Trang chủ » Kinh tế 24h » Hoang mang, mẹ Việt tẩy chay sữa độc

Hoang mang, mẹ Việt tẩy chay sữa độc

Tác giả:

Nhiều cửa hàng cố bán

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Văn phòng Đại diện Abbott tại Việt Nam yêu cầu dừng ngay việc lưu thông và tiến hành thu hồi các sản phẩm sữa Similac nghi nhiễm khuẩn trên thị trường. Một số siêu thị đã tiến hành thu hồi, rút sản phẩm khỏi kệ hàng ngay lập tức. Tuy nhiên, trên thị trường các loại sữa này vẫn được bày bán tràn lan, cửa hàng vẫn ra sức giới thiệu sữa tốt và chào mời khách hàng dùng thử các loại sữa Similac. Trong khi đó, các loại sữa Karicare xách tay về Việt Nam cũng tràn ngập trên thị trường.

Dạo qua các cửa hàng bán sữa trên phố Xuân Thủy (Cầu Giấy), Phạm Văn Đồng (Từ Liêm), Tây Sơn (Đống Đa)… trên địa bàn Hà Nội sáng 5/8, các loại sữa Similac, Karicare nằm trong danh sách bị thu hồi vẫn được bày bán trên đầy trên quầy hàng. Các bà mẹ vẫn có thể tìm mua ở bất cứ ở đại lý nào trên phố.

Tại một cửa hàng tạp hóa tương đối lớn trên đường Phạm Văn Đồng, khi khách hỏi mua sữa cho trẻ 1 năm tuổi và yêu cầu tư vấn các loại sữa để chọn lựa, bà chủ của cửa hàng nhanh miệng giới thiệu: “Con em được 1 tuổi rồi à? Ở đây có nhiều loại sữa tốt nhưng loại Similac được nhiều người chuộng lắm. Tại cửa hàng chị, loại này cũng bán rất chạy”.

Để người mua yên tâm chọn lựa, bà chủ cửa hàng này còn tiếp thị rằng, sữa này không béo nhưng lại giúp trẻ tăng trí thông minh, có người chọn mua sữa này từ lúc mang thai đến lúc con 1-2 tuổi vẫn dùng. “Em cứ yên tâm mua đi không vấn đề gì đâu”, chị này đon đả.

{keywords}
Một số cửa hàng vẫn bày bán loại sữa Similac Gainplus Eye-Q không đảm bảo an toàn bất chấp đã có quyết định thu hồi (ảnh Bảo Hân)

Tại nhiều cửa hàng khác, sản phẩm Similac vẫn được bày bán tràn lan, vẫn vô tư chào mời khách. Chị Phương, chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy), cho biết, tất cả các sản phẩm sữa Similac được bán khá chạy tại cửa hàng. Khi PV nói chuyện sữa Similac GainPlus Eye-Q bị thu hồi thì chị Phương cho hay chưa nghe phía nhà cung cấp nói gì nên vẫn bán bình thường.

Tương tự, trên các trang mạng xã hội, các sản phẩm Karicare cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (loại sữa vừa mới được thông báo có chứa Whey Protein bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum) được bán khá phổ biến, khách hàng có thể lên mạng tìm mua, đặt hàng một cách dễ dàng.

Theo khảo sát của PV, giá sữa xách tay Karicare Aptamil 1 và 2 bán với giá 575.000 đồng/ hộp còn sữa Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 được giao bán với giá 570.000 đồng.

Trong khi các cửa hàng vẫn còn bày bán tràn lan các loại sữa nhiễm độc thì một số siêu thị cho hay đã ngừng bán, thu hồi toàn bộ sản phẩm sữa Similac theo yêu cầu.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc chuỗi siêu thị Fivimart, cho biết, ngay sau khi có thông tin một số lô sữa Similac GainPlus Eye-Q (dành cho trẻ từ 1-3 tuổi) nhiễm vi khuẩn, ngày 4/8, toàn bộ hệ thống siêu thị Fivimart đã dừng bán và cho rút toàn bộ mặt hàng này khỏi kệ.

{keywords}
Các bà mẹ hoang mang không biết chọn sữa nào tốt cho con (ảnh SGTT)

Các bà mẹ hoang mang vì sữa ngoại

Trước thông tin liên tiếp về hai loại sữa của New Zealand nhiễm độc, nhiều bà mẹ mẹ tỏ ra hoang mang, lo lắng bởi sữa ngoại là mặt hàng được nhiều người tin dùng từ trước tới nay.

Chị Nguyễn Ngọc Tú ở ngõ 123 Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) sau khi nghe thông tin sữa Similac GainPlus Eye-Q bị nhiễm khuẩn, đứng ngồi không yên. “Không biết cháu nó có làm sao không nữa. Nghe bạn bè mách sữa này tốt, hai tháng nay tôi mua về cho cháu ăn. Giờ thấy hoang mang quá”, chị Tú nói.

Lo lắng hơn khi con ăn cả hai loại sữa Karicare và Similac, chị Thanh Tâm ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi còn cẩn thận tìm hiểu, nghe người đi trước giới thiệu mong chọn được những loại sữa tốt cho con. Ai ngờ, ngay cả sữa nhập khẩu cũng nhiễm độc. Giờ thì chẳng biết nên tin dùng loại sữa nào?”.

“Cả đêm qua, hai vợ chồng chị không sao ngủ được vì lo cho sức khỏe của con. Sáng nay, ông bà nội gọi điện bắt đưa cháu đi khám tổng thể xem có bị ảnh hưởng gì tới sức khỏe không”, chị Tâm nói.

Rất nhiều bà mẹ khác cũng có chung tâm trạng khi con ăn các loại sữa do New Zealand sản xuất. Chị Thu Huyền tâm sự trên một diễn đàn: “Cháu nhà mình đang dùng Enfa, cũng nguyên liệu từ New Zealand, sản xuất tại Thái Lan. Tuy chưa bị phát hiện nhiễm độc nhưng mình thấy rất hoang mang. Gia đình đang cân nhắc để tìm một số loại sữa nội chứ sữa ngoại dạo này thấy phát hiện gian dối và nhiễm độc nhiều quá”.

Chị Huyền cho biết, mặc dù chỉ sản phẩm Similac GainPlus Eye-Q nhiễm độc nhưng một vài người bạn chị có con cũng dùng sản phẩm Similac nói rằng vì quá lo sợ đã đổ bỏ hết số sữa còn lại trong nhà và đổi cho con loại sữa khác.

Sau khi thông tin sữa nhiễm độc và bị thu hồi lan ra, nhiều bà mẹ cảm thấy bối rối, không biết chọn loại sữa nào cho con để đảm bảo an toàn bởi sữa ngoại thì liên tục nhiễm độc còn sữa nội thì cũng dính không ít scandal, đó là chưa kể sữa nội còn mập mờ nguồn gốc, chất lượng.