Ngay cả khi cần lên tiếng để chứng minh sự “trong sạch” của mình trước cuộc khủng hoảng sữa độc thì cũng chỉ là những thông tin rất sơ sài. Có điều gì ẩn khuất khiến các hãng sữa vẫn ngại công khai nguồn gốc một cách chính xác, cụ thể dù đó là bảo vệ chính mình?.
Trong cuộc khủng hoảng sữa độc, Việt Nam là một quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, các hãng sữa bị nhiễm độc chỉ liên tiếng và buộc phải thu hồi khi có những thông tin công khai từ nước ngoài, chỉ rõ tên DN, loại sản phẩm và phạm vi quốc gia có sữa độc.
Trong khi dư luận thế giới tiếp tục đặt nghi vấn việc hiễm độc đã diễn ra từ trước nhưng được bưng bít thì thông tin về xử lý sữa độc ở Việt Nam lại chỉ tập trung vào tiến độ thu hồi mấy chục ngàn thùng sữa độc theo công bố của các hãng sữa mà chưa thấy một cuộc điều tra rộng rãi để cung cấp một cách độc lập, đáng tin cậy về thực chất sữa độc ở Việt Nam. Và những câu hỏi đầy lo ngại của người dân: Ngoài những loại sữa của một số hãng đã công bố liệu có còn loại nào, hãng sữa nào dính độc?; Đâu là những loại sữa đảm bảo an toàn?; Đã có những ai dính uống phải sữa độc và hậu quả thế nào?…
Dường như thông tin về sự cố nghiêm trọng này đang dần được gói gọn và lệch hướng so với sự quan tâm của dư luận và yêu cầu của người tiêu dùng.
Trong khi đó, hàng loạt hãng sữa trong và ngoài nước được cho là không nhiễm độc đã lên tiếng để chứng minh mình trong sạch nhằm bảo vệ sản phẩm và đẩy mạnh bán hàng khi hai ông lớn trên thị trường lâm nạn.
Tuy nhiên, thông tin của các hãng này đưa ra cũng không đủ làm người tiêu dùng an tâm. Đó chỉ là những thông tin chung chung và lời cam kết sáo rỗng như mọi lời quảng cáo đã phát đi. Thông báo ngắn gọn được hầu hết được các hãng phát đi đều khẳng định mình tốt và không liên quan đến sữa độc.
Các hãng sữa ngoại thì đảm bảo mình được sản xuất từ nguồn sữa an toàn, khác xa nguồn sữa độc trên một công nghệ hiện đai; các hãng sữa nội cũng khẳng định nguồn sữa nhập khẩu không liên quan đến nguồn nhiễm độc, nguyên liệu nhập từ Âu – Mỹ, không liên quan đến New Zealand. Tất cả đều cam kết với tất cả uy tín và trách nhiệm của mình với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, những thông tin và cam kết này có lẽ là chưa đủ và chưa ổn. Tất cả đều tự tin khẳng định mình có nguồn sữa an toàn nhưng không một ai dám công khai nguồn sữa của mình. Cụ thể, nguồn sản xuất của các hãng sữa ngoại và nguồn nhập khẩu của các hãng sữa nội từ trang trại nào, nhà máy chế biến nào, từ nước nào, ai kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng…
Các hãng sữa cũng dương uy tín và trách nhiệm của mình rất ‘hoành tráng’ nhưng điều đó có đủ để người tiêu dùng đặt niềm tin khi chính không ít các hãng sữa đã rất nhiều lần dính “phốt” chất lượng. Với các hãng sữa ngoại nhập khẩu thì không chỉ ở Việt Nam và trên thế giới đã rất nhiều lần dính scandal mất an toàn; còn không ít hãng sữa nội thậm chí cả những tên tuổi lớn cũng đã nhiều lần dính “phốt” như: nguyên liệu sữa nhập khẩu nhiễm melamin, hay cố tình ghi sai nhãn hiệu giữa sữa nước hoàn nguyên với sữa tươi để lừa đảo người tiêu dùng. Vì thế, những lời cảm kết đưa ra này quá nhàm và vô cảm.
Cách đây không lâu, để tăng cường quản lý chất lượng, tính cam kết và chịu trách nhiệm đối với khách hàng thông qua việc minh bạch thông tin, đã có đề xuất bắt buộc các hãng sữa ghi rõ nguồn gốc sữa một cách chính xác và cụ thể nhất lên sản phẩm của mình. Điều đó thực sự không hề khó và là việc cần làm của một nhà sản xuất có trách nhiệm, tự tin và tự hào về nguồn gốc sản phẩm của mình.
Nhưng đề xuất có lợi cho quản lý và người tiêu dùng đó không được DN người hưởng ứng và đến nay đang chìm dần. Có điều gì khiến các hãng sữa luôn mạnh miệng cam kết chất lượng nhưng lại thiếu tự tin và lảng tránh việc công khai thông tin một cách cụ thể và chính xác đến người tiêu dùng. Trong đó, nguồn gốc sữa chỉ là một yêu cầu rất nhỏ.
Từ câu chuyện của sữa, cho đến các sản phẩm thực phẩm thiết yếu với người dân hiện nay đều rất thiếu các thông tin về nguồn gốc, các thông tin tiêu chuẩn, chất lượng, quay trình chế biến và bảo quản. Thậm chí, rất nhiều sản phẩm tự xưng và an toàn, sạch hay hữu cơ… được cam kết bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhưng lại rất thiếu những nhưng thông tin cụ thể, thiết thực về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Dường như, hầu hết đều vin vào mác an toàn và nói về sự minh bạch như một cách để đánh bóng mình hơn là vì trách nhiệm với người tiêu dùng.
Bởi vì ai cũng khẳng định mình minh bạch nhưng hầu như ai cũng ngại công khai thông tin.