Đây là thời điểm trăm năm có một để DN giải quyết những vấn đề của mình mà trong bối cảnh bình thường chưa chắc đã có thể làm được, vậy nên phải chớp lấy thời cơ.
Không chần chừ
Ông Tom cho rằng, lúc này đã là thời cơ, nên DN cần phải có một sự chuyển mình dứt khoát. Cơ hội không dừng lại để chờ đợi DN chậm trễ. Chọn chiến lược tấn công, chứ không phải phòng thủ. Đánh giá chính xác ta đứng ở đâu trên thương trường, và kế đến là hành động nhanh”.
Toàn cảnh VNR500 SUMMIT 2009. Ảnh: Hoài Sơn |
Theo Tom, thời điểm hiện tại DN phải tăng tốc các thay đổi. Chẳng hạn mở rộng quy mô để có lực cạnh tranh. “Ở Việt Nam, mỗi cửa hiệu cũng có một nhân viên kế toán, nhưng kém hiệu quả. Muốn cạnh tranh, phải thay đổi quy mô”.
“Tuy nhiên thay đổi quy mô không có nghĩa là ôm đồm”, ông Tom phân biệt. Ông nhận xét, các DN Việt Nam muốn làm tất cả mọi thứ. “Phải biết mình đứng ở đâu trong thế giới này. Hãy nên tập trung vào giá trị cốt lõi, đừng bao biện những lĩnh vực mình không xuất sắc, vì như vậy sẽ thua những DN chuyên nghiệp trong lĩnh vực đó”, Tom khuyên
Theo khảo sát của Ernst & Young tại 350 DN hàng đầu thế giới chịu ảnh hưởng của suy thoái, chính trong bối cảnh suy thoái, cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Vì vậy việc DN Việt Nam bao sân mọi lĩnh vực sẽ không có đủ sức để cạnh tran
Tổng biên tập báo VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn và các diễn giả giao lưu với doanh nghiệp. Ảnh: Hoài Sơn |
Một tăng tốc khác, theo Tom, là tăng tốc sáng kiến kinh doanh. Đó chính là khả năng tư duy khác biệt. Hoặc tăng tốc công nghệ thông tin, cũng là điều cần thiết.
Dường như trong hội trường, những cái đầu đều cùng chung một suy nghĩ, là đã đến giờ phải hành động. Tai Hui, Trưởng bộ phận nghiên cứu Kinh tế khu vực Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng 3 yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi là TLC, chữ T là yếu tố thời gian (Time). Đó là thời gian để các biện pháp kích cầu có hiệu lực, và cũng là thời điểm phải quyết định hành động.
Không thể đổ hết lỗi cho khủng hoảng
Năm 2008 và nửa đầu 2009, doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn Tôn Hoa Sen (Hoa Sen Group – HSG) vẫn vượt thời kỳ trước khủng hoảng. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG, cho biết, có 3 điểm giúp HSG vẫn đạt được hiệu quả. Đó là: Trong thuận lợi vẫn nghĩ đến giải pháp cho tình huống khó khăn nhất; Chấp nhận giảm sản lượng, giảm doanh số, nhưng vẫn phải đảm bảo giữ đồng tiền không chết; và ba là mạnh dạn cắt chi phí, tuy nhiên khi kinh doanh phục hồi, DN phải đảm bảo trở lại cho người lao động.
Quyết dịnh thời điểm, chớp lấy thời cơ kiến tạo để phục hồi doanh nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh sau suy thoái. Ảnh: Hoài Sơn |
Thời điểm giảm lương, HSG hứa với nhân viên là khi kinh doanh tốt, sẽ truy trả. Và đến tháng 6/2009, tập đoàn đã giải quyết lại toàn bộ cho người lao động. Nhờ đó, tuy cắt giảm chi phí, nhưng HSG vẫn không mất nhân viên.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận xét: Như vậy, không phải trong khủng hoảng không có DN kinh doanh hiệu quả. Đó là do tầm nhìn của DN mà đưa ra chiến lược đúng lúc. Và quan trọng không kém, đó còn là sự đảm bảo cam kết của DN với khách hàng.
“Không có gì phải quá lo, không phải cứ khủng hoảng là không ai còn làm được gì”, chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn nói. “Vấn đề là DN phải đảm bảo cam kết về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, dĩ nhiên là bên cạnh đó phải có giải pháp phù hợp thời suy thoái”.
Ông Sơn cho rằng không phải cứ mọi sự thất bại đều đổ lỗi do khủng hoảng. Trong bối cảnh bình thường, vẫn có DN thua lỗ, thất bại, đó là do thiếu chiến lược, không giữ đúng cam kết.
Lòng tin và vai trò của Chính phủ
Trong lời phi lộ, Tổng biên tập báo VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn nhận định: “Bức tranh kinh tế toàn cầu và trong đó có Việt Nam đã sáng dần lên”, và trong kết luận bài phát biểu của mình, ông Tai Hui cũng cho rằng “Tệ hại nhất của suy thoái và thu hẹp đã qua”. Tuy nhiên, phục hồi nền kinh tế, bên cạnh giải pháp và nỗ lực của DN, các đại hiểu cho rằng, cần có yếu tố niền tin, thậm chí nhấn mạnh rằng niềm tin là quan trọng nhất.
Trong 3 yếu tố TLC mà ông Tai Hui nêu ra, chữ C là lòng tin. “Đây là yếu tố quan trọng nhất cho sự phục hồi. Nếu DN tư nhân vẫn dè dặt đầu tư, thì phục hồi vẫn chậm”.
Tom Herron cũng cho rằng, lòng tin là yếu tố hàng đầu. Có niềm tin thì DN mới đầu tư, người dân mới dám tiêu dùng, giải quyết được tình trạng thụ động.
Tuy nhiên niềm tin ấy không tự nhiên mà có, mà nó được tạo ra từ bối cảnh nền kinh tế và từ người nhạc trưởng của một quốc gia, đó là Chính phủ. Ông Tai Hui cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn có phần đắn đo, một phần vì tính thanh khoản, một phần vì vẫn còn thấy một số thách thức. Theo Tom, “Việt Nam vẫn là điển đến của đầu tư, việc thu hút có tốt hay không, còn do ở động thái của Chính phủ trong việc có những quyết sách tốt, để ra niền tin”.
VNR500 SUMMIT 2009 vừa là nơi trao đổi tìm giải pháp, mà cũng còn là nơi chia sẻ những mối quan tâm, những ưu tư của các DN, chuyên gia hàng đầu về những vấn đề của nền kinh tế vĩ mô, của công cuộc quản lý và phát triển kinh tế của đất nước, quốc gia.
Có thể thấy, chính trong bối cảnh khó khăn, DN đặt niềm tin rất lớn vào Chính phủ. Trong giờ giao lưu với diễn giả, ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thái Tuấn, nêu lên những suy nghĩ tâm huyết của mình về quản lý kinh tế vĩ mô, như chiến lược đầu tư, thương hiệu, nguồn nhân lực, hầu hết đều rơi vào quyết sách của Chính phủ.
Còn chuyên gia Trần Sỹ Chương, người dẫn chương trình giao lưu, cũng cho rằng, kinh tế vĩ mô rát quan trọng, “nó như cơm ăn, hơi thở, một thay đổi của nó có ảnh hưởng quyết định đến DN”. Mà điều hành kinh tế vĩ mô không ai khác, chính là Chính phủ.
-
Đặng Vỹ