Diễn đàn kinh tế Việt Nam – VEF

Đế chế gia đình của lão doanh nhân Việt

Cụ ông cụ bà 80 bươn chải thương trường

Sinh năm 1936, doanh nhân Trần Thị Hường (Tư Hường) là một hiện tượng hiếm có về khả năng làm việc phi thường. Với tuổi đời ngót nghét 80, bà Tư Hường là một doanh nhân thế hệ đầu hiện vẫn đang trực tiếp điều hành doanh nghiệp có quy mô hàng nghìn tỷ đồng.

Vài thập kỷ trước, tiếng tăm của bà Tư Hường nổi như cồn với rất nhiều thương vụ như xây dựng Nhà máy bia Vinagel rồi bán lại cho San Miguel; xây dựng nhà máy Sài Gòn Cola rồi nhượng lại cho Coca Cola; đầu tư nhà máy nước giải khát rồi bán lại cho Lipovital thu về tổng cộng hàng chục triệu USD.

Thành công là vậy, tuổi đời cũng đã cao, nhiều người đã từng nghĩ rằng bà Tư Hường đã “nghỉ hưu” để nghỉ dưỡng tuổi già. Tuy nhiên, niềm đam mê kinh doanh của bà Tư Hường dường như vẫn chưa bớt giảm. Cách đây vài năm, nữ đại gia gần 80 tuổi này còn khiến cái tên Hoàn Cầu nổi đình đám hơn nữa với việc lần đầu tiên đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ về Việt Nam và mời được Lady Gaga đến biểu diễn. Cùng với sự kiện Hoa hậu là sự ra đời của khu resort Diamond Bay nổi tiếng ở Nha Trang.

Hiện lão bà doanh nhân Tư Hường còn sở hữu một lượng lớn cổ phần tại Ngân hàng Nam Á và đang cố vấn cho HĐQT ngân hàng này. Có lẽ niềm đam mê kinh doanh là yếu tố khiến bà Tư Hường ở tuổi gần đất xa trời vẫn còn sức làm việc mà ít người theo kịp.

Lão doanh nhân Đỗ Thế Sử không có nhiều kỳ tích kinh doanh như bà Tư Hường nhưng ông cụ 90 tuổi này vẫn khiến giới đầu tư ngả mũ kính phục vì ở độ tuổi này ông vẫn trực tiếp điều hành một doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm may mặc trên 300 lao động.

Cụ ông làm chủ tịch HĐQT, trong khi cụ bà Nguyễn Kim Phương, 75 tuổi làm giám đốc. Cụ là sáng lập viên Công ty tiền thân của Tập đoàn DOJI hiện do con trai thứ 3 của cụ, ông Đỗ Minh Phú hiện đang làm chủ tịch HĐQT. Bên cạnh đó, cụ còn 10 người con khác đều thành đạt. Nhiều trong số đó là các doanh nhân nổi tiếng.

Cũng ở cái tuổi “ở bên kia dốc”, lão bà Lương Thị Điểm – người đã tạo dựng nên thương hiệu vàng Bảo Tín vẫn gắn bó với từng bước phát triển của DN. Cho dù các con của bà giờ đều thành đạt với một loạt hàng vàng nổi tiếng như Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Hồng Quân, Bảo Tín Mạnh Hải, Bảo Tín Thanh Vân, Bảo Tín Hoàng Long nhưng bà vẫn chưa nghỉ ngơi, xa rời doanh nghiệp Bảo Tín do vợ chồng bà kỳ công xây dựng từ hàng chục năm trước đây.

Sống nhờ niềm đam mê kinh doanh

Cũng như các cụ ông, cụ bà Tư Hường, Đỗ Thế Sử, Lương Thị Điểm, nhiều doanh doanh nhân có tuổi đời “xưa nay hiếm” vẫn đang bền bỉ với một công việc rất vất vả – kinh doanh. Và có lẽ, niềm đam mê kinh doanh là bệ đỡ giúp họ có thể hãm phanh tuổi già, gánh vác được những công việc tưởng chừng chỉ có thể làm thời trẻ khỏe, sung sức.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS) cũng là một người như vậy. Ông Tam, sinh năm 1937 tại Thanh Hóa (76 tuổi), hiện vẫn đang trực tiếp điều hành LSS này (từ năm 2000) và là doanh nhân nhiều tuổi nhất giữ vị trí đứng đầu một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ông Tam đã gắn bó với cây mía vài chục năm nay và dần dần đến với LSS như DN của mình. Tính tới cuối quý II/2013, ông Tam và gia đình nắm giữ tổng cộng hơn 7,5% cổ phần của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, các tổ chức liên quan tới ông Tam cũng đang nắm giữ gần 30% cổ phần.

Hiện tại, người con trai thứ 2 của ông Tam là ông Lê Thanh Tùng đang là Phó chủ tịch HĐQT Mía đường Lam Sơn. Một người con khác của ông là Lê Trung Thành cũng đang nắm giữ một tỷ lệ cổ phiếu khá lớn tại LSS.

Một doanh nhân thuộc nhóm “thất thập cổ lai hy” khác trên sàn chứng khoán là ông Vũ Dương Hiền. Ông Hiền sinh năm 1942 (71 tuổi) hiện là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập Đoàn Hapaco (HAP) và là chủ tịch HĐQT CTCK Hải Phòng. Tính tới cuối quý II/2013, ông Hiền nắm giữ gần 7% cổ phần.

Không thuộc lớp đi đầu nhưng khá nhiều doanh nhân khác như bà Nguyễn Thị Mai Thanh, ông Trương Gia Bình, bà Phạm Thị Việt Nga, bà Vũ Thị Thuận… của các doanh nghiệp REE, FPT, DHG, TRA … vẫn được coi là thế thệ doanh nhân F1. Tài năng, sự bền bỉ và có lẽ cả niềm đam mê của đội ngũ này vẫn đang giúp cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Cho dù không phải là cổ đông lớn nhưng bà Phạm Thị Việt Nga (62 tuổi) – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) cũng như bà bà Mai Kiều Liên (60 tuổi) – chủ tịch Vinamilk được xem như linh hồn của các DN này.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC), thành viên HĐQT Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance), chủ tịch Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị T.P Hồ Chí Minh cũng là một doanh nhân nhiều tuổi (62) vẫn đang “chiến đấu” không mệt mỏi trên thương trường.

Hiện nay, bà Thanh và gia đình là người chủ thực sự của DN. Tính tới cuối tháng 6/2013, gia đình bà Thanh đang nắm giữ khoảng 12% cổ phần doanh nghiệp này. Bà Thanh nắm giữ những chức vụ cao nhất, trong khi con trai cũng là thành viên HDDQT.

Exit mobile version