Diễn đàn kinh tế Việt Nam – VEF

Donald Trump ‘khơi chiến’: Trung Quốc nhẹ nhàng, Putin im lặng

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chính thức khởi động cuộc chiến thương mại nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ. Đây là một cuộc chiến được đánh giá sẽ gây ra thiệt hại lớn không chỉ đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc phản ứng khá nhẹ nhàng, trong khi đó Tổng thống Nga Putin im lặng.

Donald Trump ra đòn hiểm, Putin vẫn bình thản
Nước Mỹ là trên hết: Những kỷ lục 100 ngày ‘trăng mật’ Donald Trump
Donald Trump bị cản bước: Tin xấu, dân đầu cơ lo lắng

Quyết định chưa từng có

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh ủy quyền tiến hành điều tra cáo buộc về những vi phạm bản quyền trí tuệ Mỹ của Trung Quốc. Đây là bước đi đầu tiên mà ông chủ Nhà Trắng tiến hành nhằm thực hiện việc điều tra các hoạt động thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với mục đích bảo vệ việc làm cho người Mỹ như đã cam kết.

Ông Trump từng khẳng định, sẽ chống lại bất cứ quốc gia nào ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao các tài sản công nghệ giá trị để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường, gây tổn hại cho kinh tế Mỹ. Cuộc điều tra là biện pháp trực tiếp đầu tiên mà Mỹ nhắm vào Trung Quốc của ông Tập Cận Bình,

Cuộc chiến thương mại có thể sắp nổi ra.

Trên tờ Sputnik, theo một khảo sát, trong vòng 3 năm vừa qua, hơn 20% trong số 100 công ty Mỹ được yêu cầu chuyển giao công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường thương mại ở Trung Quốc.

Ước tính, tổn thất hàng năm của nền kinh tế Mỹ từ việc hàng giả, phần mềm bị vi phạm bản quyền và trộm cắp bí mật thương mại lên tới hàng trăm tỷ USD. Đây cũng là vấn đề mà nhiều nền kinh tế như EU, Nhật, Canada lo lắng.

Quyết định điều tra Trung Quốc về thương mại đã được dự đoán từ trước. Từ khi còn tranh cử, ông Trump đã không ít lần nói về việc Mỹ phải chống lại thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc, mà một phần lớn được coi là bắt nguồn từ việc các DN Trung Quốc sao chép các sản phẩm và ý tưởng của Mỹ và bán lại cho người Mỹ với mức giá thấp hơn.

Nó cũng nằm trong chiến lược thương mại theo chủ nghĩa bảo hộ nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ của ông Trump. Vị tổng thống này đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 1 và tuyên bố sẽ “xử lý các quốc gia vi phạm các thỏa thuận thương mại, gây thiệt hại cho người lao động Mỹ”.

Cũng theo ông Trump, trong một thời gian quá dài, người Mỹ đã buộc phải chấp nhận những thỏa thuận thương mại đặt lợi ích của nước ngoài lên trên những người lao động nhọc nhằn của đất nước này.

Và kết quả, theo ông chủ Nhà Trắng là, những thị trấn và thành phố của tầng lớp lao động ở Mỹ đã phải chứng kiến các nhà máy của họ bị đóng cửa và những công việc thu nhập tốt bị chuyển ra nước ngoài…

Trump cứng rắn, Trung Quốc nhẹ nhàng, Putin im lặng

Trước khi bị sa thải, ông Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược của Tổng thống Mỹ và là người đứng sau chiến dịch “nước Mỹ là trên hết” của ông Trump khẳng định Mỹ đang trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ông Bannon cho rằng, Mỹ đang thất thế nhưng sẽ đáp trả mạnh mẽ bởi nếu tiếp tục để thua, trong vòng tối đa 1 thập kỷ nữa, Mỹ sẽ rơi vào tình trạng khó phục hồi.

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng.

Việc Mỹ gây sức ép lên hoạt động thương mại Trung Quốc diễn ra ra trong bối cảnh Tổng thống Trump gần đây liên tục hối thúc Bắc Kinh hành động mạnh tay hơn nữa trong việc ngăn chặn chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Hiện tại, người đứng đầu “cuộc chiến thương mại” với Trung Quốc không ai khác chính là diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ông Robert Lighthizer có toàn quyền cân nhắc các lựa chọn với các biện pháp trả đũa ngoài phạm vi WTO nếu cần.

Những quyết định rút khỏi TPP hay điều tra thương mại với Trung Quốc của Washington được xem là một cách tiếp cận mới với thương mại toàn cầu của Mỹ. Trên thực tế, từ lâu Mỹ đã có nhiều cáo buộc Trung Quốc về hoạt động xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ăn cắp bí mật thương mại. Tuy nhiên, Mỹ dường như không có biện pháp hữu hiệu để xử lý. Và giờ đây ông Trump đang lựa chọn không sử dụng các quy tắc của WTO mà là quy định của Mỹ, ban hành từ thời Chiến tranh Lạnh, và rất ít khi được sử dụng.

Cuộc chiến đã bắt đầu. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như không mấy lo sợ. Bộ Thương mại Trung Quốc khá nhẹ nhàng cho biết, nếu Mỹ có những hành động làm suy yếu quan hệ thương mại lẫn nhau, không quan tâm đến sự thật và không tôn trọng các quy tắc đa phương thì Trung Quốc chắc chắn sẽ không chỉ khoanh tay đứng nhìn.

Truyền thông Trung Quốc cũng chỉ nhấn mạnh động thái của của Mỹ “đã lỗi thời” và sẽ làm tổn thương cả hai nước.

Tờ China Daily kêu gọi chính quyền Donald Trump nên theo đuổi một con đường khác thay vì dùng thương mại làm sức ép đối với Trung Quốc trong vấn đề CHDCND Triều Tiên vì điều này sẽ chỉ gây thiệt hại cho cả hai.

Lãnh đạo Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không bao giờ muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Theo đó, mọi biện pháp bảo vệ thương mại của bất kỳ quốc gia thành viên nào thuộc WTO đều phải tuân theo quy định của WTO.

Với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin, việc Mỹ rút khỏi TPP hay mở cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể là một tin tốt lành. Ông Putin không muốn sự tồn tại của một hiệp định thương mại như TPP, trong khi lại rất muốn đẩy mạnh nhóm khu vực như Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) và liên kết với Trung Quốc, ASEAN và các nước Trung Á khác.

Hành động của ông Trump được xem là sẽ mang lại “cơ hội việc làm cho người Mỹ” nhưng lại có thể đem tới nhiều cơ hội thúc đẩy tiến trình thương mại cho các quốc gia đối thủ. Cuộc chiến Mỹ-Trung có thể ảnh hưởng mạnh không chỉ tới quan hệ thương mại 2 nền kinh tế số 1-2 thế giới mà nhiều nước khác do hầu hết sản phẩm đều có đầu vào từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Cuộc điều tra cũng sẽ kéo dài và sau đó sẽ dẫn tới khiếu nại và có thể dẫn tới những cú trả đũa của Trung Quốc nếu các quy tắc mà Mỹ áp dụng theo luật pháp Mỹ không phù hợp với các quy tắc của WTO.

Trong khi đó, Trung Quốc đang từng bước giành vị trí vô địch thương mại của Mỹ, với các khối thương mại như: Hợp tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và ASEAN và dự án “Con đường tơ lụa hiện đại” nối Trung Quốc bằng đường bộ và đường biển với ĐNÁ, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi với sự hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB).

V. Hà

Exit mobile version