“Tín dụng đen” đã trở nên quen thuộc đối với nhiều cô cậu muốn chứng tỏ đẳng cấp “dân chơi” của mình. Các chủ hiệu sẵn sàng cầm đồ cho vay nặng lãi dựa trên niềm tin, không kèm thế chấp. Thông qua các mối quan hệ có sẵn hoặc từ việc kiểm chứng hoàn cảnh gia đình, với những cái mác “nhà mặt phố, bố làm to”, nhiều chủ hiệu cho vay lãi không tiếc tay.
“Chống lưng” bố, vay cả trăm triệu
N.V. nổi tiếng trong giới dân chơi sinh viên Hà Nội vì độ chịu chi và chịu chơi. Xung quanh ai cũng biết cậu là công tử quý của một đại gia buôn gỗ đất Cao Bằng, cậu cũng chẳng che giấu việc đi học đại học chỉ để vui, để xóa đi cái dấu “trọc phú” của người cha mới học hết lớp 3. Mẹ cậu nhờ vào các mối quan hệ của chồng mà ngày ngày “cưỡi” BMV đi làm văn thư tại một trường cấp 2 gần nhà.
Danh tiếng giàu sang đi kèm tai tiếng, N.V xuống thủ đô sớm bắt nhịp được với bạn bè cùng giới ăn chơi. Một mình sở hữu hai con xe SH và PCX nhập khẩu, sống trong một chung cư hạng sang, N.V được nhiều người biết đến. Ăn chơi thâu đêm suốt sáng, vùi đầu tại các quán bar, N.V chi đẹp, có lúc bao cả đám bạn chục người, không quên bo cho các em nhân viên xinh đẹp mỗi tối. Tiếng tăm N.V nổi như cồn.
Nhưng đôi khi, cậu cũng đói tiền. Mỗi lúc như vậy, chàng công tử quý tìm đến hiệu cầm đồ quen thuộc trên phố Đặng Dung. Không thế chấp, không cầm cố, viết tạm một cái giấy vay nợ, chủ hiệu cầm đồ tên T. quẳng ra cả trăm triệu phục vụ cậu ấm.
N.V tiết lộ: “Vay trăm củ trong 10 ngày thì mất chục củ tiền lãi. Trong 10 ngày không trả thì xin ra hạn thêm. Nói chung, có nhiều luật bất thành văn và cũng tùy người vay. Vay được nhiều hay ít, được xử đẹp hay không còn tùy thuộc vào uy tín ông bà già ở nhà”. Vì thế, việc chi tiêu cả trăm triệu một tháng với N.V không thành vấn đề, huống chi đi “vay nóng” ít tiền tiêu, sống qua ngày là chuyện nhỏ như con thỏ.
Không riêng gì N.V, nhiều dân chơi khác đi vay “uy tín” đều xuất thân từ gia đình khá giả, bố mẹ làm to, là cái “mỏ vàng” mà nhiều dân anh, chị trong giới cho vay nặng lãi nhắm vào. Thậm chí như L.A, cô tiểu thư con đại gia phố núi kinh doanh chè Thái Nguyên lại được “săn đón” từ những ngày đầu bước chân xuống đất thành thị.
L.A ngoan, không la cà quán xá, không “động” này “động” kia, nhưng lại thích thời trang và hay chạy theo thời thượng. Thú vui của cô nàng là lượn lờ các shop, các siêu thị hàng hiệu rồi mua sắm. Khi thì cái túi hàng hiệu trị giá tiền đô, khi thì bộ váy chục triệu, L.A được tôn vinh là tín đồ thời trang cao cấp trong giới nhà giàu.
Số tiền một tháng được chu cấp đôi khi không đủ cho cô nàng chạy theo mốt. Thế nên, L.A tìm cách tiếp cận với một chủ hiệu cầm đồ “ruột” trên đường Nguyễn Trãi theo lời đưa đẩy của đám bạn và trở thành khách VIP của quán.
