung Quốc đã bơm vào hệ thống ngân hàng không dưới 650 tỉ đô la Mỹ để chúng khỏi sụp đổ và đưa tỷ lệ nợ xấu xuống mức 1,3% vào tháng 6 năm nay.

Hiện thời, theo Bloomberg, năm ngân hàng lớn nhất nước này đang cấp tốc huy động 53,5 tỉ đô la Mỹ để bổ sung nguồn vốn trước nguy cơ nợ xấu.

Tháng trước, Chính phủ Trung Quốc, thông qua CBRC, đã yêu cầu chính quyền các địa phương phải bảo đảm việc trả nợ vay và tập trung hoàn tất các dự án đang dang dở. Hôm 13-6, Quốc vụ viện Trung Quốc ra lệnh ngừng cấp vốn cho các đơn vị đầu tư các dự án hạ tầng công cộng và dựa vào nguồn thu ngân sách địa phương để trả nợ.

Chính quyền địa phương cũng bị cấm đứng ra bảo lãnh vay nợ cho các cơ quan tài chính địa phương. Tuy nhiên, trong bản báo cáo phân tích ngày 14/7, nhà phân tích Charlene Chu của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings lại nêu lên một nguy cơ khác: tốc độ cho vay của Trung Quốc đã không chậm lại như số liệu chính thức thể hiện bởi vì các ngân hàng chuyển nợ ra khỏi bảng cân đối tài sản rồi “đóng gói” chúng thành các sản phẩm tài chính, bán cho các nhà đầu tư.

Để giảm thất thoát CBRC cũng đã yêu cầu các ngân hàng tổ chức các đội chuyên trách làm việc với chính quyền các địa phương về kế hoạch trả nợ và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.