Trang chủ » Điểm nóng » Vỡ mộng ‘rót tiền’ vào ngân hàng, chứng khoán

Vỡ mộng ‘rót tiền’ vào ngân hàng, chứng khoán

Tác giả:

Sức ép tài chính

Giới đầu tư ngân hàng gần đây hướng quan tâm tới việc cổ đông sáng lập của một ngân hàng cổ phần mới đang muốn ra khỏi lĩnh vực này để tập trung sức lực cho lĩnh vực chính của mình là công nghệ. Nhưng, chuyện rút vốn khỏi ngân hàng sẽ không phải dễ. Bởi, cổ đông sáng lập muốn mua bán, chuyển giao cổ phần sẽ phải chờ đủ thời gian nhất định là 5 năm theo quy định. Thành ra, nhà đầu tư này đang tiến thoái lưỡng nan.

Tuy chiếm tỷ lệ không lớn, nhưng việc cổ đông trên có ý định rút lui khiến kế hoạch tăng vốn của nhà băng này trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư khác. Không nói thì ai cũng hiểu, có lẽ nhà đầu tư này đã cảm thấy “khó chơi” với lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhất là khi sức ép đòi hỏi tăng vốn, nâng cao điều kiện kinh doanh dồn dập mà thị trường lại khó khăn kéo dài.

Trong khi đó, một ngân hàng khác là PG Bank cũng đang trắc trở với kế hoạch tăng vốn của mình. PG Bank có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, Petrolimex nắm giữ 40%, tương ứng 800 tỷ đồng. Theo yêu cầu, PG Bank cần tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, như vậy thì Petrolimex phải góp thêm 400 tỷ đồng. Huy động 400 tỷ để góp vốn có thể không quá khó đối với Petrolimex, nhưng việc tiếp tục bỏ thêm số tiền này trong khi đơn vị đang rất nặng gánh với hoạt động chính là kinh doanh xăng dầu – thì e cũng khó coi.

Đặc biệt, việc đổ thêm tiền vào ngân hàng sẽ càng vướng do các quy định hiện nay chỉ cho phép DNNN đầu tư không quá 20% vốn điều lệ vào chứng khoán, ngân hàng; đồng thời, vốn góp của toàn DN mẹ và các công ty con không quá 30%. Hơn thế, trong dự thảo mới nhất, các con số này rút xuống chỉ còn 10%. Nếu đúng như thế, có thể Petrolimex sẽ phải rút vốn ra chứ không phải tiếp tục góp vào.

Đầu tư vào ngân hàng, chứng khoán một thời được coi là “mốt” của các DN (ảnh minh họa – LĐ)

Trong tình huống tương tự, Bảo Việt đã có được sự đồng ý của Thủ tướng để duy trì vốn trong BaovietBank ở mức 52%. Tuy nhiên, Bảo Việt là một tập đoàn chuyên về tài chính và trong cơ cấu tập đoàn có thành viên là ngân hàng, còn Petrolimex không có lợi thế này. Đây thực sự là điều khó trong hoàn cảnh thị trường hiện nay. Hơn nữa, các cổ đông còn lại vốn hào hứng với ngân hàng khi nương theo “ông lớn” nhà nước, nay nếu cổ đông lớn rút vốn thì họ cũng không tránh khỏi tác động.

Có một thực tế, nếu trước đây, nhiều DN đầu tư vào ngân hàng vốn rất hào hứng thì nay bắt đầu mệt mỏi. Kinh doanh trong những năm qua khó khăn, lợi nhuận nhìn thì lớn nhưng chia ra trên đồng vốn không cao, trong khi sức ép tăng vốn dồn dập khiến cho nhiều DN ngày càng thấy ngán.

Thậm chí, một chuyên gia ngân hàng cho biết, rất nhiều DN bỏ vốn vào lĩnh vực này với hy vọng sau đó chuyển nhượng lại với giá cao, nhưng không ngờ chứng khoán đi xuống, cổ phiếu ngân hàng nhỏ ế ẩm và rớt giá. Trên thị trường không hiếm cổ phiếu các ngân hàng xuống dưới cả mệnh giá. Khoản đầu tư đầy kỳ vọng năm nào đang trở thành một món nợ.

