Trang chủ » Tranh luận » Ngôn ngữ đôla của các doanh nhân Mỹ

Ngôn ngữ đôla của các doanh nhân Mỹ

Tác giả:




Mỗi quốc gia khác nhau, mỗi nền kinh tế khác nhau thì các doanh nhân lại có những phán xét cũng như khả năng đánh giá khác nhau trong kinh doanh. Doanh nhân Mỹ có quan niệm không giống như doanh nhân ở nhiều nước khác về sở hữu vật chất.

 

Họ thường thiên về vật chất, và trên thực tế, họ luôn đề cao chúng đến mức quá đáng. Do thiếu một hệ thống giai cấp cố định, và do có dân số cực kỳ cơ động, hay di chuyển nơi ở nên họ rất nhạy cảm đối với việc con người sử dụng của cải vật chất ra sao.

 

Theo họ, thì mọi thứ, từ quần áo trang phục cho đến nhà ở đều được coi như phương tiện thu hút sự chú ý của người khác, hơn thế nữa, còn để xác minh địa vị của mọi người. Nhưng địa vị của họ cũng là một hệ thống thay đổi nhanh chóng, trong đó kể cả phong cách và dáng vẻ bên ngoài. Ví dụ: bức tranh quảng cáo cho xe ôtô Cadillac, vẽ một người đàn ông ngoài năm mươi tuổi, ăn mặc lịch sự đang mở cửa xe. Lời chú thích bên dưới là: "Hẳn các bạn đã biết nhiều về người này". Cũng theo kiểu đó, chủ tịch một công ty lớn đã chi tiêu trên 100 nghìn USD cho đồ đạc văn phòng ông, chỉ cốt cho vị chủ tịch công ty thép không thể nhìn ông ta với con mắt khinh thường.

 

Theo quan niệm của người Mỹ thì, đồ đạc sang trọng, không gian rộng rãi, môi trường xung quanh thích hợp, có nghĩa là con người làm chủ dinh cơ đó là một công dân có địa vị xã hội cao, là người đáng tin cậy và thành đạt.

 

 



Doanh nhân Mỹ có quan niệm không giống như doanh nhân ở nhiều nước khác về sở hữu vật chất.

 

Trong khi đó, người Pháp, người Anh hay người Đức lại thể hiện hoàn toàn theo cách khác trong cách sử dụng những vật chất sở hữu. Những gì tiêu biểu cho sự tin cậy, uy tín và là đáng kính đối với người Anh thì lại bị người Mỹ coi là hủ lậu, không hợp thời trang. Người Nhật tự hào về những tiện nghi và cách trang trí trang nhã, đồ đạc không đắt tiền dùng để tạo ra một khung cảnh, một môi trường gợi nên xúc cảm phù hợp.

 

Các chủ doanh nghiệp Trung Đông lại tìm cái gì đấy khác hẳn: họ coi trọng gia đình, các mối quan hệ và tình bạn… Họ không dùng đồ đạc trong văn phòng để tượng trưng cho địa vị của mình. Họ cũng không hề muốn gây ấn tượng với khách hàng bằng biện pháp này, hoặc là để tăng uy tín đối với một chủ ngân hàng để vay thêm tiền. Tất nhiên họ cũng thích đồ đạc tốt, nhưng họ cảm thấy, không nên xét đoán con người qua những gì nhìn thấy bên ngoài.

 

Người ta hay chỉ trích người Mỹ ở nước ngoài, kể cả giới kinh doanh cũng như cơ quan đại diện Chính phủ về việc họ cứ đề cao của cải vật chất. Hãy để cho tiền lên tiếng – người Mỹ nói vậy – và họ luôn phát biểu cái ngôn ngữ đôla ở nước ngoài, và tin rằng đôla là ngôn ngữ chung cho thế giới. Bởi vậy, ở Mỹ, người ta cố gắng mua sự trung thành bằng tiền, trong khi ở nhiều nước, cách thức này không phải là duy nhất.

 

Bích Hường dịch (TaichinhVietnam.com)