Trang chủ » Doanh nhân » Ông chủ vĩ đại của Kodak

Ông chủ vĩ đại của Kodak

Tác giả:

George Eastman, ông chủ đầu tiên của Kodak.

George Eastman sinh năm 1854 tại làng Watterville thuộc một vùng ngoại ô New York. George lớn lên trong một gia đình có học và tương đối khá giả. Bố của George Eastman kinh doanh trường tư thục. Năm 1868, khi mới 14 tuổi, George Eastman bỏ học đi làm công việc đưa công văn của một công ty bảo hiểm. Tối tối, George Eastman học thêm và khi đã có bằng kế toán, ông đã xin được việc làm tại một ngân hàng thương mại với mức lương là gần 80 USD một tháng.

George Eastman khi đó là một chàng trai trẻ tình cờ được tiếp cận với những bức ảnh chụp và bị cuốn hút ngay. Đó là năm 1878, khi mà máy ảnh và công nghệ ảnh mới được phát minh, còn rất thô sơ và chưa phổ biến.

Vào lúc đó phương pháp tráng ảnh vẫn dùng tấm kính ảnh ướt đã được ra đời và áp dụng từ hơn hai chục năm trước đó. George Eastman không hài lòng với chất lượng ảnh hiện tại. Chính vì vậy, ông rất quan tâm tới phương pháp dùng tấm kính ảnh khô với hy vọng sẽ cải thiện được những tấm ảnh chụp sao cho rõ hơn, đẹp hơn.

Và George Eastman đã trở thành người đầu tiên hoàn thiện phương pháp dùng tấm kính ảnh khô đã được Madox phát minh trước đó. Thế là chỉ vì đam mê nhiếp ảnh mà George Eastman đã trở thành một trong những nhà phát minh quan trọng của lĩnh vực rất mới mẻ này.

Ngoài việc tìm ra công thức của dung môi để quét lên tấm kính ảnh thì George Eastman còn đã nghĩ ngay đến việc thiết kế một cái máy tráng hóa chất để thay thế cách làm thủ công bằng tay. Nhờ vậy mà ông có thể thực hiện các thao tác tráng phim rửa ảnh nhanh hơn nhiều.

Kể từ đó George Eastman lần đầu tiên đã nghĩ tới chuyện kinh doanh kiếm tiền trên cơ sở những phát minh của mình. Đương nhiên mặt hàng hóa chất đặc biệt dùng để quét lên tấm kính ảnh chính là sản phẩm độc chiêu lúc đó của nhà doanh nhân mới khởi nghiệp George Eastman.

Ngày từ khi bắt đầu con đường kinh doanh, George Eastman đã không quên một công việc quan trọng là đăng ký sở hữu bản quyền những phát minh và sáng chế quan trọng của mình liên quan đến công nghệ nhiếp ảnh, rửa ảnh. Riêng phát minh về chiếc máy tráng hóa chất thì George Eastman đã phải cất công đi tầu thủy sang tận London, cái nôi của công nghiệp điện ảnh thế giới lúc bấy giờ, để được cấp bằng sáng chế.

Với những ý tưởng đầy tham vọng. George Eastman mong muốn mở một xí nghiệp sản xuất hóa chất, phim ảnh và cả xưởng rửa ảnh thuê thật quy mô bài bản. Thế nhưng ông đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về vốn. George Eastman gom góp tất cả mọi tài sản và tiết kiệm của mình cũng chỉ có được chưa tới 3.000 USD, quá ít để thực hiện ý tưởng kinh doanh mới mẻ. Đi khắp nơi tìm nhà tài trợ hay vay vốn nhưng chẳng mấy ai tin vào dự án đầy rủi ro như vậy.

Tưởng rằng phải bỏ cuộc nhưng George Eastman vẫn quyết tâm khởi nghiệp bằng những gì mình đang có và chờ đợi thời cơ. Không có tiền thuê nhà xưởng khang trang, ông quyết định mượn tạm cái gác xép của một nhà kho để tiếp tục ý tưởng kinh doanh của mình. Ban ngày vẫn đi làm thuê kiếm sống, ban đêm ông lại quay về xưởng hóa chất ảnh của mình. George Eastman chỉ thuê thêm một người phụ việc duy nhất còn ông làm tất cả mọi việc từ pha chế, đóng chai cho đến bán hàng.

Sự quyết tâm của George Eastman đã được đền đáp đúng lúc Công ty nhiếp ảnh nổi tiếng của Anh – Mansson & Swann đã quyết định mua lại bản quyền sản xuất chiếc máy tráng hóa chất ảnh. Năm 1881, một bước ngoặt lớn đã đến với George Eastman, nhà kinh doanh Henrry Strong đã quyết định góp vốn kinh doanh với George Eastman. Công ty trách nhiệm hữu hạn Eastman Dry Platte đã ra đời. Eastman và Strong nhanh chóng trở thành một cặp bài trùng rất ăn ý trong kinh doanh.

