Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Tiếng nói doanh nghiệp: VNR500 cần liên kết DN Việt

Tiếng nói doanh nghiệp: VNR500 cần liên kết DN Việt

Tác giả:

“Nếu có thứ hạng cao, thương hiệu sẽ được lợi”

Đây là nhận định của ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT FPT – doanh nghiệp 3 năm liền giữ vị trí số 1 trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam.

Trong niềm vui của người “trụ hạng”, ông Ngọc cho biết, dù không phải là danh hiệu hay giải thưởng nhưng chính việc duy trì được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng VNR500 đã giúp ích cho thương hiệu FPT trong kinh doanh, nhất là khi ra nước ngoài.

Ông Ngọc lý giải, VNR500 được xây dựng theo mô hình Fotune 500 – “thương hiệu xếp hạng” danh tiếng thế giới – lại được truyền thông qua VietNamNet nên tạo được độ hiểu biết và tương đối nổi tiếng.

Chính vì lẽ đó, khi FPT ra nước ngoài tìm đối tác, thứ bậc hàng đầu trong Top 500 DN tư nhân Việt Nam giúp đối tác dễ dàng đánh giá được quy mô và vị thế của FPT. “Nếu bạn có thứ hạng cao, thương hiệu của bạn sẽ được lợi”, ông Ngọc đúc kết.

 

 

Có thứ hạng cao, DN sẽ được lợi – Ảnh LAD

 

Sử dụng vị trí của mình trong VNR 500 cũng là cách để Công ty CP Thế giới số Digiworld thuyết phục các đối tác nước ngoài. “Ban đầu họ có thể không biết VNR500 là gì nhưng khi hiểu VNR500 được xây dựng theo mô hình Fotune 500, họ đều dễ hình dung và công nhận. Do vậy, tôi thấy đây là sự tôn vinh thực tế và có lợi ích rất rõ ràng”, ông Hoàng Tùng, Phó GĐ Digiworld tại Hà Nội khẳng định.

Thứ hạng trong VNR 500 cũng là “bí quyết” thành công của công ty TNHH Trung Chính, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh, chế biến và xuất khẩu cao su tại Quảng Ninh.

Chia sẻ với VietNamNet, giám đốc Nguyễn Khắc Trung cho biết với “bề dày lịch sử” mới có 5 năm, Trung Chính không dễ gì thuyết phục được đối tác trong các việc đòi hỏi lòng tin như vay vốn, làm dự án hoặc khi đàm phán có đối thủ cạnh tranh. Khi đó, chính uy tín của một DN đã được xếp hạng trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu khiến Trung Chính được đối tác tin tưởng hơn hẳn.

Đó cũng là lý do Công ty CP Xây lắp Thương mại 2 (ACSC) luôn lấy thứ hạng trong VNR500 để đánh giá vị thế của chính mình và làm hướng để phấn đấu. Ông Đinh Viết Duy, Phó TGĐ công ty tâm sự, năm nay ACSC bị tụt bậc. Theo ông, ban lãnh đạo chắc chắn sẽ phải suy nghĩ và điều chỉnh lại kế hoạch phát triển để thăng hạng.

Có thể nói, VNR500 không phải là danh hiệu hay giải thưởng, nhưng sự xuất hiện của bảng xếp hạng này thực sự là một động lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt. Đúng như nhận xét của ông Bùi Quang Ngọc: “Đó là đóng góp tích cực nhất của bảng xếp hạng VNR 500 cho các DN Việt Nam”.

VNR500 cần kết nối DN Việt

Trao đổi bên lề với phóng viên VietNamNet, các doanh nghiệp đều góp ý khá thẳng thắn cho các hoạt động “hậu VNR500”.

Hiện ngoài Diễn đàn VNR500 trên Báo VietNamNet, còn có 1 CLB VNR500 quy tụ các thành viên trong bảng xếp hạng. Trong 3 năm qua, ban tổ chức đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ DN thông qua các hình thức khác nhau như cung cấp thông tin, tổ chức hội thảo, giao lưu…

 


Một trong những “đặc sản” của VNR500 được nhiều DN quan tâm là các buổi nói chuyện, giao lưu khá thường xuyên với các chuyên gia, diễn giả nổi tiếng thế giới như: GS Jonh Quelch – Phó hiệu trưởng trường KD Harvard; GS Thomas E. Patterson – Giám đốc trung tâm Shorenstein, G.S Robert Kaplan – cha đẻ “Bảng điểm cân bằng”, v.v…

 

 

DN mong muốn VNR500 tăng cường kết nối các thành viên – Ảnh VNN

 

“Các diễn giả nước ngoài rất cần thiết và có ích. Họ gợi mở và tạo cho chúng tôi những suy nghĩ định hướng, trên cơ sở đó lập nên các chiến lược trung hạn và dài hạn”, ông Đinh Viết Duy, ACSC ghi nhận.

Nhưng bên cạnh việc “nhìn ra thế giới”, các thành viên của CLB VNR 500 đều bày tỏ mong muốn ban tổ chức phát huy hơn nữa vai trò kết nối các thành viên.

“Ít có CLB nào quy tụ toàn các “đại gia” trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh như CLB VNR500 nên nếu liên kết được các thành viên sẽ tạo nên sức mạnh rất lớn cho cộng đồng DN Việt”, bà Đào Thị Kiếm, Phó TGĐ Công ty Thép Toàn Thắng chia sẻ.

Tuy nhiên, lâu nay họat động này chưa được như DN kỳ vọng. Ông Duy tâm sự mong có thêm nhiều cuộc giao lưu và chia sẻ ở cấp độ vi mô, cấp độ DN. “Chúng tôi là người làm ăn nếu tăng cường giao lưu giữa các thành viên sẽ thúc đẩy thêm nhiều cơ hội kinh doanh mới. Nhưng chúng tôi chưa thấy VNR 500 thể hiện được vai trò cầu nối bao nhiêu”, ông Duy góp ý.

Cũng như vậy, trao đổi với VietNamNet, ông Hoàng Tùng đề xuất VNR500 cần làm sao để đẩy mạnh sự hợp tác với nhau và hỗ trợ lẫn nhau giữa các DN trong bảng xếp hạng. Theo ông Tùng “điều đó sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho cộng đồng DN VN trong hành trình ra với thế giới”.

Bên cạnh việc tăng cường “kết dính” để khai thác lợi thế của “các DN lớn nhất”, các DN cũng mong muốn những họat động “hậu VNR500” sát sườn DN hơn nữa. Bà Phan Thu Anh, Phó TGĐ Công ty XNK Tổng hợp 1 (Gelexim) cho rằng nội dung của diễn đàn VNR500 và CLB nên thiết thực hơn đến từng vấn đề cụ thể mà DN gặp mỗi ngày trên thương trường.

Đối với năm 2010, bà Thu nhìn nhận: “Năm tới sẽ là năm nhiều khó khăn nhất là về tài chính – tiền tệ, gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã cắt, DN sẽ phải đối mặt với mức vay có lãi suất thuộc diện cao nhất thế giới. Tôi nghĩ, các DN cần có tiếng nói với ngân hàng về chuyện này”.

Nhìn vào sức mạnh quy tụ toàn đại gia của VNR500, không khó hiểu vì sao các DN đặt nhiều kỳ vọng vào các hoạt động “hậu VNR 500”. Đây là điều mà các nhà tổ chức đã và sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong các lần xếp hạng tiếp theo để xứng với niềm tin của cộng đồng DN.