Trang chủ » Tranh luận » Tư duy lại để tiến bước

Tư duy lại để tiến bước

Tác giả:







Càng gần đến những ngày cuối cùng của năm, cũng là những ngày khóa sổ của năm tài khóa 2009, một năm đầy sóng gió và hệ lụy của năm 2008, có thể thấy hầu hết các DN VN phải bươn chải cực kỳ khó khăn trong hai năm qua. Nhưng dường như càng khó khăn thì ý chí, bản lĩnh của DN Việt càng được tôi luyện và khẳng định.

 

Những dự tính và những kế hoạch đặt ra của DNNVV hầu như chỉ đạt được 50% kế hoạch không lỗ vốn, phần còn lại là lỗ vốn và đang gặp nguy hiểm. Điều này thể hiện trên những báo cáo tài chính minh bạch của Chính phủ và Quốc hội trong phiên họp cuối năm.

 

Còn đó những nỗi lo

 

Tổng vốn đầu tư lớn (CPI) nhưng hiệu quả đầu tư thấp ( ICO). Nói một cách đơn giản là vốn đầu tư bỏ ra 8 USD mà kết quả làm ra chỉ hơn 1 USD. Hiệu quả này rất thấp so với các nước trong khu vực như, Thái Lan, Malaysia… và thế giới. Nền kinh tế của quốc gia đứng đầu thế giới là Mỹ vẫn đang ngụp lặn để tìm đường ra khi trị giá USD giảm mạnh so với các đồng tiền khác, kinh tế Nhật Bản cũng gặp vấn đề khi Chính phủ buộc phải chi tiếp 81 tỷ USD để cứu vãn các Cty và ổn định tình hình. Trung Quốc đang gồng mình giữ thăng bằng vĩ mô nếu không trái bóng đang quá tải cả về không khí cũng như nhiệt độ này sẽ nổ tung bất cứ lúc nào. Từ những lý do đó ta thấy rằng sang năm 2010 kinh tế thế giới và VN chưa thể thoát khỏi cái bóng hiệu hữu của khủng hoảng.

 

Nhìn vào thực tế không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới nói chung và VN nói riêng thì việc làm tiên quyết trong lúc này phải dựa vào chính sách vĩ mô của Chính phủ và các bộ ban ngành có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến DN như Bộ KH – ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước. Triệt để thực hiện và triển khai tốt Nghị quyết 30A của Thủ tướng về thủ tục hành chính, minh bạch tài chính của các Tập đoàn, TCty do Nhà nước nắm phần chi phối, cắt giảm quyền lực của các bộ, thành phố, UBND tỉnh trực thuộc trung ương vì thực tế nhiều cơ quan không đủ khả năng và trí lực khi được giao quyền quá lớn. Mặc dù việc phân quyền là đúng nhưng chưa trúng với thời điểm. Các DN có tâm lý chung là khát khao trụ vững và từng bước phát triển là khó khăn. Bởi vậy sự giúp đỡ và giải cứu khó khăn của DN là thủ tục hành chính, bình ổn các mặt hàng tiêu dùng… Đặc biệt quan trọng là trị giá đồng tiền Việt so với vàng và USD trên thế giới.

 

Thời gian hai năm qua và năm thứ ba kế tiếp chúng ta sẽ phải nhìn lại nghiêm túc, không chỉ là Chính phủ và các bộ ngành trung ương, địa phương mà còn là chính các DN nhà nước, DN dân doanh và liên doanh. Một thực tế xảy ra khi một số chính sách chưa hoàn thiện đã ban hành và nhiều DN đã lợi dụng kẽ hở của chính sách, của luật pháp để lách luật và đôi khi còn biến tướng, biến hình để thu lợi bất chính. Những DN đó không thiếu trong bất cứ xã hội nào, nhất là khi VN đang hòa nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu và phát triển niền kinh tế theo kinh tế thị trường.

 

 






Càng khó khăn, ý chí và bản lĩnh của DN Việt càng được khẳng định

 

 

Để vững tin tiến bước

 

Chính phủ nên mạnh tay giải quyết dứt điểm xóa sổ, thu hồi bán, đấu giá các Cty, đơn vị kinh tế do Nhà nước dùng ngân sách và các điều kiện ưu đãi thuận lợi khác nắm giữ quyền chi phối hoạt động không hiệu quả, hòa và lỗ vốn trong vòng hai năm qua.

 

Dùng Luật Doanh nghiệp để chế tài tất cả các doanh nghiệp quốc doanh và dân doanh (ngoại trừ các doanh nghiệp do Nhà nước quản lý có liên quan đến an ninh quốc gia). Tạo sự công bằng trong sản xuất kinh doanh cũng như sự đào thải vốn có của kinh tế thị trường.

Giảm lãi suất ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn không quá 8%/năm. Hỗ trợ lãi suất cho các dự án theo danh mục đã được Chính phủ phê duyệt nhằm tạo cú hích cho nền kinh tế của các vùng miền khó khăn và các ngành nghề cần được ưu tiên phát triển, từng bước giảm dần khoảng giàu nghèo trong xã hội và cộng đồng.

 

Tập trung phần lớn ngân sách nhà nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng và giáo dục dạy nghề trong năm 2010 tạo đà cho năm 2011 -2015 vì giai đoạn này đầu tư vào hai lĩnh vực trên là an toàn và bền vững hơn các lĩnh vực khác.

 

Đẩy mạnh bang giao trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, kinh tế và ngoại giao để cho cộng đồng thế giới biết, hiểu, suy nghĩ về Việt Nam nhiều hơn trong đó bao hàm cả cái hay cái chưa hay của mình. Có như vậy sự cảm thông và chia sẻ của người dân trong nước và cộng đồng thế giới sẽ giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ vượt qua mọi rào cản của mọi khó khăn.

 

Một mùa xuân nữa lại đến và bánh xe lịch sử vĩnh viễn không ngừng nghỉ, lớp người cũ sẽ già đi để cho lớp trẻ dần kế thừa và thay thế. Sau hai năm khó khăn vất vả, chúng ta vẫn đứng vững và mỗi ngày niềm tin và tình yêu của bạn bè trên thế giới lại lớn lên và nhân rộng. Tất cả những điều đó khiến chúng ta tin tưởng rằng Năm Canh Dần sẽ là năm sức bật của nền kinh tế VN.

 

Nguyễn Hoài Bắc (DDDN)