Nông dân chế tạo máy bay
Cách đây không lâu, cả nước xôn xao thông tin hai người nông dân đã chế được chiếc máy bay từ những vật dụng hết sức đơn giản. Đáng tiếc, “thiết bị bay có hình dạng chiếc trực thăng” do hai anh Lê Văn Danh và Trần Quốc Hải (Tây Ninh) chế tạo không đủ điều kiện kỹ thuật, không đảm bảo an toàn và không có khả năng nhấc lên khỏi mặt đất. Hầu hết linh kiện mà hai anh Hải và Danh dùng để lắp ráp nên chiếc “trực thăng” đều được mua ở chợ trời hoặc tự chế tạo thủ công trong chính xưởng cơ khí giản đơn của họ.
Hai chiếc máy bay trực thăng “made in Việt Nam” do anh chế tạo đã được “xuất khẩu” ra nước ngoài. Chiếc đầu tiên bán cho Viện Bảo tàng New York (Mỹ), chiếc thứ hai bán cho Viện bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Busan (Hàn Quốc).
Một trường hợp khác, kỹ sư thương binh Nguyễn Bùi Hiển (58 tuổi, Bình Dương) chế tạo một chiếc trực thăng và mời cả cơ quan không quân, chuyên gia hàng không thẩm định sản phẩm của mình.
Hay anh Phạm Xuân Quốc ở TP HCM đã dành cả 10 năm để tự chế chiếc máy bay trực thăng mini. “Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ từ bỏ ước mơ bay, chiếc trực thăng giờ đã hoàn thiện và tôi sẵn sàng ngồi vào đó để bay thử”, anh Quốc chia sẻ.
Tàu ngầm mini tự chế
Sau thông tin chế tạo máy bay không thành, mới đây dư luận lại ngỡ ngàng khi ông Nguyễn Quốc Hòa – Giám đốc Cty TNHH cơ khí Quốc Hòa (Cụm công nghiệp Phong Phú, TP.Thái Bình) công bố về chiếc tàu ngầm mini tự chế với mục đích bảo vệ chủ quyền biển đảo, đánh bắt hải sản và du lịch.
Theo các chuyên gia, chiếc tàu ngầm sản xuất thủ công như của ông Hòa chẳng khác gì một thứ đồ chơi được làm đắt tiền, bởi vì ông Hòa đã bỏ ra 1 tỉ đồng để lắp ráp nó. Để đưa chiếc tàu ngầm này vào sử dụng chắc sẽ còn một thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm và tốn nhiều tiền của, thời gian.
Máy bay không người lái
Các nhà nghiên cứu đang hoàn tất các công đoạn để cuối năm nay cho ra mắt máy bay không người lái phục vụ cho mục đích quân sự đầu tiên ở Việt Nam. Đại tá Đỗ Văn Lập, Giám đốc Trung tâm khí cụ bay của hãng Viettel cho biết, máy bay VT Patrol với sải cánh 3,3 m, trọng lượng cất cánh 26 kg, bay tự động với khả năng truyền thông tin, hình ảnh theo thời gian thực. Màu máy bay phù hợp với nhu cầu tác chiến quân sự. Vật liệu của máy bay bằng composite hàng không chất lượng cao để bảo đảm độ bền, nhẹ.
Sau thành công bước đầu, công ty có thể sẽ sản xuất ra những chiếc máy bay không người lái tầm trung với thời gian bay 15 – 24 giờ phục vụ cho trinh sát cấp chiến dịch, chiến lược, xa hơn nữa là các thiết bị tối tân khác như tên lửa để nhằm tăng cường khả năng phòng vệ cho đất nước.
Máy bay mục tiêu không người lái
Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam nay đã thành công trong việc nghiên cứu, chế tạo máy bay không người lái tham gia mục đích quân sự.
Sau 4 năm nghiên cứu, thử nghiệm, ngày 15/9/2005, 2 chiếc máy bay không người lái đã bay báo cáo thành công các bài bay tại sân bay Kép (Bắc Giang), với độ cao 2.000m, bán kính hoạt động 15km.
Cùng với việc chế tạo máy bay không người lái, Viện cũng đã thiết kế và chế tạo thành công các hệ thống bệ phóng (dùng cho các trường hợp không có đường băng cất cánh) bằng những nguyên vật liệu có trong nước, nhẹ và dễ cơ động.
Tàu chiến hiện đại Việt Nam
Tàu pháo Hải quân mang số hiệu TT400TP số 1 do Công ty đóng tàu Hồng Hà (còn gọi là Nhà máy Z173 thuộc Tổng Cục công nghiệp Quốc phòng-Bộ Quốc phòng) thực hiện vừa được bàn giao cho Quân chủng Hải quân tại TP Hải Phòng để đưa vào sử dụng. Đây là chiếc tàu quân sự hiện đại đầu tiên do Việt Nam sản xuất.
Tàu pháo TT400TP số 1 là loại tàu chiến hiện đại, có nhiều đặc tính ưu việt khi hoạt động tác chiến trên biển, lần đầu triển khai đóng mới tại Việt Nam. Tàu được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại như: pháo AK-630; tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp; hệ thống rađa, hệ thống nhận biết địch, ta; hệ thống quang điện từ, các kho đạn pháo, tên lửa… được tích hợp qua nhiều hệ thống tự động hóa, có tính chính xác cao, bảo đảm tác chiến trong mọi tình huống.