Trang chủ » Tranh luận » Việt Nam mất lợi thế khi thành nước thu nhập trung bình

Việt Nam mất lợi thế khi thành nước thu nhập trung bình

Tác giả:

Nhà báo Lan Hương: Kính chào quý vị độc giả của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thế giới đang chuyển dịch về phương Đông. Cùng hòa vào dòng chảy này của thế giới, châu Âu đang xích lại gần châu Á, đặc biệt trên lĩnh vực hợp tác kinh tế.

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm hợp tác Việt Nam – EU cuối năm 2010, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định đó là mối quan hệ “lâu dài, phát triển không ngừng, nhanh chóng, thay đổi về chất” một cách toàn diện trên các lĩnh vực cũng như trong hợp tác đối phó với các thách thức toàn cầu.

Rõ ràng vị trí địa chính trị, địa kinh tế của hai bên có tầm quan trọng và cả hai bên đều đã nhận ra điều đó.

Đáp lại lời ông Khoan, ông Sean Doyle, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam nhận định mối quan hệ giữa hai bên đã thay đổi, chuyển từ “dự án” sang “chương trình”, chuyển từ “hỗ trợ chính sách” sang “hỗ trợ kinh tế”.

Có mặt tại studio của VEF hôm nay là ông Sean Doyle, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu EU và ông Vizi László, Đại sứ Hungary tại Việt Nam. Từ tháng 1/2011, Hungary chính thức giữ chức chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng. Hai vị khách mời sẽ cùng thảo luận về mối quan hệ kinh tế Việt Nam – EU và những bài học từ EU trên con đường công nghiệp hóa.

Với tổng số vốn ODA cam kết trong giai đoạn 1996 – 2009 là 10 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) hiện là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về viện trợ phát triển chính thức ODA cho Việt Nam. Việt Nam vốn bị đánh giá là giải ngân ODA khá chậm. Thưa đại sứ Sean Doyle, ông đánh giá ra sao về thực trạng sử dụng ODA của Việt Nam?

Trưởng phái đoàn EU Sean Doyle: Vốn ODA mà EU cấp cho Việt Nam được chia thành các hình thức khác nhau. Thứ nhất là viện trợ không hoàn lại khoảng 1 tỉ USD, được dùng cho các hoạt động trao đổi chuyên gia, hợp tác đào tạo nâng cao năng lực cho các bộ ngành, hỗ trợ cải cách thể chế…

Hai là vốn hỗ trợ ngân sách, được cấp trực tiếp cho ngân khố của Việt Nam. Cùng với các nhà tài trợ khác, nguồn vốn này của EU hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các dự án chống tham nhũng và xóa đói giảm nghèo.

Tôi nghĩ vấn đề về sử dụng ODA tại Việt Nam chủ yếu nằm ở các khoản vay, mà EU không phải là nhà cung cấp lớn nhất. Theo tôi các nguồn vốn vay này chưa được kiểm soát chặt chẽ. Với các khoản viện trợ không hoàn lại, các nhà đầu tư phải được biết chính xác tiền được dùng như thế nào, với các khoản vay thì không giống như vậy.

EU đang là nhà tài trợ ODA lớn thứ G cho Việt Nam, nhưng chủ yếu là viện trợ không hoàn lại. Còn các nhà tài trợ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á… mới là các nhà cung cấp vốn vay lớn. Đó là số vốn mà Việt Nam sẽ phải trả nợ.

Hai đại sứ đều khẳng định sẽ tiếp tục viện trợ ODA cho Việt Nam trong các năm tới. Ảnh: Phạm Hải

Nhà báo Lan Hương: Tuy nhiên, cơ chế tài trợ hiện thời của EU với Việt Nam sẽ kết thúc vào cuối năm 2013. Hiện Việt Nam đã bước vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, thay vì nhóm nước nghèo nên trong năm 2011, EU sẽ nghiên cứu một cơ chế tài trợ hiện đại, phù hợp hơn với Việt Nam. Xin ông cho biết cơ chế đó sẽ được điều chỉnh như thế nào?

Trưởng phái đoàn EU Sean Doyle: Nguyên tắc của việc tài trợ, viện trợ vẫn dựa trên nhu cầu và hiệu quả hoạt động của Việt Nam. Về nhu cầu, hiện Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nhưng vẫn còn nhiều người nghèo, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu sổ. Các khu vực chậm phát triển này vẫn có nhu cầu lớn về vốn, vì vậy EU sẽ tiếp tục tài trợ cho các khu vực này.

