Diễn đàn kinh tế Việt Nam – VEF

“Những quy định” chết yểu năm 2012

Bán thịt trong vòng 8 giờ

Tháng 7 năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra quy định sản phẩm thịt và phụ phẩm thịt bảo quản ở nhiệt độ bình thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Quy định có hiệu lực bắt đầu từ ngày 3/9/2012.

Tuy nhiên, ngay lập tức nó đã vấp phải những phản ứng dữ dội từ dư luận. Người tiêu dùng không tin, tiểu thương kêu khó làm còn các nhà chuyên môn cho rằng rất khó có thể quản lý được.

Đơn cử như người tiêu dùng hoài nghi, họ biết quy định bán thịt trong 8 giờ là tốt nhưng thấy khó tin bởi bằng mắt thường người mua không thể biết thịt nào được bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ, có chăng biết được cũng chỉ qua lời nói của tiểu thương. Và rồi nếu quy định được thực hiện thì giá thịt liệu có tăng phi mã.

Trong khi người tiêu dùng hoài nghi thì các tiểu thương buôn bán mặt hàng này cũng kêu trời khi quy định bán thịt 8 giờ được đưa ra. Phần lớn tiểu thương tại các chợ đều cho rằng quy định này quá bằng dẹp chợ luôn chứ không phải buôn bán gì nữa. Các tiểu thương lý giải, thời gian bán thịt chỉ được trong vòng 8 giờ đồng hồ, tức quá nửa buổi sáng trong khi thịt lợn được giết mổ tại các lò thường từ 3 – 4 giờ sáng mỗi ngày, vậy làm sao bán hết được. Còn nếu làm đúng theo quy định thì mỗi ngày phải đi lấy thịt hai lần, lò giết mổ cũng phải hoạt đồng hai lần/ngày.

Cái lý của Bộ NN – PTNN, trong điều kiện bình thường, sau 8 giờ giết mổ, chất lượng thịt sẽ suy giảm và rất dễ nhiễm vi khuẩn. Quy định bán thịt trong vòng 8 giờ sẽ giúp người dân có thịt an toàn để ăn nhưng cơ bản là làm sao có thể kiểm tra được thời gian bày bán, bởi chỉ có mỗi tiểu thương là người biết chính xác nhất về thời gian sau giết mổ. Còn người tiêu dùng rất khó có thể kiểm tra.

Trước phản ứng của dư luận về thông tư “khó tính giờ, mập mờ xửa phạt”, Bộ NNPTNT đã phải thay đổi quy định này. Đến đầu tháng 9, Bộ NN – PTNN lại ban hàng Quyết định dừng thi hành quy định này.

Đánh thuế trợ cấp thai sản

Tổng cục thuế có văn bản khẳng định khoản tiền lương hưởng chế độ thai sản do bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả thay lương phải tính vào thu nhập, chịu thuế thu nhập các nhân.

Việc phải chịu thuế vào khoản trợ cấp thai sản khiến cả người dân và doanh nghiệp đều bức xúc. Họ cho rằng trợ cấp thai sản mà bị đánh thuế thì nên gọi là lương chứ không gọi là trợ cấp nữa. Theo họ, phụ nữ sinh con là thực hiện một trách nhiệm cao cả với xã hội, tạo ra một thế hệ tương lai mới, họ phải được ủng hộ, hỗ trợ chứ không phải tính thuế thu nhập đối với cả khoản phụ cấp thai sản được hưởng…

Các luật sư cũng đưa ra đủ các viện dẫn về các điều khoản mà luật quy định về các khoản nằm trong danh mục thu nhập phải nộp thuế và không phải nộp thuế đẻ chứng minh khoản trợ cấp thai sản không nằm trong danh mục chịu thuế. Mặt khác, theo nhiều chuyên gia thì khoản trợ cấp thai sản không phải là tiền lương. Do đó, khoản trợ cấp thai sản không phải nộp thuế.

Để sửa sai, ngày 24/9 Tổng cục Thuế khẳng định tại văn bản hỏa tốc gửi Cục thuế các tỉnh, thành phố về việc tính thuế thu nhập cá nhân. Theo công văn, mức hưởng chế độ thai sản mà người lao động nhận từ quỹ BHXH sẽ được trừ đi khi tính thuế.

Phạt xe không chính chủ

Theo Nghị định 71, từ ngày 10/11, cảnh sát giao thông sẽ áp dụng mức xử phạt từ 6 – 10 triệu đồng với ô tô và một triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ. Quy định được đưa ra khiến không ít người lo lắng bởi họ đang sử dụng xe không chính chủ. Trong đó, rất nhiều trường hợp chia sẻ mình không thể tìm được chủ cũ vì xe được đổi qua nhiều người. Và nhiều người lo lắng nếu đi xe mượn thì liệu có bị phạt vì lỗi không chính chủ hay không.

Bên cạnh đó, các nhà chức trách cho rằng, quy định không khả thi, mức xử phạt quá cao làm cho người dân phản ứng nên xem xét lại và hoãn thi hành nghị định từ 6 tháng đến một năm, đồng thời giảm mức xử phạt xuống thấp hơn.

Trước phản ứng của người dân, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an soạn thảo hướng dẫn để đúng bản chất thực hiện và trong lúc chờ hướng dẫn, lực lượng chức năng tạm thời chưa phạt lỗi phương tiện chưa sang tên, đổi chủ. Các bộ ngành cũng nghiên cứu giảm mức phí sang tên đổi chủ xuống còn 1%.

Ngoài những quy định ra đời rồi chết yểu, còn hàng loạt các quy định khác cũng đang vấp phải phản ứng của dư luận như: Quy định cỗ cưới không được quá 50 mâm đối với công chức thủ đô; phạt tiền khi nghe điện thoại ở cây xăng rồi chứng minh thư nhân dân phải ghi rõ họ tên bố mẹ… Thậm chí đến chó mèo cũng có quy định phải đăng ký “chính chủ”.

Thực tế, lâu nay có không ít những ý tưởng mới, độc và lạ xuất hiện. Nhìn chung, những ý tưởng đó được đưa ra bởi muốn tốt cho sự phát triển trong đời sống kinh tế – xã hội. Nhưng vấn đề cần phải bàn ở đây là các ý tưởng thiếu tính khả thi, khó áp dụng, thực hiện bởi nó không sát với tình hình thực tế nên gặp rất nhiều sự tranh cãi từ dư luận xã hội.

Có những ý tưởng mới bao giờ cũng tốt hơn không có gì nhưng nếu biết sai, thiếu sót, bất hợp lý thì cần phải sửa chữa, hoặc dừng lại để tránh những phiến toái không đáng có khi thực hiện.


Exit mobile version