Trang chủ » Tranh luận » Y tế xuống cấp, nông dân tin vào thầy lang

Y tế xuống cấp, nông dân tin vào thầy lang

Tác giả:

Một nghiên cứu hiệu quả của dịch vụ công ở nông thôn vừa được Trung tâm Phát triển Nông thôn (thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Quỹ châu Á tổ chức hội thảo công bố (26/7) thực hiện cho thấy, nhiều dịch vụ công ở khu vực này chất lượng thấp, xuống cấp khiến người dân mất tin và tìm đến các dịch vụ phi chính thức.

Theo ông Hoàng Vũ Quang, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn, ngiên cứu được, ngiiên cứu thực hiện trên 4 dịch vụ: khuyến nông, thú y, nước sạch nông thôn và y tế tại 3 tỉnh Hà Nam, Bình Định và Vĩnh Long trong năm 2011.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng dịch vụ y tế tại nông thôn có sự phân biệt giàu nghèo trong việc tiếp cận các dịch vụ công. Chất lượng dịch vụ không đồng đều giữa các vùng.

Ảnh minh họa

Rất nhiều nơi, ngay cả vùng đồng bằng có chất lượng dịch vụ quá thấp như: huyện Duy Tiên (Hà Nam), Bình Tân, Tam Bình (Vĩnh Long). Đặc biệt. nhiều người dân ở các vùng sâu, vùng xa do điều kiện đi lại khó khăn nên đã tìm đến các dịch vụ y tế phi chính thức như thầy lang, y tế tư nhân … thay vì đến các trạm y tế của xã.

Theo khảo sát, vẫn còn 9/22 huyện, người dân chưa hài lòng về điều kiện hạ tầng của cũng như chất lượng dịch vụ của y tế tuyến xã. Tại nhiều địa phương, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ tại Trạm y tế chỉ đạt 50%. Trong khi đó, những người dân ở các trục đường chính, thị tứ, thị trấn có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế tuyến trên nhiều hơn.

Về dịch vụ nước sạch, đáng buồn là có gần 19% số hộ trả lời họ thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Hơn 13% số hộ được kiểm tra cho rằng gia đình họ có người mắc bệnh liên quan đến sự ô nhiễm của nguồn nước. Ở vùng sâu, vùng xa, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, nước sạch.

Khuyến nông vẫn chỉ tập trung chủ yếu ở hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo, thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình trình diễn. Gần 50% số hộ được hỏi cho biết, họ không được tham gia các chương trình khuyến nông về trình diễn mô hình. Số này tập trung chủ yếu ở các hộ nghèo, họ chỉ được tham gia các hoạt động tập huấn ít có cơ hội tham gia vào mô hình hơn do điều kiện tài chính và kĩ thuật của mô hình.

Bên cạnh đó, dịch vụ thú y vẫn bộc lộ nhiều yếu kém. Vấn đề tiêm phòng vẫn bị coi nhẹ, tỉ lệ tiêm phòng chỉ đạt khoảng 50 – 60%. Thời gian qua nhiều địa phương quản lí lỏng lẻo để bùng phát nhiều dịch bệnh trên diện rộng, gây tổn thất cho người chăn nuôi. Các thú y viên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của người chăn nuôi. Người dân có xu hướng tin người bán thuốc hơn là cán bộ trạm thú y.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, dịch vụ công ở nông thôn mặc dù đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn thiếu và yếu kém.

Ông Hùng cho biết, có sự phân biệt rất rõ ràng giữa người giàu và người nghèo trong việc tiếp cận các dịch vụ công ở nông thôn. Đối với những người giàu, họ được tiếp cận dịch vụ công nhiều hơn người nghèo đặc biệt trên hai bình diện nước sạch và dịch vụ y tế.

“Đối với dịch vụ y tế, Nhà nước có thể đầu tư thêm các trang thiết bị về vùng nông thôn để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, tuy nhiên, những bác sĩ giỏi lại không muốn về làm việc tại các trạm y tế xã. Nhìn chung ngành y tế vẫn ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ ở các bệnh viện tuyến trên hơn là ở tuyến xã. Chính vì vậy, dịch vụ y tế ở nông thôn đang ngày càng đi xuống tạo khoảng cách lớn hơn so với thành thị, người dân không còn tin tưởng”, ông Hùng nói.

Để nâng cao dịch vụ ở nông thông, ông Quang cho rằng, Nhà nước không thể là người duy nhất cung cấp dịch vụ công ở nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới không thể thành công nếu không có dịch vụ công hiện đại. Để dịch vụ công đến được với người nghèo đòi hỏi sự vào cuộc của tư nhân, các tổ chức, doanh nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ hữu ích, tiện lợi nhất cho người dân.