Ông vua bán lẻ trực tuyến Mỹ đang có những động thái chuẩn bị cho một cơ hội lớn chưa từng có. Bước ngoặt tại thị trường 200 tỷ USD sẽ giúp khẳng định thương hiệu của Jeff Bezos trong cuộc đua với các ông lớn Trung Quốc.
Động thái bất ngờ
Theo CNBC, hãng bán lẻ Amazon của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos vừa mở tòa nhà văn phòng lớn nhất của mình. Tuy nhiên, tòa nhà số 1 của Amazon không được đặt ở Mỹ, mà tại khuôn viên 9,5 mẫu Anh (khoảng 3,9ha) ở thành phố Hyderabad, Ấn Độ.
Đây cũng là cú đầu tư lớn nhất của gã khổng lồ thương mại điện tử tại đất nước 1,3 tỷ dân này.
Ấn Độ được coi là nơi sẽ mang đến lợi nhuận lớn nhất cho Amazon trong tương lai. Cũng theo CNBC, một số nhà phân tích ước tính thị trường thương mại điện tử của nước này sẽ đạt 100 tỷ USD vào năm 2022, khi mà tỷ lệ người dùng Internet tại đây tiếp tục tăng lên. Còn theo Deloitte, thương mại điện tử tại Ấn Độ có thể đạt 200 tỷ USD vào năm 2026.
Trước đó, trên Indiatimes, tập đoàn tài chính Merrill Lynch của Mỹ cho rằng Amazon có thể bán được 81 tỷ USD tại Ấn Độ và thu về khoản lợi nhuận khoảng 2,2 tỷ USD vào năm 2025, so với 3,7 tỷ USD doanh thu của năm 2015 và khoản lỗ khoảng 1 tỷ USD mỗi năm ở thị trường này.
Amazon đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ. |
Trên thực tế, cơ hội của Amazon tại Ấn Độ rất lớn. Thương mại điện tử hiện mới chiếm 3% tổng giá trị tiêu dùng tại đất nước này. Thị trường bán lẻ Ấn Độ được đánh giá là có quy mô và tiềm năng rất lớn. Riêng “Lễ hội của ánh sáng” (Diwali) là sự kiện mỗi năm thu về hàng tỷ USD chỉ qua kênh bán hàng trên mạng.
Ấn Độ được dự báo sẽ là thị trường lớn nhất bên ngoài nước Mỹ. Cơ hội lớn nhất cho Amazon chính là ở đây, và tất nhiên, thách thức lớn nhất đối với tập đoàn cũng chính là ở thị trường này.
Cũng chính vì cơ hội hiếm có như vậy, cách đây 5 năm, Jeff Bezos đã khoác lên mình chiếc áo bandhgala (áo truyền thống của Ấn Độ) để quảng báo cho Amazon và chính thức tấn công vào thị trường tỷ dân. Tập đoàn này có những thành tựu đáng kể, hàng trăm triệu sản phẩm đã được bán ra.
Nhưng để nắm bắt được cơ hội lớn và có thể coi là duy nhất này không phải dễ, Amazon đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và bắt buộc phải có những bước đi thận trọng. Tập đoàn này đã lên kế hoạch để thích ứng với thị trường địa phương bằng cách mở rộng các cửa hàng offline.
Đây là bước đi ban đầu để dần tiếp cận người tiêu dùng Ấn Độ, với đa phần người dân còn chưa quen với việc đặt mua hàng trên mạng thông qua những chiếc điện thoại thông minh.
Năm 2014, Jeff Bezos đã khoác lên mình chiếc áo bandhgala (áo truyền thống của Ấn Độ) để quảng báo cho Amazon. |
Nóng bỏng thị trường 200 tỷ USD
Khác với Trung Quốc, nơi những ông lớn trong nước như Alibaba của Jack Ma… đang thống trị, thị trường mua bán trực tuyến tại Ấn Độ vẫn rộng mở cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, Amazon của tỷ phú USD Jeff Bezos lại phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt đến từ đối thủ Walmart – tập đoàn bán lẻ khác của Mỹ. Đây là tập đoàn đã mua lại đế chế thương mại điện tử nội địa của Ấn Độ Flipkart trong năm 2018.
Hiện Amazon chiếm 30% thị phần thương mại điện tử của Ấn Độ, còn Flipkart nhỉnh hơn đôi chút. Cả hai ông lớn Mỹ phải đối mặt với sự cạnh tranh không hề nhỏ đến từ nhà bán lẻ nội địa lớn nhất Ấn Độ Reliance Industries của tỷ phú Mukesh Ambani.
Trong một động thái mới nhất, theo Reuters, Amazon đang đàm phán mua lại 26% cổ phần của nhà bán lẻ có gần 11 ngàn cửa hàng thuộc sở hữu của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani. Trước đó, Amazon cũng đã mua cổ phần ở một số chuỗi cửa hàng tại Ấn Độ như Shoppers Stop hay More.
Tấn công vào thị trường tỷ dân mở cửa duy nhất còn lại. |
Việc mua Reliance không chỉ giúp Amazon có một mạng lưới cửa hàng rộng lớn trải dài trên khắp cả nước, mà còn có lợi thế trong lĩnh vực viễn thông – khi mà Reliance sở hữu một trong những mạng di động lớn nhất Ấn Độ là Reliance Jio với hơn 300 triệu thuê bao.
Ngoài ra, đó cũng là giải pháp giúp Amazon đối phó với những rắc rối liên quan đến hàng loạt quy định mới của Ấn Độ. Theo luật đầu tư trực tiếp nước ngoài vừa được ban hành, Ấn Độ cấm các công ty nước ngoài bán các sản phẩm của chính họ trên mạng, như loa thông minh Echo hay sách Kindle của Amazon; đồng thời cũng không được bán các sản phẩm của công ty liên kết cũng như ký các hợp đồng bán hàng độc quyền.
Bên cạnh đó, Amazon cũng như các nền tảng bán hàng trực tuyến còn bị cấm tung ra các chương trình giảm giá đặc biệt hoặc dành ưu đãi cho bất kỳ nhà cung cấp nào.
Cơ hội tại thị trường 200 tỷ USD thực sự lớn. Đây được xem là bước ngoặt giúp Amazon khẳng định thương hiệu của mình trong cuộc đua tranh với các tập đoàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, doanh nghiệp của tỷ phú USD Jeff Bezos có lẽ sẽ mất nhiều năm để gầy dựng và phải vượt qua nhiều rào cản để có thể trở thành tay chơi thống trị tại thị trường tỷ dân và cũng là nền kinh tế lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay.
H. Linh