Trang chủ » Tranh luận » Công thức bí mật của Starbucks

Công thức bí mật của Starbucks

Tác giả:




Nếu một lần được chứng kiến, chắc hẳn không ai trong số chúng ta lại không mong muốn áp dụng những kỹ năng giao tiếp đầy thuyết phục của Howard Schultz, chủ tịch hãng cà phê Starbuck, vào môi trường làm việc của mình. Howard Schultz cùng các kỹ năng giao tiếp của ông được xem như công thức bí mật tạo nên sự thành công của Starbuck.

Nếu đặt chân vào một cửa hàng Starbucks gần đây, bạn sẽ cảm thấy tràn ngập những thông điệp tiếp thị cho bộ phim Akeelah and the Bee, câu chuyện về một cô gái trẻ nỗ lực tham gia và giành phần thắng tại một cuộc thi chính tả quốc gia.

Bộ phim được trình chiếu tại Mỹ vào cuối tháng 4 và thể hiện bước đi đầu tiên của dây chuyền cung ứng cà phê Starbuck trong lĩnh vực quảng bá điện ảnh – một phần trong thoả thuận liên minh tiếp thị, xúc tiến phim ảnh giữa Starbuck và hãng Lionsgate.

Song, đằng sau mục đích này, theo nhiều cách thức khác nhau, câu chuyện về một đứa trẻ nghèo với những giấc mơ cháy bỏng phần nào còn phản ánh sự giáo dục của vị chủ tịch Starbucks, Howard Schultz vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó và giờ đây đang nắm trong tay cả đế chế Starbuck khổng lồ.

Những kỹ năng giao tiếp mạnh mẽ của Howard đã xây dựng nên hình ảnh một nhà lãnh đạo – người mà không chỉ nắm rõ mình đại diện cho điều gì mà còn cả những giá trị mình khuyếch trương, và người luôn biết cách thức kết nối cảm xúc với người nghe.

Trên thực tế, trong thời gian ngồi trên ghế giảng đường đại học, Schultz theo học ngành giao tế. Sau đó, ông tham gia nhiều khoá học diễn thuyết trước công chúng. Cùng với thời gian, những kỹ năng giao tiếp, truyền tải cảm xúc của ông phát triển cùng khả năng thu hút tình cảm của các nhà đầu tư, khách hàng và nhân viên trong công ty.

Chia sẻ cảm xúc

Schultz đặc biệt có các cảm xúc mạnh mẽ về những gì mình thực hiện. Nhưng cần hiểu rằng tình cảm của ông không chỉ đơn thuần dành cho cà phê. Ông bán nhiều thứ hơn thế. Bạn sẽ thấy rằng không chỉ yêu thích cà phê, Schultz còn nhiệt thành với việc xây dựng một môi trường làm việc – nơi mà mọi người được đối xử với tất cả sự tôn trọng và chân thành. Đó là thông điệp nhất quán mà Schultz luôn truyền tải tới các nhân viên, khách hàng và nhà đầu tư.

Trong một cuốn sách gần đây của Schultz, Pour Your Heart Into It (Rót cả tâm hồn vào đáy cốc), các từ như “cảm xúc”, “đam mê” gần như xuất hiện trong mọi trang giấy. Nhưng Shcultz hoàn toàn không để sự nhiệt thành của mình trên các trang giấy. Trong mọi cuộc hội thoại, ông đều bộc lộ và truyền tải niềm đam mê lớn cho các nhân viên cũng như cho cuộc sống của họ.

Có rất nhiều phẩm chất đã giúp Schultz nổi bật như một nhà giao tiếp kinh doanh thuyết phục nhất. Và từ ông, có ba bài học lãnh đạo bạn có thể áp dụng vào công sở của mình:

Bài học 1:

Hãy đào sâu để nhận ra những gì bạn thực sự đam mê (không phải lúc nào cũng là niềm đam mê với sản phẩm) và truyền tải thông điệp này tới các nhân viên, khách hàng và đồng nghiệp.

Khi có niềm đam mê, bạn sẽ bộc lộ sự phấn khích, nhiệt thành và sinh lực mạnh mẽ – tất cả những phẩm chất mà mọi người đều thích nhìn thấy ở người khác. Và nếu mọi người thích bạn, họ sẽ mong muốn giao dịch kinh doanh với bạn nhiều hơn, hay ít nhất là ủng hộ viễn cảnh của bạn.

Cùng với khả năng truyền tải niềm đam mê tới các nhân viên, sự nhiệt thành của Schultz còn hoà lẫn với khả năng phác hoạ một bức tranh sinh động về những gì ông nỗ lực đạt được, qua đó thuyết phục cả những nhà đầu tư khó tính nhất ủng hộ các kế hoạch kinh doanh của ông.

