Chủ yếu mới bán thịt lợn
Việt Nam hội nhập, mở cửa thị trường thịt với thuế suất thấp (hiện là 5% với thịt nhập khẩu) và nhu cầu thịt ngoại tăng cao là cơ hội để các quốc gia, trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu, nhắm tới để đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngày 21/3, tại Hà Nội, bà Agnieszka Rozanska – đại diện Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động của ngành công nghiệp thịt (UPEMI), đã giới thiệu về một chiến dịch hùng hậu trong vòng 3 năm (7/2013-7/2016) quảng bá thịt và các sản phẩm thịt của các nước này tới Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Việt Nam. Các nhà nhập khẩu, phân phối và kinh doanh thịt, sản phẩm làm từ thịt, giới truyền thông và người tiêu dùng… là đối tượng chính để quảng bá.
Cụ thể, Tham tán Kinh tế – Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội, ông Wojciech Gerwel, tiết lộ ngay sau buổi họp báo này có ít nhất 9 DN thịt lợn và các sản phẩm từ thịt, sữa, rau đông lạnh… sẽ sang Việt Nam tổ chức hội thảo, gặp gỡ trực tiếp tìm kiếm đối tác.
Sau đó, tháng 8/2014 sẽ tổ chức đoàn Việt Nam sang tham quan việc nuôi trồng, chế biến, sản xuất thịt ở châu Âu; năm 2015, các doanh nghiệp Ba Lan tiếp tục “đổ bộ”, tham dự hai hội chợ lớn về thực phẩm và đồ uống tại TP.HCM.
Bà Agnieszka Rozanska cho biết, trong số hơn 1.100 tấn thịt Việt Nam nhập từ châu Âu, có 822 tấn thịt lợn (thịt tươi, làm lạnh và đông lạnh) và gần 300 tấn thịt bò đông lạnh, với tổng giá trị hơn 1,5 triệu Euro.
Đến nay, đã có 48 công ty của nước này được phép xuất khẩu thịt bò, lợn, gia cầm, nội tạng… sang Việt Nam, nhưng riêng Ba Lan chủ yếu là thịt lợn.
Với thế mạnh là nước sản xuất thịt lớn nhất châu Âu, Ba Lan hiện xuất khẩu thịt tới 70 quốc gia, thuộc hàng top 10 thế giới và lớn thứ 4 ở châu Âu. Cơ hội để thịt Ba Lan tràn vào Việt Nam là không hề nhỏ.
Cạnh tranh sẽ bùng nổ
Tại buổi họp báo, nhiều DN chuyên về nhập khẩu, chế biến thực phẩm của Việt Nam cũng quan tâm đến sản phẩm thịt nhập khẩu của châu Âu – thị trường mới mẻ này.
Tuy nhiên, đại diện thương hiệu Mr Sạch – chuyên cung cấp các sản phẩm hữu cơ, băn khoăn về chất lượng thịt bò, vì thịt bò Mỹ hữu cơ công ty này nhập về bị người tiêu dùng chê là khô (sở thích người Việt là thịt bò phải mềm) và do thói quen, nhận thức về mua và sử dụng thịt ngoại còn hạn chế.
Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều loại thịt bò nhập ngoại, như Mỹ, Canada, Neww Zealand và đặc biệt nhiều là thịt bò Úc, thì chất lượng và giá thành thịt bò châu Âu liệu có cạnh tranh được? Trả lời thắc mắc này, bà Agnieszka Rozanska nói rằng thịt bò Úc, New Zealand và châu Âu về cơ bản hương vị không khác nhau là mấy, có điều thịt bò “made in EU” ngọt hơn, và cũng hơi khô, song sự khác biệt là không quá lớn.
“Chúng tôi có truyền thống nuôi bò lâu năm, với giống bò chuyên để thịt, cộng với cách chăm sóc và xác định độ tuổi của bò nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng”, bà tự tin.
Nếu đúng như vậy, vấn đề còn lại phụ thuộc vào giá cả và các dịch vụ kèm theo. Tính toán từ số liệu năm 2012 dựa trên tổng giá trị và số lượng thịt châu Âu về đến Việt Nam thì giá thịt bò của EU trung bình khoảng 500.000 đồng/kg, thịt lợn khoảng 350.000 đồng/kg (chưa rõ về mức thuế).
Trong khi đó, chỉ tính riêng Úc năm 2013 đã xuất khẩu khoảng 36.000 con bò sống sang Việt Nam, trị giá tương đương 24 triệu USD. Thường thì bò Úc có trọng lượng khoảng 350-500 kg/con, giá hơi là 2 USD/kg, cộng chi phí vận chuyển, thuế, hao hụt… , có giá khoảng 2,4 USD/kg (tương đương hơn 400.000 đồng/kg). Với lợi thế về giá thành thấp, cộng với việc xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường từ mấy năm nay, đây sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của của các nhà xuất khẩu thịt châu Âu.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Hà Anh Tuấn, Giám đốc công ty chuyên phân phối các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu (địa chỉ tại Phan Văn Trường, Cầu Giấy, Hà Nội), công ty ông đã bán thịt bò Úc từ mấy năm nay, cứ 3 tháng nhập về một lần. Tuy không tiết lộ số lượng, nhưng ông cho hay thường tính bằng container. Dịp Tết hàng về nhiều nhất do nhu cầu tăng cao. Công ty chủ yếu cung cấp thịt bò Úc cho các nhà hàng, khách sạn, và giờ cũng tham gia bán lẻ. Tại Hà Nội hiện cũng có nhiều đơn vị và cá nhân tự đứng ra nhập thịt bò Úc về bán, với số lượng khá lớn, rao bán rầm rộ.
Nhu cầu tiêu thụ thịt nhập khẩu tại Việt Nam khá cao. Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết năm 2013 Việt Nam nhập khẩu khoảng 90.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, thịt gia cầm nhập khẩu chiếm 2/3, tương đương 57.000 tấn. Tổng số trâu bò nhập khẩu để giết mổ làm thực phẩm ước khoảng 151.611 con.
Đến năm 2018, theo cam kết AFTA, thuế nhập khẩu thịt bò tại Việt Nam sẽ về mức 0% thì lượng thịt đổ vào Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều. Ngành chăn nuôi nội địa, sau cảnh báo có thể bị… bóp chết, cần sớm xác định một chiếc lược, hướng đi riêng. “Thịt nhập ngoại chủ yếu đi vào các nhà hàng, khách sạn, vì vậy bò nuôi trong nước vẫn phục vụ tốt cho bán lẻ tại các chợ truyền thống hoặc chế biến công nghiệp như xay, làm xúc xích”, ông Tuấn gợi ý.