George Eastman còn có vô số phát minh quan trọng cho công nghệ ảnh và nhiếp ảnh. Trong con người George Eastman có sự hòa quyện, giữa những yêu cầu về công nghệ ảnh và đòi hỏi của thị trường. George Eastman không ngừng cải tiến và hoàn thiện các sản phẩm của mình. Ông luôn đòi hỏi ảnh phải đẹp hơn nữa, chất lượng cao hơn, mong muốn công nghệ ảnh có tính đại chúng và phổ biến hơn nữa để nâng cao khả năng tiêu thụ các sản phẩm về ảnh.

Xuất phát từ những ý nghĩ đó, George Eastman không ngừng tìm tòi và có những phát minh mới. Những tấm kính ảnh nặng nề và dễ vỡ đã được thay thế bằng một loại giấy có tráng màng phim hóa chất. Chính nhờ loại phim này mà việc chụp và rửa ảnh không chỉ dành riêng cho giới chuyên nghiệp và những người đam mê, cả những người bình thường nhất đều có thể làm được dễ dàng. Cái tên phim chụp ảnh được gọi bắt đầu từ đấy và George Eastman tiếp tục hoàn thiện thành cuộn tròn để dễ cất giữ và sử dụng.

George Eastman đã tự mày mò tạo ra dung môi và hóa chất phù hợp để rửa ảnh, phóng to ảnh. George Eastman quyết tâm thiết kế và sản xuất cho kỳ được những chiếc máy ảnh. Ông đã đoán đúng tâm lý người tiêu dùng và miệt mài hoàn thiện không ngừng để chiếc máy ảnh dễ sử dụng và ngày càng nhỏ gọn hơn.

Quyết tâm xây dựng một thương hiệu cho mình, George Eastman bắt đầu từ việc đặt tên. Cái tên Kodak ngày nay có giá trị nhiều tỷ USD đã được ông chủ George Eastman khai sinh và nuôi dưỡng một cách hết sức bài bản, công phu. Ông muốn mình có một cái tên Codac ngắn gọn, dễ nhớ, dễ phát âm mà vẫn ấn tượng với mọi đối tượng khách hàng, thậm chí mọi tiếng nói.

Lúc đầu cái tên thương hiệu này được đặt cho một máy ảnh của George Eastman sản xuất năm 1888. Để tạo khác biệt và mạnh mẽ, ông đã chọn phụ âm K thay cho phụ âm C như ý tưởng ban đầu. Thương hiệu Kodak được khai sinh chính thức như vậy.

George Eastman không chỉ là một nhà phát minh tài ba mà là một doanh nhân xuất sắc. Ông đặc biệt coi trọng quảng cáo và marketing. George Eastman là cha đẻ của nhiều slogan nổi tiếng quảng cáo cho Kodak. Ngay từ đầu, Eastman đã khẳng định khách hàng của Kodak không chỉ là giới chụp ảnh và chơi ảnh chuyên nghiệp mà là tất cả. Sự tiện ích và sử dụng đơn giản nhất đã được Eastman thiết kế để ai cũng có thể chụp ảnh và chơi ảnh.

Dịch vụ hoàn hảo của Kodak thể hiện qua lời giới thiệu hấp dẫn: Bạn chỉ cần bấm nút còn chúng tôi làm hết phần còn lại. George Eastman đặc biệt chú ý đến các biện pháp bán hàng khuyến mãi. Ngay từ thế kỷ 19, khách hàng mua sản phẩm của Kodak đã được tặng những quyển sổ tay hay album để dán ảnh và ghi lưu niệm.

Ông chủ George Eastman luôn dành một ngân sách riêng đáng kể cho quảng cáo. Các sản phẩm của Kodak, đặc biệt là máy ảnh Kodak và phim Kodak lúc đầu chỉ có ở các trung tâm thương mại hay cửa hàng chuyên ảnh.

Nhưng sau đó George Eastman đã ký thêm hợp đồng đại lý với hầu hết các cửa hàng tạp hóa, văn phòng phẩm, quầy bán báo, thậm chí kể cả đại lý xổ số hay cửa hàng bán thuốc lá. George Eastman rất chú ý tới giới khách hàng trẻ.

Vì vậy hình ảnh quảng cáo thông qua một Cô gái Kodak xinh đẹp được coi là một trong những kỷ lục sống lâu của một hình ảnh quảng cáo thương hiệu sản phẩm. Trên thế giới vừa xuất hiện hình thức quảng cáo, công cụ hay môi trường quảng cáo mới là George Eastman sử dụng ngay. Kodak vẫn là một trong ít thương hiệu hàng hóa quốc tế vừa có đẳng cấp cao nhưng lại vừa tiêu thụ phổ biến với mọi đối tượng khách hàng trên toàn cầu.