Chậm vào vụ
Những năm trước, hàng hóa phục vụ Tết ngập chợ truyền thống, khách mua sắm tấp nập, chen chân nhau đi chợ cả tháng trời trước Tết thì năm nay khi mà thời gian chỉ còn hơn hai tuần nữa là tới Tết Nguyên đán, số lượng hàng về chợ nhiều hơn hồi đầu tháng Chạp nhưng vẫn hết sức èo uột.
Khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như: Đồng Xa, Nghĩa Tân, Cổ Nhuế… thấy số lượng hàng bày bán tại các quầy bán thực phẩm khô, bánh mứt kẹo không nhiều, có quầy các mặt hàng vẫn chẳng khác gì so với ngày thường. Đi chợ Tết ngày cuối tuần vẫn như ngày thường vắng cả hàng và khách.
Tại một quầy hàng thực phẩm khô của chị Nguyễn Thị Vân ở chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm) xuất hiện thêm một số mặt hàng Tết với số lượng nhiều hơn như: hạt dẻ, nấm hương, mộc nhĩ, măng khô… nhưng không đáng kể.
Chị Vân cho biết, những năm trước chị nhập hàng tết về từ tháng 11 âm lịch, sang tháng 12 âm khách bắt đầu mua nhiều. Năm nay, lượng hàng nhập về bán giảm còn khoảng 1/4, mà cũng chỉ tập trung cho những mặt hàng được cho là có thể tiêu thụ mạnh.
Tại khu vực bày bán bánh mứt kẹo ở chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy), không chỉ giảm về số lượng hàng hóa mà một số mặt hàng phục vụ Tết còn vắng bóng. Điển hình như giỏ quà Tết, năm trước tràn ngập chợ thì năm nay không thấy xuất hiện tại bất cứ quầy hàng nào.
Hầu hết tiểu thương đều cho biết hàng Tết tại chợ năm nay không nhiều, giảm mạnh so với những năm trước. Theo đó, sức tiêu thụ cũng yếu dần đi.
Bà Nguyễn Thanh Tâm tại chợ Đồng Xa chia sẻ: Năm nay kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân đa phần giảm nên rất khó dự đoán sức mua để nhập hàng về chợ. Tiểu thương không dám mạo hiểm đầu tư nhập hàng vì sợ ế vốn lại tồn đọng.
Không chỉ chịu cảnh thị trường ảm đảm, khó dự đoán sức mua mà tiểu tương các chợ giờ còn phải chật vật canh tranh với các siêu thị khiến hàng hóa phục vụ Tết đang dần yếu thị phần tại chợ.
Bà Hải tiểu thương chuyên bán bánh mứt kẹo tại chợ Cổ Nhuế chia sẻ: “Mặc dù bánh mứt kẹo bán tại các chợ giá rẻ hơn nhiều so với siêu thị nhưng xu hướng người dân vào siêu thị mua sắm ngày càng nhiều hơn. Không nói đến giá cả chất lượng, hàng hóa tại các siêu thị luôn có giấy tờ, nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác bao bì cũng đầy đủ nên được người tiêu dụng chuộng và dễ bán hơn”.
Tiểu thương ngành hàng thực phẩm khô tên Hằng tại chợ Đồng Xuân cho hay, hàng Tết năm nay tiêu thụ chậm, các đầu mối ở chợ bán lẻ lấy sỉ hàng cũng kém đi. Thay vì đến nhập tất cả các mặt hàng với số lượng lớn, một số đầu mối chỉ nhập một hai loại, những loại khác họ kêu khó bán, tiêu thụ chậm vẫn còn hàng tồn từ trước nên không nhập thêm nữa.
Dân sợ hàng “ba không” tại chợ
Trong khi tiểu thương chợ truyền thống không nhập nhiều hàng về trong mùa Tết đa phần người dân cũng tỏ ra e dè, sợ những mặt hàng Tết “ba không” đang bày bán tràn lan tại chợ.
Bác Nguyễn Hải Anh ở thôn Hoàng xã Cổ Nhuế (Từ Liêm) đang đi chọn một số mặt hàng chuẩn bị cho gia đình ăn Tết tại siêu thị Metro Thăng Long cho biết, cả năm nay đài báo nói về các vụ làm thực phẩm bẩn, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng chứa chất bảo quản… rồi hàng nhập từ Trung Quốc mà vừa rồi đi chợ thấy hàng Tết tại các chợ chủ yếu là hàng “ba không”, chẳng có địa chỉ rõ ràng gì được bày bán tràn lan. Chính vì không yên tâm nên năm nay, thay vì sắm Tết tại chợ, gia đình chuyển hướng vào siêu thị mua tất cả mọi thứ cho an toàn.
“Không những thế, năm nay các siêu thị cũng tăng chương trình khuyến mãi lên nhiều hơn, giá cả lại có phần ổn định chứ không bấp bênh như hàng hóa ở chợ. Tính ra, sắm hàng Tết tại siêu thị không đắt hơn mấy so với sắm hàng Tết tại chợ truyền thống”, bác Hải Anh chia sẻ.
Tương tự, chị Trần Thị Ngọc ở phố Phan Văn Trường (Quan Hoa, Cầu Giấy) cho hay, ở chợ phần lớn là hàng không bao bì nhãn mác, nhất là đối với các mặt hàng như hạt dẻ, hạt dưa, các loại mứt. Toàn hàng được đóng bằng túi nilon trắng, không nguồn gốc xuất xứ, còn tiểu thương lúc nào cũng giới thiệu hàng Việt Nam, có khi hết hạn sử dụng cũng không biết.
“Tâm lý không phân biệt được chất lượng của những loại hàng hóa nhập nhèm xuất xứ, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của gia đình khi sử dụng hàng chợ, trong khi hàng hóa bày bán tại siêu thị khá phong phú, chất lượng đảm bảo với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên hàng chợ dù có rẻ nhiều người giờ vẫn không thích mua”, chị Ngọc nói.
Đã ế còn tăng giá Từ giữa tháng 1/2013 (tức đầu tháng Chạp) giá bia bắt đầu tăng đột ngột. Một số loại bia của Công Ty TNHH MTV Sabeco (Satraco) công bố tăng 5%. Sau đó, giá bia trên thị trường nhất loạt đều tăng. Nhìn chung giá các loại bia đều tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/thùng/két. Hiện, các loại bia Tiger đã tăng khoảng 7%, bia Heineken cũng được các đại lý đẩy giá dần lên. Cùng với các loại bia dịp này còn có các loại nước ngọt, rượu tăng giá. Điển hình như Coca Cola được đơn vị phân phối báo giá tăng 7.000 đồng/thùng. Tại chợ Đồng Xuân, các tiểu thương chuyên bán buôn bán sỉ ở đây cho biết, nhìn chung giá cả hàng hóa đều tăng trung bình từ 10 – 20%, thậm chí các mặt hàng thực phẩm khô như : măng khô, mộc nhĩ, nấm hương… khi bước vào mùa vụ Tết giá còn tăng khoảng 30% so với ngày thường. Các loại mứt tăng khoảng 10%. |