Diễn đàn kinh tế Việt Nam – VEF

Vay tiêu dùng: Tin lời mật ngọt, cả đời gánh nợ

Lo trả nợ cả đời không hết

Gần đây, hàng loạt công ty tài chính cho vay tiêu dùng cá nhân liên kết với đơn vị bán hàng để đáp ứng nhu cầu của khách. Những tờ rơi mời chào vay vốn hấp dẫn giăng khắp các con đường góc phố và nơi công cộng. Trước đây, chúng chỉ xuất hiện lác đác trong các máy ATM thì nay nhan nhản, dán chằng chịt nhiều bức tường chẳng thua kém quảng cáo dịch vụ khoan cắt bê tông.

Cách cho vay tại điểm bán hiện nay chủ yếu thực hiện bằng tín chấp, thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Chỉ cần chứng minh thư, hộ khẩu, bằng lái xe, người tiêu dùng có thể được xét cho vay trả góp nhanh chóng để mua những sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu như xe máy, điện thoại, laptop, hàng gia dụng…

Ông Nguyễn Đức Việt (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, thời gian qua ông liên tục nhận được điện thoại của các nhân viên ngân hàng mời vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi, chưa kể các công ty tài chính cũng đua nhau gọi chào khiến ông phát cáu.

Theo ông Việt, lãi suất từ các gói cho vay thường thấp, từ 0-10%, nhưng chỉ ưu đãi trong vài tháng đầu, hết hạn sẽ nâng lên rất cao. Tất nhiên, cũng có ngân hàng đưa ra gói vay lãi suất thấp, cố định, không thay đổi trong suốt thời gian vay. Mặc dù vậy, ông Việt vẫn chần chừ vì nếu không tìm hiểu kỹ sẽ dễ mắc bẫy của bên cho vay. “Theo họ quảng bá thì thủ tục rất đơn giản, giải ngân ngay nhưng tôi đang phân vân, không khéo lại thành con nợ cả đời không trả hết”, ông Việt cảnh giác.

Vay tiêu dùng, lợi trước mắt là khách hàng ít tiền vẫn có món hàng mong muốn để xài ngay nên ít người để ý đến lãi suất công ty tài chính đưa ra. Theo nhân viên một công ty tài chính ở TP.HCM, hiện mức lãi suất phẳng (trả theo dư nợ gốc) áp dụng với mua hàng trả góp là 3,02%/tháng (tương đương 36,24%/năm); lãi suất bậc thang (theo dư nợ giảm dần) lên đến 4,99%/tháng (gần 60%/năm). Nhưng đây là lãi suất áp dụng đối với khách quen. Với khách lần đầu đến vay, mức lãi suất có thể lên đến 5,36%/tháng (hơn 64%/năm).

Cơn ác mộng

Một số tổ chức tài chính đã liên kết cùng cửa hàng, đại lý áp dụng cho mua hàng trả góp lợi dụng ghi cả hai loại lãi suất trong cùng một hợp đồng. Nếu chỉ trả gốc và lãi hàng tháng sẽ không có vấn đề gì nhưng với khách hàng kết thúc sớm hợp đồng sẽ chịu thiệt hại không nhỏ.

Chị Nguyễn Hương Lan (nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội ) đang có nhu cầu mua máy tính trả góp tại một cửa hàng điện máy ở Thái Hà. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, chị mới tá hỏa vì mức lãi quá cao. Với giá máy 30,7 triệu đồng, thì chị phải trả trước số tiền 50%, tương ứng 15.350.000 đồng. Số tiền còn lại góp trong 6 tháng, mỗi tháng 3.322.000 đồng.

Theo nhân viên tư vấn, số tiền này gồm gốc, lãi, phí đóng ngân hàng, phí bảo hiểm. Tính ra chị phải trả lãi 4.582.000 đồng cho khoản vay 15.350.000 đồng, tương đương với lãi suất 3,5%/tháng, tức 42%/năm. Nếu thời gian vay dài hơn thì lãi suất cao hơn nữa, và lãi cũng sẽ tăng cao với số tiền vay càng lớn.

Không ít người do chưa tìm hiểu kỹ đã vội vay, cuối cùng đã trở thành nỗi ác mộng. Đơn cử như trường hợp ông Phan Quang Long (Củ Chi, TP.HCM) mua xe máy Honda Air Blade F1 trả góp đến 7 tháng mà nợ vẫn… còn nguyên. Anh Long cho hay, giá xe mua trả góp 38 triệu đồng, khi lấy xe, anh trả trước 19 triệu, nợ 19 triệu còn lại trả góp mỗi tháng 1.492.000 đồng.