Không đơn thuần ở những tách cà phê thơm ngon, những gì Schultz thực sự cung cấp cho khách hàng là sự hoà trộn giữa cà phê và sự lãng mãn. Ông đã rất thành công trong việc phác hoạ một bức tranh của sự thoải mái và tính cộng đồng tại Starbuck – “điểm đến” thứ ba giữa ngôi nhà và công sở.

Trong một chuyến du lịch tới Italy, cuộc sống của Schultz đã thay đổi hoàn toàn khi ông nếm một ngụm cà phê espresso đầu tiên và nhìn xung quanh cửa hàng trên một quảng trường tại Milan. Người Italy thực sự đam mê về việc uống cà phê của họ và xem nó như một phương thức cho những giao tiếp xã hội.

Schultz sau đó đã đưa hình ảnh đó tới Mỹ – phác hoạ nên một bức tranh sinh động về văn hoá cà phê quầy bar của người Ý và làm thế nào Starbucks có thể tạo ra một bản sao của trải nghiệm này. Chính ý tưởng này của Schultz đã góp phần đưa Starbucks từ chỗ là một cửa hàng cà phê nhỏ tại Seattle trở thành một nhãn hiệu toàn cầu với trên 40 triệu khách hàng mỗi tuần.





Không đơn thuần ở những tách cà phê thơm ngon, những gì Schultz thực sự cung cấp cho khách hàng là sự hoà trộn giữa cà phê và sự lãng mạn.

 

Bài học 2:

Truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp, nhà đầu tư và nhân viên bằng việc vẽ lên bức tranh về một thế giới tốt đẹp hơn nhờ những sản phẩm, dịch vụ hay công ty bạn.

Câu đầu tiên trong cuốn sách của Schultz không mang ý nghĩa gì cả nhưng lại là tất cả về Starbucks. Schultz bắt đầu bằng câu: “Vào một ngày tháng Giêng lạnh lẽo năm 1961, cha tôi bị chấn thương mắt cá chân tại công sở”. Câu chuyện kể về việc chấn thương này của người cha đã khiến gia đình ông không có thu nhập, không có bảo hiểm và luôn trong tình trạng bất an. Schultz không ngừng kể câu chuyện này cho các nhân viên, nhà báo và cổ đông như một phương thức truyền cảm hứng cho người nghe ủng hộ viễn cảnh của ông.

Theo Schultz, kể từ khi người cha bị chấn thương mắt cá chân và phải dành hết thời gian với việc rang xay cà phê, ông đã có được nhiều trải nghiệm quý báu và tự mình rút ra được các giá trị và nhận thức về những gì cần thiết trong kinh doanh.

“Giờ đây, Starbuck tuyển dụng 300 nhân viên mỗi ngày. Sẽ rất quan trọng với việc để các nhân viên mới hiểu được rằng khi tôi thành lập công ty, mọi thứ hầu như không có gì cả. Những gì định hướng cho tôi sau đó và những gì dẫn dắt Starbuck tới ngày hôm nay chính là việc xây dựng một mô hình công ty khác biệt, một môi trường làm việc nơi mà mọi người được tôn trọng và đối xử chân thành”, Schultz cho biết. Ông tin rằng những câu truyện cá nhân sẽ truyền cảm hứng và niềm đam mê tới những người xung quanh bằng việc xây dựng các giá trị chia sẻ.

Bài học 3:

Để có được sự tin cậy và lòng trung thành của những người xung quanh, một nhà lãnh đạo cần đánh đúng tình cảm cũng như tâm trí của họ.

Mọi người có thể liên quan tới các câu truyện. Họ có thể nhìn thấy bản thân mình trong câu truyện của những người khác. Khả năng sử dụng các câu truyện để đưa mọi người đến với cùng một viễn cảnh bằng cả trái tim của họ luôn là sức mạnh tuyệt vời ẩn chứa trong một nhà lãnh đạo thành công.

Có thể thấy, Schultz sẽ không bao giờ đạt được viễn cảnh của mình nếu không có được niềm đam mê và sự tận tuỵ của những người xung quanh ông. Rõ ràng, để thành công, một nhà lãnh đạo như Schultz phải đặt trọng tâm vào những nỗ lực đảm bảo tất cả đội ngũ nhân viên trong công ty cùng chia sẻ một viễn cảnh chung.

Thông qua các kỹ năng giao tiếp thuyết phục, ông chủ Starbucks đã và đang biến các giấc mơ của mình thành hiện thực để tiếp tục chia sẻ chúng với hàng nghìn các nhân viên, nhà đầu tư và khách hàng trên toàn thế giới.

Huyền trang dịch (Taichinhvietnam.com)