Trong khi đó, thông báo mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cho thấy một bức tranh đáng sợ về tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán. Áp theo tiêu chuẩn mới nhất về tài chính thì đến thời điểm này, trong số 105 công ty chứng khoán, có tới 12 công ty không đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định (tỷ lệ vốn khả dụng dưới 180%), trong đó 5 công ty rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt (tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%). Ngoài ra, theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán, đã có 80 công ty chứng khoán lỗ trong quý III/2011, trong đó số công ty lỗ lũy kế hết quý III là 65 công ty.

Theo các chuyên gia, đây mới chỉ là con số do các DN tự kiểm tra và báo cáo, nếu kiểm tra kỹ có thể còn cao hơn. Đặc biệt, với tình hình thị trường khó khăn hiện nay, số lượng công ty chứng khoán thua lỗ và vi phạm chỉ tiêu an toàn tài chính dự kiến sẽ còn tăng thêm.

Trong danh sách các đơn vị thua lỗ có chứng khoán Saigontourist, chứng khoán Đà Nẵng, chứng khoán Cao Su, chứng khoán Hà Nội, chứng khoán Vina, chứng khoán TC Capital Việt Nam, chứng khoán CiMB-Vinashin, chứng khoán MHB, chứng khoán Rồng Việt, chứng khoán Hoàng Gia, chứng khoán Phú Gia, chứng khoán Hùng Vương…

Giờ thì nhiều DN đang vỡ mộng thì tiến không được, lùi chẳng xong (ảnh minh họa – LĐ)

Có thể thấy rất nhiều tên tuổi lớn trên các lĩnh vực khác du lịch, cao su, ngân hàng… được gắn tên vì có vai trò là cổ đông lớn. Đi sâu hơn, trong các công ty chứng khoán này có rất nhiều tên tuổi lớn đến từ nhiều ngành nghề từ cơ khí – xây dựng đến công nghệ thông tin và cả tài chính… nhưng tất cả đều chuốc lấy thua lỗ.

Thậm chí, tình hình sẽ khó sớm được cải thiện khi thị trường khó khăn, các ngân hàng và chứng khoán không đảm bảo các tiêu chí bị kiểm soát chặt chẽ và hạn chế kinh doanh… Khó khăn còn kéo dài nhưng rút ra là điều không dễ. Những cảnh báo về việc dồn dập đầu tư ra ngoài ngành vào ngân hàng, chứng khoán của các DN đến thời điểm này càng trở nên lộ diện.

Thoái lui

Đã có không ít trường hợp gặp khó khăn khi đầu tư vào tài chính – chứng khoán buộc phải tháo lui. Đây cũng là điều được nhiều chuyên gia cảnh báo khi lộ trình siết chặt kiểm soát chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực này đang được đẩy mạnh.

Cách đây hai năm, Ủy ban Chứng khoán đã cho giải thế Quỹ công nghiệp và năng lượng Việt Nam. Đây là quỹ do BIDV khởi xướng với sự góp mặt của hầu hết các DN, tập đoàn nhà nước lớn với số vốn cam kết góp khi khởi sự là 10 ngàn tỷ đồng. Nếu đúng cam kết, đây sẽ là quỹ có quy mô lớn nhất Viêt Nam.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm thành lập, quỹ đã không thể huy động được vốn để triển khai các hoạt động đầu tư. Lý do, các cổ đông là DNNN do khó khăn không thể cung cấp vốn đầu tư cho quỹ. Đồng thời, các cổ đông này cũng đang đứng trước sức ép phải giảm vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành nghề chính, đặc biệt là đầu tư vào thị trường tài chính… Không còn cách nào khác, quỹ phải giải tán.

Cuối năm ngoái, thị trường chứng khoán cũng đã được một phen giật mình khi một công ty chứng khoán bỗng tuyên bố ngừng giao dịch ở Hà Nội để tập trung cho hoạt động chính của mình. Đến thời điểm hiện tại, quyết định này lại là bước đi trước khôn ngoan.

