Trang chủ » Thế giới » Minh bạch – xu hướng khách quan mới thời đại Internet

Minh bạch – xu hướng khách quan mới thời đại Internet

Tác giả:

Vô tư, công khai và có chính kiến

Fox News – một trong những thương hiệu “con cưng” của ông trùm Rupert Murdoch cũng như News Corporation – hiện đang giữ vị trí hàng đầu trong làng truyền thông Mỹ. Năm 2010, theo ước tính của đơn vị nghiên cứu SNL Kagan, kênh thông tin nổi tiếng này đã mang lại số tiền lãi hơn 800 triệu đô la (lợi nhuận thu về là 1.5 tỉ đô) – nhiều hơn cả CNN và MSNBC cộng lại.

Thành lập năm 1996 bởi Roger Ailes, cựu tư vấn truyền thông cho ba vị chủ tịch Đảng Cộng Hòa ở Mỹ, Fox đặc biệt thích hợp với những độc giả có phần ‘bảo thủ’. Mặc dù đã tuyên bố không thiên vị bên nào, Fox News, với những tên tuổi nổi tiếng như Bill O’Reilly và Sean Hannity , vẫn thường đăng tải bình luận hay quan điểm cánh hữu rõ nét. Fox News nổi tiếng vì các quan điểm được đưa ra, hơn là nổi tiếng vì lợi nhuận thu được. Bill Shine của Fox News chia sẻ: “Chúng tôi cung cấp cho mọi người những ý kiến không nơi nào khác đăng tải”.

Hiện nay, Internet đang tràn ngập hàng triệu nguồn tin; do đó nhu cầu được cung cấp cái nhìn sâu sắc về các vấn đề trở nên lớn hơn bao giờ hết. Thực tế, Fox không phải là kênh thông tin duy nhất dám nêu quan điểm riêng và thu được nhiều lợi nhuận từ việc này – các ví dụ nổi bật khác còn có “Daily Show” của Jon Stewart hay kể cả The Economist. Phil Griffin, chủ tịch MSNBC – trang tin gần đây tuyên bố nghiêng về bên tả – cho rằng: trang của chúng tôi không thực sự gắn kết mật thiết với chính trị như Fox, nhưng chúng tôi cũng có bước tiến trong quan điểm của mình”.

Trong khi đó, CNN tiếp tục tỏ ra có phần thua kém các đối thủ. Chủ tịch Griffin của MSNBC (trước kia đã từng làm cho CNN), cho rằng CNN sở dĩ có phần “hụt hơi” trong cuộc chay đua do nội dung tin tức “kém thu hút”. Tuy nhiên, tổng biên tập CNN, ông Mark Whitaker, phản bác: trang tin (hiện vẫn mang lại lợi nhuận khổng lồ) của ông nổi tiêng với tin tức được truyền tải nguyên bản và tránh những ý kiến “rẻ tiền”, và còn cung cấp thông tin trên toàn thế giới với mức độ phủ quát rộng hơn các đối thủ. Ông cho rằng: trong thời đại hiện nay, mỗi người rất cần có chính kiến riêng, nhưng không nhất thiết ý kiến đó phải bắt nguồn từ một phe cánh nào.

Quan niệm nhà báo cần giữ cái nhìn vô tư trong công việc thực tế khá mới mẻ. Joshua Benton, chuyên viên nghiên cứu của Phòng báo chí Nieman, nhận định: “Hiện nay đã có rất nhiều nhà báo coi trọng quan điểm này, nhất là khi báo chí dần trở thành thứ vũ khí trong nhiều bối cảnh kinh tế hay lịch sử”. Nước Mỹ vốn khuyến khích nền báo chí sôi nổi, mạnh mẽ, thiên lệch mà không hề có đăng kí báo chí hay chính sách về nội dung. Phải đến thế kỷ 19 báo chí mới dần dần khách quan hơn, thu hút nhiều đối tượng độc giả hơn, và dĩ nhiên, thu được nhiều lợi nhuận hơn. Các thương vụ hợp nhất và sự xuất hiện của các tờ báo độc quyền ở địa phương cũng thúc đẩy sự khách quan trong các bài báo. Benton lý giải: “Khi chỉ có duy nhất tờ báo của bạn trong thành phố, bạn không thể “liều lĩnh” ngả theo một bên”.

Sang đầu thế kỉ 20, báo chí ngày càng chuyên nghiệp hơn và mang quan điểm vô tư hơn. Dường như đã có “thỏa thuận” giữa báo chí và các công ty quảng cáo – nhà báo đồng ý không “xa lánh” bất kỳ ai, nhờ đó quảng cáo có thể hướng tới đối tượng là tất cả mọi người. bằng cách đó, các nhà xuất bản mở rộng thị trường và công việc của nhà báo cũng ổn định hơn, dù họ không nêu ra quan điểm theo cách trước đây nữa. Sự khách quan như thỏa thuận chung đạt được giữa các bên. Khi radio và TV ra đời, sự khách quan càng được giới báo chí ưu ái, nhất là các nhà xuất bản tư, để mở rộng đối tượng độc giả cũng như mời gọi quảng cáo, tránh những rắc rối không cần thiết.