Điều khốn khổ là khi vay gói này khách hàng không được thanh lý hợp đồng trước thời hạn, nếu kết thúc sớm sẽ bị phạt, kết thúc càng sớm thì số tiền bị phạt càng cao. Sau khi góp được 7 tháng (hơn 10 triệu đồng), anh Long muốn trả hết nợ để lấy giấy tờ xe thì được thông báo phải đóng thêm gần 19,3 triệu đồng để chấm dứt hợp đồng trước hạn.

Tương tự, anh Nguyên Hoàng Minh, làm việc tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai, cũng đang đau đầu với khoản tiền vay mua ô tô từ tháng 6/2010. Anh kể, mấy tháng đầu phải đóng tiền gốc và lãi hơn 9 triệu đồng/tháng. Sau đó, do nợ gốc giảm nên anh chỉ phải đóng hơn 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng mới đây không hiểu sao anh lại phải đóng hơn 8 triệu đồng/tháng dù anh đã trả được 1/3 số tiền vay.

“Hỏi nhân viên tín dụng, tôi mới té ngửa, trong hợp đồng quy định mức lãi suất thả nổi theo thị trường nhưng do không đọc kỹ nên không biết. Vì vậy, mỗi tháng ngân hàng đều thông báo điều chỉnh lãi vay. Mới tháng trước lãi vay là 18% nhưng tháng này được thông báo tăng lên hơn 20%” – anh bức xúc.

Tính toán thật kỹ

Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng khoảng 15%/năm. Tuy vậy, trước những lời chào mời vay lãi suất thấp, khách hàng cần hết sức cẩn trọng. Theo các chuyên gia, có nhiều cách để các ngân hàng biến khoản vay lãi suất thấp thành lãi suất cao.

Đại diện một ngân hàng cho hay, có sự chênh lệch giữa lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính là bởi sự đánh giá rủi ro của hai bên khác nhau. Khi cho vay tiêu dùng, các NHTM nhắm tới đối tượng khách hàng đã có tiền gửi, tài khoản của ngân hàng… mức độ rủi ro thấp nên lãi suất cho vay thấp hơn. Trong khi đó, các tổ chức tài chính quan tâm đến những người có nhu cầu, nhưng không có tài sản bảo đảm, mức độ rủi ro cao nên lãi suất cao hơn. Dù vậy, nhiều người vẫn chọn vay tiêu dùng ở công ty tài chính bởi cho vay nhanh và thủ tục không phức tạp như vay NHTM.

Người vay tiền sẽ bị thiệt thòi nếu không đọc kỹ các hợp đồng lúc thỏa thuận hoặc khi ra công chứng. Trong đó, quan trọng là xem kỹ số tiền vay, lãi suất vay, thời gian vay…

Bản thân người đi vay phải hết sức cân nhắc bài toán tài chính về khả năng trả nợ. Vay trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, mức lãi suất sẽ khác nhau. Trong giai đoạn lãi suất cho vay đang cao như hiện nay, nếu không có nhu cầu thật sự cấp thiết, tốt nhất không nên vay.

Theo các chuyên gia kinh tế, cần ấn định khung lãi suất cho vay tiêu dùng hợp lý, linh hoạt nhằm thúc đẩy thị trường chính thức, hạn chế thị trường chợ đen và rủi ro kinh tế. Còn với các tổ chức tín dụng, cần đưa ra những sản phẩm cho vay đa dạng, tiện ích, đơn giản, dễ hiểu và phải niêm yết công khai mức lãi suất rõ ràng, minh bạch để tạo điều kiện cho khách hàng đưa ra quyết định chính xác.

Cho vay tiêu dùng đang mảnh đất màu mỡ, tiềm năng đối với các công ty tài chính nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor dự báo, trong giai đoạn 2013-2016, thẻ tín dụng sẽ tăng trưởng 20-22%; hàng tiêu dùng tăng 15-17%; cho vay mua nhà tăng 12%; vay mua ô tô tăng 7% và xe máy tăng 5%. Còn theo nghiên cứu của Nhóm nghiên cứu Vietcombank thì trong giai đoạn này, thẻ tín dụng tăng trưởng 25-30%, hàng tiêu dùng tăng 20% và xe máy tăng 10%.

Exit mobile version