Diễn đàn kinh tế Việt Nam – VEF

Cùng đường xoay vốn: DN bán cổ phiếu giá bèo

Ồ ạt tung chiêu gọi vốn

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam vừa thông báovề việc Công ty Cổ phần Thủy sản Số 4 (TS4) đăng ký mua cổ phiếu phát hành thêm với tỷ lệ 1:1 với giá bằng mệnh giá. Không chỉ bán cổ phiếu cho cổ đông, TS4 còn tăng vốn thông qua trả cổ tức 2012 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%).

Các thông tin tích cực gần đây là cơ sở giúp DN thủy sản này đẩy nhanh quá trình tìm nguồn vốn trong bối cảnh lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm mạnh nhưng việc vay vốn vẫn không hề dễ dàng và TS4 vẫn còn con số nợ ngắn hạn khá khủng.

Mùa đại hội cổ đông năm nay, điều khiến nhiều cổ đông ngạc nhiên là rất nhiều DN đã đưa ra phương án huy động vốn từ cổ đông, cán bộ công nhân viên, nhà đầu tư chiến lược… cho dù thời điểm hiện nay việc phát hành thêm cổ phiếu không hề dễ dàng so với thời kỳ TTCK sôi động mấy năm trước đây.

Nhiều phương án tăng vốn được đưa ra với mức độ khá khủng, gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí gấp hơn 3 lần vốn hiện tại của các doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Liên doanh SANA WMT (ASA) cho biết, doanh nghiệp thông qua phương án phát hành 7 triệu cổ phần với giá bán bằng mệnh giá để tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 100 Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) dự kiến phát hành 100 triệu cổ phần với giá dự kiến 10.000 đồng/cp để tăng vốn gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng trong năm nay.

Trước đó, đại gia tôm Minh Phú (MPC) thậm chí còn tính hủy niêm yết để huy động cả nghìn tỷ đồng từ các thành viên mới, bổ sung vốn cho DN trong bối cảnh đã vay nợ khá nhiều trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh không thực sự suôn sẻ.

Nhiều doanh nghiệp tính đủ phương án để có thể huy động vốn từ cổ đông, từ nhà đầu tư chiến lược… như: TRA (phát hành giá rất rẻ 20.000 đồng/cp, so với mức giá trên 130.000 đồng hiện tại); DCS, TTF (phát hành dưới mệnh giá); VDS (phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức, cổ tức cố định ở mức 12%/năm, tối đa trong 3 năm)…

Hàng loạt các doanh nghiệp khác cũng đã lên kế hoạch tăng vốn mạnh nhưng chưa đưa ra kế hoạch, chiêu trò cụ thể như: DIG (dự kiến tăng vốn lên 1.600 tỷ); SEC (tăng vốn gấp đôi trong 2013); GIL (dự kiến phát hành 200 tỷ trái phiếu chuyển đổi); PVX (tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng)…

Không dễ thuyết phục cổ đông

Có thể thấy, nếu như trước đây các DN ồ ạt phát hành thêm cổ phiếu để mở rộng quy mô, đầu tư vào hàng loạt các dự án thì giờ đây xu hướng tăng vốn qua phát hành cổ phiếu lại nhằm mục đích đảm bảo an toàn tài chính, đảm bảo tính thanh khoản, bổ sung vốn lưu động… giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn.

Phương án huy động vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu rõ ràng là một lựa chọn không tồi trong bối cảnh hiện nay bởi nó có một ưu điểm rất lớn là doanh nghiệp không phải gia tăng nợ nần, không phải trả lãi, tình hình tài chính được cải thiện.

Tuy nhiên, việc huy động vốn thông qua cách này giờ đây không phải dễ dàng. Nếu như trong những năm 2010-2011, hoặc trước đó nữa, thông tin phát hành cổ phần tăng vốn được nhà đầu tư săn đón nồng nhiệt, thì giờ đây các phương án huy động vốn phải thường phải đi kèm với ưu đãi nhất định.

Trong trường hợp VDS, để bán được bằng mệnh giá, cổ phiếu phát hành thêm được liệt vào dạng ưu đãi cổ tức. Đây có thể được coi là phần bù đắp cho các cổ đông do không được hưởng lãi ngân hàng.

Các trường hợp khác, cổ phiếu được bán với giá thấp hơn mệnh giá, thấp hơn giá trị sổ sách, hoặc cao hơn mệnh giá nhưng thấp hơn nhiều so với giá trên thị trường; hoặc doanh nghiệp phải chấp nhận mời đối tác ngoại vào để chia sẻ thị trường trong nước…

Có thể thấy, cổ đông bỏ tiền vào doanh nghiệp thường kỳ vọng vào cổ tức, biến động giá cổ phiếu hoặc để thực hiện chiến lược M&A. Trong bối cảnh hiện tại, kỳ vọng vào biến động giá không còn được như xưa, chưa muốn nói tới khả năng có thể giá còn đi xuống. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu chào bán thậm chí còn cao hơn thị giá do vậy kỳ vọng giờ đây được đặt vào cổ tức.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, đại đa phần các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn chứng khoán trong năm vừa qua trả cổ tức rất bèo bọt. Rất nhiều doanh nghiệp từ lớn tới nhỏ đã cắt giảm cổ tức, trì hoãn trả cổ tức, không trả cổ tức, thậm chí lên kế hoạch vài năm tới không trả cổ tức.

Hơn thế, việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn có thể giúp doanh nghiệp bớt căng thẳng về dòng tiền. Tuy nhiên, phát hành thêm cũng đồng nghĩa với việc cổ phiếu bị pha loãng và lợi nhuận/cổ phiếu (EPS) rất có thể sẽ giảm xuống, theo đó cổ tức sẽ còn thấp hơn nữa.

Điều mà có lẽ nhiều cổ đông trông chờ có lẽ là các kế hoạch sử dụng đồng vốn tăng thêm phải được vạch ra rất rõ ràng, không ào ào, lộn xộn như các năm trước đây. Doanh nghiệp lỗ khủng không có nghĩa là không hồi phục được. Điều quan trọng là khi doanh nghiệp chỉ còn biết trông chờ vào cổ đông hiện hữu thì cũng cần tôn trọng những người sẽ bỏ tiền giúp doanh nghiệp phục hồi. Các cổ đông nhỏ lẻ cho đến các cổ đông cá nhân lớn phải được đảm bảo lợi ích, tránh hiện tượng lợi ích nhóm khiến DN dần trở thành một xác chết không hồn.

Exit mobile version