Còn đầu năm nay, thị trường cũng được dịp rúng động khi chứng khoán Kim Long – vẫn được biết đến là một tổ chức trung gian nổi tiếng với nghiệp vụ tự doanh, công bố ý định thoái lui khỏi chứng khoán khi định từ bỏ nghiệp vụ môi giới chứng khoán, thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp để hướng tới hoạt động kinh doanh khác có lợi hơn.

Thậm chí, tại thời điểm đó, Kim Long tiết lộ đang có khoản thặng dư hàng ngàn tỷ đồng trong tay, nhưng họ lại muốn thay đổi để thoát khỏi những hạn chế của một công ty chứng khoán. Điều này cho thấy, kinh doanh chứng khoán đã không còn được như kỳ vọng, và đã có những người tính chuyện tháo lui càng sớm càng tốt.

Trong câu chuyện an toàn tài chính hiện nay của các công ty chứng khoán cũng cho thấy, rất nhiều công ty sẽ buộc phải thay đổi. Nếu tiếp tục, các cổ đông sẽ phải bỏ thêm tiền, còn không phải giải tán… Điều này hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng ban đầu của những người bỏ tiền vào chứng khoán.

Bày tỏ quan điểm về điều này, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho rằng, những công ty chứng khoán nhỏ thường rất khó cạnh tranh và sẽ diễn ra cuộc sàng lọc lớn. Có thể chuyện giải thể, phá sản sẽ là đương nhiên. Trong thời gian tới, sẽ kiên quyết tái cơ cấu khối công ty chứng khoán theo hướng thâu tóm, sáp nhập công ty, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động để đảm bảo sự bền vững của hoạt động của các công ty chứng khoán.

Cách đây 3-4 năm, chứng khoán sôi động và tăng trưởng mạnh mẽ. Hơn 100 công ty chứng khoán lớn nhỏ ra đời, kéo theo đó là sự tham gia thị trường của hàng trăm, hàng nghìn các chủ đầu tư là các cá nhân, DN khác… Thời đó, bỏ tiền vào chứng khoán như là một mốt thời thượng, một sự nhanh nhạy kinh doanh và được đảm bảo thành công. Tuy nhiên, qua cơn suy thoái 2008 và thêm lần khó khăn dự báo còn kéo dài này, chắc chắn nhiều công ty sẽ giải tán và nhiều nhà đầu tư sẽ vỡ mộng với chứng khoán.

Trong khi đó, đối với ngân hàng, những động thái thắt chặt kye luật tiền tệ gần đây đã khiến cho nhiều ngân hàng nhỏ gặp khó khăn. Và từ những động thái của Ngân hàng Nhà nước dường như không dừng ở chuyện lãi suất mà mở ra một câu chuyện khác: Tái cấu trúc.

Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, quan điểm của cơ quan quản lý là tiếp tục thực hiện việc giám sát nghiêm ngặt. Cần thiết sẽ tái cơ cấu lại trong đó có viêc mua bán, sáp nhập các ngân hàng nhỏ, yếu kém sẽ được xem xét.

Mấy năm gần đây, khi làn sóng chuyển đổi mô hình ngân hàng và cho thành lập ngân hàng mới đã tạo điều kiện cho “ra lò” hàng loạt ngân hàng nhỏ. Cũng đã có rất nhiều cảnh báo về việc có quá nhiều ngân hàng nhỏ trên thị trường và mức độ cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn hơn. Thực tế, với những khó khăn hiện nay, các chuyên gia cho rằng chính là cơ hội để ngân hàng nhỏ xem lại mình để có cách tổ chức hệ thống quản lý và khẳng định được thương hiệu với khách hàng. Thậm chí, các nhà đầu tư phải xác định lại mục tiêu: tồn tại hay không. Bởi vì, theo lộ trình, các yêu cầu tài chính sẽ ngày càng tăng lên, kiểm soát sẽ ngày càng thắt chặt… đầu tư ngân hàng sẽ không còn miếng ngon dễ xơi cho tất cả, và sẽ có nhiều nhà đầu tư vỡ mộng khi đầu tư vào ngân hàng rút không ra mà tiến cũng không xong.