Còn về hiệu quả hoạt động, tôi nghĩ Việt Nam đang sử dụng các nguồn vốn này rất tốt.

Nhà báo Lan Hương: Theo hai ông, liệu kinh tế Việt Nam có bị “hụt hẫng” không khi bị giảm tài trợ đột ngột? Việt Nam nên có sự chuẩn bị như thế nào trước tình thế này?

Trưởng phái đoàn EU Sean Doyle: Tôi không nghĩ đây là một vấn đề quá nghiêm trọng. Việt Nam mới bước qua tiêu chuẩn về thu nhập bình quân đầu người để trở thành một nước có thu nhập trung bình, cần ít nhất 3 năm nữa để Việt Nam củng cố được vị trí này, vì vậy đây là một quá trình diễn ra từ từ. Rất nhiều nước có thu nhập trung bình trên thế giới vẫn đang tiếp tục tiếp nhận các hình thức hỗ trợ về vốn và tài chính từ bên ngoài.

Điều khác biệt giữa Việt Nam và các nước nghèo khác là đất nước Việt Nam rất năng động. Vì thế điều chúng tôi mong đợi là trong tương lai chúng tôi sẽ có thể thay đổi phương thức hỗ trợ cho Việt Nam, nghiêng dần về hướng hợp tác, khoa học công nghệ, đối thoại chính sách, an ninh quốc phòng… Đó mới là những lĩnh vực EU có thể hỗ trợ VN hiệu quả nhất.

Đại sứ Hungary Vizi László: Việt Nam không phải là một nước phụ thuộc quá nhiều vào tài trợ. Nhưng chắc chắn các nước tài trợ cũng không có ý định rút ra khi Việt Nam bước vào danh sách các nước có thu nhập trung bình. Hungary là một ví dụ.

Hungary trở thành nước tài trợ chính thức cho Việt Nam từ năm 2004. Kể từ đó, Hungary luôn tham gia đầy đủ vào các Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam. Và Hungarry vẫn sẽ duy trì các chương trình tài trợ cho Việt Nam ngay cả khi VN trở thành nước có thu nhập trung bình.

Hungary tài trợ cho Việt Nam theo hai hình thức: viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ODA ưu đãi cao. Như đại sứ Doyle đã nói, hầu hết các thành viên EU thường cung cấp viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam nhưng Hungary là một ngoại lệ, chúng tôi cung cấp cho VN phần lớn là các khoản vay ODA ưu đãi cao.

Tuy các khoản viện trợ không hoàn lại không chiếm phần lớn nhưng tôi nghĩ chúng có vai trò lớn đối với sự phát triển của Việt Nam. Vì Hungary chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm về quá trình chuyển đổi, và chúng tôi biết rằng các khoản viện trợ này vẫn rất cần thiết cho VN kể cả khi các bạn đã đạt đến tiêu chuẩn thu nhập trung bình.

Đại sứ Vizi László: “Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình. Lương nhân công sẽ không thể tiếp tục thấp và nhân công rẻ không còn là lợi thế lớn của Việt Nam.” Ảnh: Phạm Hải

Cần hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Nhà báo Lan Hương: Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) cuối năm 2010, các nhà tài trợ lớn đều cảnh báo nguy cơ Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Ông có thể nói rõ hơn về bẫy này và nguy cơ của Việt Nam? Có thể nói, Hungary là nước không bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt khoảng 13.000 USD, nếu tính theo sức mua thì lên tới 18.500 USD. Thưa ngài Đại sứ Vizi László, liệu ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của nước ông?

Đại sứ Hungary Vizi László: Tôi không cho rằng vấn đề này ở Việt Nam và Hungary là hoàn toàn giống nhau. Việt Nam đã tiến hành đổi mới mở cửa cũng như hội nhập kinh tế thế giới nhờ vào nội lực. Lợi thế của Việt Nam là nhân công đông đảo và mô hình kinh tế là dựa vào xuất khẩu các sản phẩm ít có giá trị gia tăng. Việt Nam đã thành công nếu xét đến tốc độ tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người, xoá đói giảm nghèo và cải thiện đời sống xã hội.

