Diễn đàn kinh tế Việt Nam – VEF

Còn nhiều văn bản làm khó doanh nghiệp















Hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách phải lấy cộng đồng doanh nghiệp làm trung tâm. Nên trao thêm quyền cho doanh nghiệp.

 

“Để phát triển bền vững, về lâu dài Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ các thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Đây là các nút thắt gây cản trở rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Nếu chúng ta gỡ được nút thắt thể chế thì hai nút thắt còn lại cũng sẽ được gỡ”. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, đã nhấn mạnh như vậy tại lễ công bố báo cáo phát triển Việt Nam 2010 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm qua, 21-1.

 

Tác động xấu đến thị trường

Chủ đề báo cáo năm nay WB đưa ra là các thể chế hiện đại. Thể chế được WB định nghĩa là các chính sách thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các cơ quan công quyền với người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Dù có những đổi mới rất lớn nhưng có không ít văn bản chính sách đã gây khó cho hoạt động của DN, tác động xấu đến thị trường và người tiêu dùng.

 

Bà Phạm Chi Lan dẫn chứng: Tác động rõ rệt nhất mà có thể thấy là Luật DN được ban hành với tinh thần là trả lại quyền tự do kinh doanh cho người dân. Hay Luật Đầu tư… đã tạo nên làn sóng đầu tư mới, thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước…

Một điểm rất đáng lưu ý trong báo cáo là cơ chế lương trong công chức nhà nước có thu nhập cao hơn khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, lương cơ bản chỉ chiếm 30% tổng thu nhập.

Theo bà Phạm Chi Lan, điều này phần nào cho thấy bất cập hệ thống lương hiện nay của chúng ta. Nếu lương thấp hơn bổng, lương chỉ chiếm 30%, còn bổng là 70% tổng thu nhập thì chắc chắn sẽ có nhiều méo mó trong hệ thống tiền lương. Lương phải là chính, công chức phải sống bằng lương chứ không phải bằng bổng, lộc.

 

 

 

Còn về tác động xấu, “Có thể thấy việc lo ngại lạm phát cao sẽ có thể trở lại vào năm nay nên việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ đã khiến DN đang chịu sức ép rất lớn khi vay tín dụng với lãi suất cao. Hay là thời gian qua, chúng ta đã có quá nhiều ưu đãi cho các tập đoàn, công ty lớn của nhà nước. Điều này gây khó khăn nhất định cho các DN tư nhân, DN nhỏ và vừa trong việc tiếp cận về vốn, đất đai… Việc cho phép các DN nhà nước kinh doanh đa ngành, doanh nghiệp điện nhưng không lo sản xuất điện mà lại đổ vốn sang lĩnh vực bất động sản, viễn thông… thì chắc chắn Việt Nam sẽ thiếu điện triền miên” – bà Chi Lan nêu.

 

Nên trao thêm quyền cho DN

 

Ông James Anderson, chuyên gia quản trị nhà nước cao cấp của WB tại Việt Nam, nhận định cải cách hệ thống hành chính đang được đánh giá là đạt được những bước tiến ban đầu thể hiện trong Đề án 30.

 

Chia sẻ quan điểm này, bà Phạm Chi Lan cũng bày tỏ: “Đề án 30 được xem là cải thiện rất lớn môi trường đầu tư của Việt Nam. Thực tế, 5.700 thủ tục hành chính thì quả là quá lớn, gây tiêu tốn nguồn lực cho bộ máy nhà nước và chi phí của toàn xã hội”.

 

Để cải thiện được môi trường đầu tư, bà Phạm Chi Lan đề xuất: Ưu tiên cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam nên làm theo hướng hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách lấy cộng đồng kinh doanh, người dân làm trung tâm. Nếu không sẽ có nhiều chính sách được ban hành chỉ mang lại thuận lợi cho cơ quan quản lý mà gây khó cho cộng đồng DN và người dân.

 

Bà Lan cũng cho rằng thời gian tới, Việt Nam cần thu hẹp các cơ quan đầu mối bằng cách chuyển đổi, sắp xếp lại các bộ ngành ở trung ương. Thực tế, vừa qua đã có việc sát nhập một số bộ nhưng việc sắp xếp của các cơ quan đầu mối thì lại chưa đạt được hiệu quả. Số lượng biên chế trong các bộ vẫn cồng kềnh. Bên cạnh đó, các cơ quan vẫn ôm khá nhiều việc như xây dựng các chính sách luật pháp, quản lý vĩ mô; giám sát và điều hành trực tiếp các DN nhà nước, đồng thời giám sát DN kinh doanh thuộc lĩnh vực mà bộ quản lý… Như một thứ trưởng Bộ Công thương thì mới được giao làm chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam… Đúng ra, quyền hạn của các bộ sẽ phải trao bớt cho DN và người dân, cho các địa phương và các tổ chức khác.

 

Pháp Luật TPHCM Online

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Exit mobile version