Tuy nhiên, dường như xu hướng ở mỗi quốc gia đều rất khác biệt. Ở châu Âu, đảng phái công khai trên mặt báo là rất phổ biến và các kênh truyền hình nhà nước đều bày tỏ lòng trung thành đảng phái riêng: 3 kênh truyền hình của Ý ủng hộ từng bên cụ thể; hay ví dụ như với BBC, người ta sẽ rất ngạc nhiên nếu gọi BBC là tờ báo không nghiêng về quan điểm chính trị nào. Hay như ở Ấn Độ, 81 trong số hơn 500 kênh truyền hình vệ tinh mới xuất hiện trong vòng 20 năm nay là kênh tin tức, và hầu hết phục vụ cho một nhóm chính trị, tôn giáo hay ngôn ngữ cụ thể. Chỉ rất ít kênh là thực sự khách quan.

Sự tham gia của Internet cũng ảnh hưởng lớn tới vấn đề này. Ở Mỹ, Internet làm suy yếu độc quyền tin tức địa phương; ở Anh và những nước có đài truyền hình được yêu cầu “công bằng, khách quan” (về lý thuyết), sự kết hợp của truyền hình và website khiến người ta cảm tưởng các quy tắc đó đã lỗi thời. Internet đã rút ngắn vòng quay tin tức, với các bài đăng mới ra thường xuyên hơn, và do đó nhu cầu các bài phân tích cũng lớn hơn và cấp thiết hơn.

Hơn nữa, Internet cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết cho việc thu thập và tổng hợp các quan điểm trái chiều – đó là ý kiến của Krishna Bharat, sáng lập viên của Google News. Ý tưởng Google News đến với ông sau thảm họa 11/9/2001, sau khi ông hết sức tức giận vì cố gắng có cái nhìn toàn cảnh hơn nhưng không hiệu quả với tin tức từ rất nhiều nguồn khác nhau. Theo ông, cần có địa chỉ tin cậy cho những bài báo như thế. Như vậy, bằng cách làm yếu đi rất nhiều “sự khách quan” theo nghĩa truyền thống, Internet khiến cho các hãng tin bị “Fox” hóa và quay trở lại nền truyền thông thế kỉ 18 và đầu 19.

Tuy nhiên, không phải tất cả các hãng tin đều cần có quan điểm chính trị công khai.  Các nhà báo có thể nêu cao sự khách quan bằng cách trích dẫn lời nói của những người khác và tránh đưa ra kết luận, dù sự thực đã rõ ràng. Whitaker của CNN chia sẻ: “Có những thời điểm CNN bị chỉ trích vì đứng trung lập – không chỉ về mặt đảng phái chính trị và còn bởi không thực sự có địa vị. Hiện nay, chúng tôi đã quan tâm hơn tới việc bày tỏ quan điểm và ý kiến, nếu quan điểm đó phù hợp với thực tế khách quan”.

Minh bạch là xu hướng khách quan mới

Theo giáo sư Rosen của đại học NewYork, xu hướng phát triển mới là từ bỏ ý tưởng không có chính kiến và chấp nhận báo giới có nhiều quan điểm khác nhau; cần có cái nhìn thoáng hơn về vấn đề này và sử dụng sự minh bạch , hơn là sự khách quan, để xây dựng lòng tin đối với độc giả. Điều này cũng một phần được minh họa khi các nhà báo cung cấp thông tin cá nhân tới độc giả. Ví dụ, trên AllThingsD, trang web công nghệ của Dow Jones, tất cả các phóng viên cung cấp thông tin cá nhân (đôi khi cả về cuộc sống riêng của họ). theo quan điểm của Rosen, báo chí sẽ được tin tưởng hơn nếu độc giả biết rõ hơn về nhà báo.

Sự minh bạch cũng có nghĩa là kết nối chặt chẽ giữa các nguồn và các số liệu – điều mà Internet đang chứng tỏ sức mạnh. Ezra Klein, một cây bút của Washington Post, nêu ý tưởng các hãng tin nên đăng toàn bộ chi tiết các cuộc phỏng vấn trên các trang trực tuyến. Julian Assange – ông chủ WikiLeaks – cũng nêu ý kiến tương tự: Bạn không thể xuất bản một tờ báo về vật lý mà không đăng tải các số liệu và kết quả thí nghiệm.”.  Và cuối cùng, dường như mọi người đều đồng ý rằng: Sự khách quan là công thức của niềm tin và giờ đây bằng việc kết nối chặt chẽ các nguồn tin và số liệu, báo chí đã làm được điều này.