Diễn đàn kinh tế Việt Nam – VEF

Con sữa bẩn, bố rượu giả, cả nhà ăn dưa độc

Sữa bột đóng gói bằng xẻng

Ông Trịnh Quý Phổ – Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết nhiều nhà máy sữa, công nhân vẫn dùng xẻng để xúc sữa đóng hộp, gây nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm cao.. Tuy không tiết lộ danh tính của DN dùng xẻng để xúc sữa đóng gói như miêu tả, nhưng ông Phổ nói rõ, đó là cách làm không đảm bảo quy trình chất lượng theo tiêu chuẩn, và như vậy sẽ không đảm bảo được an toàn thực phẩm đối với việc đóng gói sữa bột.

Ông Bùi Trường Thắng, phó vụ trưởng vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho hay, chất lượng nguyên liệu chưa được kiểm soát và quản lý chặt chẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các sản phẩm. Không ít doanh nghiệp làm ăn chộp giật công bố chất lượng sản phẩm trên bao bì thì tốt nhưng thực tế lại kém.

Chivas, Ballantines rởm 300 ngàn bán 3 triệu

Ngày 12/6, cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết đã tạm giữ phương tiện và toàn bộ số rượu ngoại không rõ nguồn gốc để điều tra, xử lý chủ hàng Tường Duy Phương (33 tuổi), trú tại Khoái Châu, Hưng Yên.

Tại cơ quan điều tra, Phương khai nhận mua số rượu trên ở trong Bến xe Nước ngầm của một người không quen biết, với giá chỉ từ 300 – 500 nghìn đồng/chai. Tổng giá trị số rượu trên khi nhập vào khoảng 60 triệu đồng. Số rượu này sẽ được đưa về cửa hàng và bán cho các nhà hàng, quán bar… bán với giá 2 – 3 triệu đồng/chai.

Dưa cà muối bằng thùng sơn… nhiễm độc

Tại một số chợ như: Định Công, Đại Từ (Hoàng Mai), Gốc Đề (Minh Khai),… hầu khắp các hàng bán dưa cà muối đều dùng vỏ thùng sơn Kova để muối dưa cà bán hàng ngày. Nhưng khi bày bán trên kệ, dưa cà được các chủ hàng chia ra đựng trong các hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh nhỏ hơn để tiện bày và tạo độ bắt mắt. Lý do khiến các chủ cửa hàng lựa chọn thùng sơn Kova để muối dưa cà đó là tiện lợi trong cả việc di chuyển và muối được số lượng nhiều.

Các chuyên gia nghiên cứu vật liệu Polyme đã phân tích, thùng sơn Kova là thùng nhựa, sơn có một số thành phần hóa chất ngấm vào thùng nhựa khiến nhựa này không có độ an toàn cao. Đặc biệt, dưa cà muối là loại chứa axit mạnh, khi ngâm thực phẩm lâu thì sẽ tích lũy chất độc ngấm vào thực phẩm.

Nước mắm pha phẩm màu rẻ hơn nước lọc

Theo phản ánh của nhiều DN và tiểu thươn kinh doanh thực phẩm, hiện trên thị trường Hà Nội và một số tỉnh thành xuất hiện nhiều “đầu nậu” thu gom và buôn bán loại nước mắm rẻ tiền, chỉ có 5.000 đồng/lít. Loại nước mắm này dù có giá rẻ hơn nước lọc nhưng lại được quảng cáo là loại thượng hạng, giả danh thương hiệu nổi tiếng như: nước mắm Phú Quốc, Tiền Hải…

Theo những người có kinh nghiệm, loại nước mắm này được chế biến theo công thức: nước phẩm màu, hương liệu và chất bảo quản cùng một tỷ lệ rất nhỏ nước mắm cốt pha trộn vào nhau.