Tuy nhiên mô hình kinh tế này cũng có những bất lợi, đặc biệt khi Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình. Lương nhân công sẽ không thể tiếp tục thấp và nhân công rẻ không còn là lợi thế lớn của Việt Nam. Việt Nam cần thay đổi mô hình kinh tế theo hướng gia tăng giá trị của hàng hoá, gia tăng hàm lượng công nghệ trong các ngành công nghiệp và trong nguồn nhân lực.

Vì thế, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo một cách bền vững đang là thách thức đối với Việt Nam. Tôi đã thấy những thách thức này được chỉ ra trong các kì họp Quốc hội gần đây và nhất là Đại hội Đảng vừa qua. Những thách thức này và nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình của VN cũng đã đưa vào các cuộc thảo luận gần đây của Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam.

Trưởng phái đoàn EU Sean Doyle: Bẫy thu nhập trung bình thực ra là nguy cơ tham nhũng. Nước nào cũng gặp vấn đề này nhưng nó đặc biệt nguy hiểm với các nước đang tăng tốc để vươn lên một mức độ cao hơn.

Nó nguy hiểm ở chỗ, nền kinh tế có thể bị đảo chiều tăng trưởng nếu khủng hoảng kinh tế khiến nền kinh tế gặp khó khăn. Thậm chí nền kinh tế có thể bị tê liệt, khi mà bất chấp hoạt đông kinh doanh tạo ra bao nhiêu của cải cho xã hội, tham nhũng đều “cướp” hết về túi những người có chức quyền do thiếu sự minh bạch.

Đó là nguy cơ, và nó đã xảy ra ở nhiều nước, một vài gia đình giàu có thao túng cả đất nước như trường hợp đã có ở Nam Mỹ. Chỉ một số ít người lại nắm phần lớn của cải và nguồn lực của xã hội và họ chi phối toàn bộ nền kinh tế.

Nhà báo Lan Hương: Malaysia là một trường hợp ít nhiều gây bất ngờ cho các nhà kinh tế bởi nước này đã tăng trưởng nhanh và ổn định trong suốt 25 năm gần đây. Nhưng hiện nay, Malaysia lại bị tắc trong “bẫy thu nhập trung bình”. Mới đây, Thủ tướng Malaysia đã giới thiệu một chương trình cải cách kinh tế mang tên Mô hình Kinh tế mới (New Economic Model), trong đó chỉ ra rằng sự can thiệp quá sâu của chính phủ vào nền kinh tế đang làm tổn thương tới niềm tin của các nhà đầu tư và cản trở bước phát triển của Malaysia. Soi vào tình hình VN, theo ông Việt Nam nên có sự điều chỉnh như thế nào để giảm bớt can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế?

Đại sứ Hungary tại Việt Nam Vizi László: Tôi không phải là chuyên gia về sự phát triển của Malaysia nên không bình luận về phát biểu của Thủ tướng nước này. Tôi không nghĩ Malaysia đang ở trong bẫy thu nhập trung bình và Việt Nam cũng không ở trong bẫy đó vì Việt Nam mới chỉ đạt đến những tiêu chuẩn đầu tiên của mức thu nhập trung bình.

Nhưng tôi thấy, trong giao thương với Trung Quốc, những nước ASEAN có khả năng xuất khẩu linh kiện sang Trung Quốc, như Thái Lan, Malaysia, Singapore…, không gặp phải thâm hụt thương mại với nước này. Những nước ASEAN không có khả năng xuất khẩu linh kiện, ví dụ cho ngành công nghiệp ôtô và điện tử, sang Trung Quốc, như Việt Nam hay Indonesia, đều có mức thâm hụt thương mại cao với nước này.

Chúng ta biết rằng 90% thâm hụt thương mại của Việt Nam là qua giao thương với Trung Quốc, vì VN xuất khẩu sang Trung Quốc phần lớn là sản phẩm thô sơ, chứ chưa phải linh kiện.

Vì thế tôi có 1 kiến nghị đối với việc tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam là tập trung hơn vào việc sản xuất và xuất khẩu linh kiện, để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi đó chính là ý nghĩa của việc toàn cầu hóa.

Nhà báo Lan Hương: Còn về vai trò của kinh tế nhà nước và sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế?