L.A kể: “Lương tháng từ công ty Botachi (“Bố ta chi” – PV) thường không dưới 20 triệu nhưng lúc hứng lên, số tiền ấy không đủ mua một cái đầm dạ hội. L.A ra hiệu “vay nóng” tiền đi mua, rồi đợi công ty trả lương thì đem trả. Hoặc, tìm cách vòi vĩnh, sẽ ra tiền”.
L.A cho biết thêm, thường thì không thể chờ đợi có tiền mới đi mua sắm được, vì thời trang thay đổi theo từng ngày, mà đã thích thì phải “quất” liền tay. Cho nên, cô nàng luôn luôn trong cảnh “vay trước, trả sau”, chấp nhận lãi suất 8%/ tháng chỉ để thỏa giấc mơ xa hoa của mình.
Bán mình vì “tín dụng đen”
Gia đình không khá giả nhưng V.H, sinh viên một trường đại học tại Cầu Giấy lại sớm bắt nhịp với cuộc sống xa hoa thị thành. Muốn chứng tỏ mình không “quê mùa”, “tỉnh lẻ”, V.H làm thân với một nhóm bạn thành phố và tối ngày “quậy tưng bừng”.
Các bạn trong nhóm nay có điện thoại đẹp, mai lại sắm Ipad xịn, khi thì váy yếm tung tăng, lúc lại dồn dập đăng ảnh lên Facebook khoe đi ăn nhà hàng này, đi chơi khu resort kia làm V.H hoa mày tối mắt. Không thể bị coi thường hay bị coi là thua kém, V.H nhất quyết chạy theo.
Những ngày đầu, V.H giấu diếm bạn bè, gia đình đi làm thêm tại một showroom bán đồ chơi trẻ em trên đường Nguyễn Trãi với số tiền vẻn vẹn 2,5 triệu/tháng, cộng thêm tiền bố mẹ phụ cấp 2 triệu mỗi tháng. Số tiền có được trong thời gian đầu chỉ đủ theo đám bạn vài ngày, rồi cả tháng V.H lại thiếu tiền, chạy vạy vay mượn bạn bè để sống.
Lâu dần, bạn bè thân quen chẳng ai có khả năng cho cô nàng vay mượn, nên khi hết tiền, được giới thiệu đến hiệu cầm đồ, cô thích nghi rất nhanh. Bỏ công việc làm thêm, V.H chăm chút bản thân trong những bộ váy quần, phấn son và cặp với đại gia.
Số tiền vay tín chấp từ các hiệu cầm đồ như một cuộc đầu tư “quay vòng vốn”. V.H vay tiền từ đó để sắm sanh mọi thứ, tạo cho mình một vỏ bọc ăn chơi, rồi cặp với đại gia lấy tiền trả hiệu cầm đồ. Cô bỗng chốc gia nhập giới “ăn chơi sinh viên” một cách đường hoàng, đầy ánh hào quang bao phủ, khi có đại gia đỡ đầu và tiền thì không bao giờ thiếu.
Có khi, V.H vui miệng kể lể: “Là khách quen của quán cầm đồ rồi, đôi khi thiếu tiền, alo cho anh chủ quán là có tiền vào tài khoản. Cũng không thiếu cách để gỡ gạc lại, vòi bồ tiền tiêu xài hoặc nhiều mối quan hệ khác. Một khi muốn có tiền trong tay, làm gì cũng được”.
Trường hợp như V.H không phải là hiếm trong mối quan hệ làm ăn với hiệu cầm đồ kiêm cho vay nặng lãi. Nhiều sinh viên các tỉnh, thành khi đổ về Hà Nội học tập đã không cưỡng lại được vòng xoáy của cám dỗ, chìm mình trong “tín dụng đen”. Học hành giảm sút, tương lai mờ mịt, nợ nần chồng chất… là những bức tranh ảm đạm mà không phải bất cứ con nợ tín dụng nào cũng nghĩ được.