Ngoài ra, các cơ sở làm giả còn sử dụng chất bảo quản acid clohydric dùng khoảng 1g/1lít nước, chất tạo ngọt là đường hóa học Cyclamte, Saccharin thì 1-2 mg/1lít. Phẩm màu công nghiệp cũng được tận dụng vì cho màu sắc rất đẹp, với loại nước mắm rẻ như… nước lã thì hầu hết các cơ sở thường dùng phẩm màu Trung Quốc trong quá trình pha trộn.

Thực tế, trong thời gian qua các cơ qua chức năng đã phát hiện và xử lý không ít trường hợp pha trộn nước mắm để bán ra ngoài thị trường theo chiêu thức này.

Khoai tây độc Trung Quốc tràn vào Việt Nam

Ngày 10/6, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra và phát hiện tại cơ sở kinh doanh của bà Nguyễn Thị Nguyệt (phường 12, TP Đà Lạt) có 52 tấn khoai tây khả nghi nên lấy mẫu để kiểm định.

Kết quả kiểm định của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho thấy 26 tấn khoai tây hồng xuất xứ Trung Quốc có dư lượng hoạt chất Chlorpyrifos (thuốc bảo vệ thực vật) vượt gấp 16 lần ngưỡng cho phép tế. Ngày 15/6, toàn bộ 26 tấn khoai tây Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao gấp 16 lần cho phép đã được lực lượng chức năng TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tiêu hủy.

Chăn gối vỉa hè siêu rẻ mang mầm bệnh

Trong khi, một chiếc gối có tên tuổi nhãn mác đàng hoàng có giá khoảng 150.000- 200.000 đồng cả ruột cả vỏ, thì một chiếc gối siêu rẻ bán ngoài vỉa hè chỉ có giá từ 20.000 – 30.000 đồng. Những loại gối siêu rẻ chỉ dùng một thời gian là bông xẹp xuống. Gối cũng rất dễ mốc vì rất khó vệ sinh, giặt dễ phai màu, lớp bông bên trong gối cũng không trắng sạch và không mềm mại, cảm giác chạm vào sợi bông rất ráp tay. Thậm chí xen lẫn lớp bông không mấy sạch sẽ này là những miếng vải vụn được tái sử dụng.

Một bác sĩ tại bệnh viện Da liễu Trung Ương cảnh báo: Các loại gối siêu rẻ này được làm từ loại vải xô cứng không có khả năng thoát khí và thấm mồ hôi, đã vậy lại được nhuộm màu bằng các loại hóa chất không đảm bảo nên có thể gây độc cho người sử dụng. Khi dùng phẩm màu này dễ dính vào da, người dùng rất dễ bị viêm da, thậm chí ung thư da. Các chất bụi từ chăn, gối không an toàn có thể gây viêm hô hấp, viêm khí quản đặc biệt là đối với trẻ em.

Bánh bao Metro Hoàng Mai mốc đen

Anh Nguyễn Thanh Sơn (phường Bạch Đằng – quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết thời gian gần đây, khi mua bánh bao mang thương hiệu Malai do Công ty TNHH Phát triển Sản phẩm Công nghệ mới, địa chỉ tại 26 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội sản xuất, anh nhận thấy bánh thường bị mốc đen dù đã được bảo quản đúng nhiệt độ theo nhà sản xuất khuyến cáo khi gia đình anh chưa kịp ăn.

Một đại diện của Công ty TNHH Phát triển Sản phẩm mới Công nghệ mới cho rằng, có thể là do người tiêu dùng bảo quản chưa đúng nhiệt độ hoặc trong thời tiết nắng nóng, chỉ cần bánh không được bảo quản đúng nhiệt độ trong vòng 1 hoặc 2 giờ là có thể bị hỏng ngay.

Metro Hoàng Mai ,cho biết, nếu sản phẩm bị lỗi, hỏng, khách hàng sẽ được đổi sản phẩm khác. Tuy nhiên, đơn vị này tỏ ra nghi ngờ, đây có thể là một chiêu của các đối thủ cạnh tranh tạo ra, chơi xấu siêu thị.

Exit mobile version