Trưởng phái đoàn EU Sean Doyle: “Vốn đầu tư mà Nhà nước bỏ phải tạo ra lợi nhuận phục vụ cho số đông người dân.” Ảnh: Phạm Hải

Trưởng phái đoàn EU Sean Doyle: Theo tôi vấn đề nguyên tắc là nằm ở hiệu quả hoạt động. Vốn đầu tư mà Nhà nước bỏ phải tạo ra lợi nhuận phục vụ cho số đông người dân. Nếu khu vực kinh tế nhà nước hoạt động không hiệu quả và thiếu minh bạch thì đó là nguy cơ lớn.

Tuy nhiên, vấn đề này đã được Đảng và Chính phủ Việt Nam nhìn nhận và chỉ ra, đặc biệt là trong Đại hội Đảng vừa qua. Thế nên chắc chắn sẽ có những giải pháp được đưa ra trong thời gian tới, như chúng đã và đang được đưa ra. Đây là một vấn đề rất quan trọng nếu như Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và mạnh hơn.

Đại sứ Hungary Vizi László: Với những kinh nghiệm mà chính châu Âu đã trải qua trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa rồi, chúng tôi cũng thấy rằng cuộc khủng hoảng đã làm bộc lộ những khiếm khuyết của thị trường tự do. Nó cũng chỉ ra yêu cầu đối với sự quản lý điều hành, sự liên kết kinh tế chặt chẽ hơn, cũng như những cơ chế ổn định kinh tế hiệu quả hơn.

Vì vậy, vấn đề đặt ra không phải là nhà nước có nên can thiệp hay quản lý thị trường hay không, mà là nhà nước làm việc đó có hiệu quả không.

Hội nhập là động lực hoàn thiện thể chế

Nhà báo Lan Hương: Đại hội Đảng Cộng sản VN lần thứ 11 thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo VN với mục tiêu 2020 trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại. Trước mắt đối với VN là đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Hungary đã thành công trong chuyển đổi mô hình và trở thành nước có thu nhập cao. Ông có chia sẻ kinh nghiệm gì với VN hiện nay?

Đại sứ Hungary Vizi László: Hungary hơi khác Việt Nam về mô hình phát triển. Chúng tôi đã có sự thay đổi lớn về kinh tế và chính trị bắt đầu từ năm 1989 -1990. Từ thời điểm đó, Hungary đã phát triển nền kinh tế theo định hướng thị trường tương tự ở Việt Nam, dù Hungary có môi trường chính trị khác. Chính vì thế mà chúng tôi rất muốn chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc xây dựng thế chế hay quản lý số liệu thống kê, thông qua các dự án ODA ở Việt Nam.

Một điểm khác nữa mà tôi nhận thấy qua việc nghiên cứu các văn kiện Đại hội Đảng và rồi, đó là VN xác định kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là chủ đạo của nền kinh tế. Ở Hungary, chúng tôi chọn mô hình kinh tế khác.

Tuy vậy, chúng ta cũng có những điểm tương đồng. Chúng tôi cũng chọn phương cách gia nhập tổ chức liên kết lớn trong khu vực, Liên minh châu Âu, vào năm 2004 sau một thời gian dài là ứng cử viên. Đó cũng chính là cơ hội cho chúng tôi hoàn thiện thể chế và đường lối quản lý kinh tế.

Việt Nam cũng đã gia nhập ASEAN năm 2005, gia nhập WTO 2007. Đó là động lực cho Việt Nam, đặc biệt là quá trình vận động gia nhập WTO, thay đổi cả về điều hành kinh tế và thế chế để đáp ứng những đòi hỏi của tổ chức này.

Bước vào sân chơi toàn cầu, Việt Nam vừa có cơ hội, vừa chịu sức ép khi mở toang thị trường trong nước. EU là một thị trường lớn đầy tiềm năng nhưng cũng vô cùng khắt khe. Những sản phẩm truyền thống của VN đều đã gặp khó khăn khi tìm đường vào châu Âu do những hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Vậy doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị như thế nào để tấn công vào thị trường này? Bài học từ khủng hoảng nợ công ở châu Âu đối với Việt Nam là gì?

Mời quý độc giả đón đọc phần tiếp theo của buổi trực tuyến với hai ngài đại sứ vào ngày mai.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam