Diễn đàn kinh tế Việt Nam – VEF

Tính xác thực, công khai và lợi thế cạnh tranh

Từ một công ty

Dave Balter là một trong những doanh nhân trẻ tuổi mà tôi yêu thích nhất. Dave Balter là người sáng lập đồng thời cũng là Tổng Giám đốc Điều hành của công ty BzzAgent ở Boston.

Với phương thức makertting “truyền khẩu”
BzzAgent đã có những thành công lớn.
Ảnh: culture-buzz.fr

Công ty đang phát triển này hiện là một trong “những người đi tiên phong” trong lĩnh vực marketing truyền miệng.

Họ chọn những người tình nguyện dùng thử sản phẩm của mình, sau đó những người tình nguyện này sẽ chia sẻ ý kiến của họ với bạn bè và hàng xóm và cuối cùng truyền đạt lại cho công ty về những cuộc nói chuyện đó.

BzzAgent đã trở thành một hiện tượng ở Mỹ. BzzAgent xuất hiện trên khắp các mặt báo và cổ phiếu của công ty được đánh giá vào hàng blue-chip [1].

Thâm nhập thị trường…

Sau đó, Dave đã quyết định đưa BzzAgent thâm nhập thị trường Anh. Nhưng bước thực hiện đầu tiên lại là một sai lầm. Dave đã thuê những người quản lý là người Anh để điều hành các hoạt động.

Thế nhưng ngay từ khi bắt đầu, trong công ty đã xuất hiện những xung đột văn hóa. Sau 60 ngày hoạt động, công ty BzzAgent và những người quản lý nói trên, mỗi người một ngả.

Tại sao tôi biết được câu chuyện trên, bởi vì BzzAgent đã thuật lại diễn biến của vụ việc đó trên blog của công ty có tên là “BeeLog”.

Nên cân nhắc kỹ từng tình huống để tìm ra những lợi thế cho mình
Ảnh: freewebs.com

Dave đã viết một bài rất dài kể lại quyết định thuê những người quản lý này của mình như thế nào và tại sao sự hợp tác đó lại không thể thành công.

Xin nói một chút về sự thay đổi của cuộc chơi: Việc đọc những bài phân tích của các chuyên gia về việc Internet đã làm lộ những bí mật trong kinh doanh là một chuyện, nhưng gặp phải việc một công ty tiết lộ chuyện “bếp núc” của mình cho bàn dân thiên hạ trên mạng như của công ty BzzAgent lại là một chuyện hoàn toàn khác

Dave đã tiết lộ những chi tiết hết sức thú vị. Cũng giống như bao công ty khác, công ty BzzAgent có một ban tư vấn chuyên trách. Mỗi quí, ban tư vấn của công ty này lại chuẩn bị một bản báo cáo bí mật cho Hội đồng quản trị.

… và những điều còn bỏ ngỏ

Dave luôn tự hỏi liệu những cố vấn đó có quan tâm đến những thông tin trên bản báo cáo hay không. Vì vậy, Dave đã chèn thêm một trang thuyết trình (slide) giả vào phần giữa của bản báo cáo.

Slide này cho biết mỗi thành viên trong ban cố vấn sắp bị kiện ra tòa với khoản tiền lên tới hàng triệu đô la. Sau đó, chỉ có 3 trong tổng số 15 cố vấn trả lời. Rõ ràng điều này cho thấy họ đã không đọc bản báo cáo.

Dave Balter đưa những thông tin về việc thử nghiệm này lên BeeLog và kêu gọi mọi người đưa ra lời khuyên về những việc mà Dave nên làm với những vị cố vấn chẳng mấy gắn bó với công ty này.

Bạn đã sẵn sàng chia sẻ những thách thức và
 khó khăn của mình với mọi người chưa?
Ảnh: beingabetterleader.com

Tại sao Dave Balter lại đưa ra những thông tin của công ty một cách cởi mở như vậy? Đó là vì tính xác thực. Một cách thể hiện cam kết của bạn về việc công khai thông tin đó là vén lên những bức màn bí mật xung quanh những hoạt động của công ty. Dave nói: “Tính công khai đã nằm trong máu của chúng tôi”

Chia sẻ

Thêm nữa, đây cũng là cách để Dave nhanh chóng tìm được những nhân viên giỏi. Gần đây tôi có nói chuyện với Dave qua điện thoại. Dave nói rằng anh đang ăn trưa ở London với người quản lý mới của văn phòng công ty ở Anh.

Người quản lý này đã đọc bài viết của Dave nói về sai lầm khi thuê người quản lý trước đây và anh ta hiểu rõ vì sao mình lại là người phù hợp hơn với vị trí này.

Dave nói: “Có vẻ như thật đáng sợ khi bạn chia sẻ mọi vấn đề với thế giới bên ngoài, nhưng có khi đó cũng là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề”

Vậy bạn sẽ minh bạch đến mức nào? Bạn đã sẵn sàng chia sẻ những thách thức và khó khăn của mình với thế giới bên ngoài chưa?

Tóm tắt ý tưởng chính từ bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review của Bill Taylor –

Bill Taylor (William C. Taylor) là người đồng sáng lập và là Biên tập viên của tạp chí Fast Company. Trước đó, ông nguyên là Biên tập viên của Harvard Business Review. Ông là Giáo sư trợ giảng tại Babson College. Taylor tốt nghiệp lớp MBA của khoa quản lý trường MIT Sloan và lớp BA của trường Đại học Princeton.

Bài viết cùng tác giả

>> Sức mạnh của ý tưởng

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.


[1] Blue chip là dạng cổ phiếu phổ thông, lưu hành rất phổ biến trên thị trường chứng khoán. Blue chip là loại cổ phiếu “chất lượng cao” hay còn gọi là cổ phiếu “thượng hạng”, do các công ty lớn có tiếng phát hành. Chúng mang lại cổ tức đều đặn cho người nắm giữ kể cả khi công ty làm ăn thua lỗ. Blue chip rất được ưa chuộng cho dù giá cao, vì chúng mang lại sự an toàn và ổn định tương đối cho các nhà đầu tư.

Exit mobile version