Diễn đàn kinh tế Việt Nam – VEF

DN tiếp tay, đường lậu bóp chết đường nội

Doanh nghiệp cũng làm liều

Trong bối cảnh sản lượng đường nội đang dư thừa, tồn kho tăng cao thì việc buôn lậu đường ở một số cửa khẩu, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và tiêu thụ đường trong nước… Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, buôn lậu đường đang diễn biến phức tạp tại miền Trung, Tây Nam Bộ.

Từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã thu giữ 1.300 tấn đường lậu. Năm 2012 là 700 tấn và chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2013, tại An Giang đã bắt giữ 362 tấn. Điều này cho thấy lượng đường lậu tràn quan biên giới ngày một tăng, vào Việt Nam chủ yếu bằng ghe, nhất là khi mùa nước nổi. Ngoài ra, còn bằng hình thức nhập lậu thông qua tạm nhập tái xuất.

Ông Đào Xuân Thành, Trưởng phòng 2 Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, cho biết, phương thức gian lận thương mại chủ yếu xảy ra ở biên giới Tây Nam, Miền Trung, tại Khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo, Cầu Treo vì mặt hàng đường nhập không phải nộp thuế, đường vào khu vực này rất nhiều.

Còn nhập đường dưới hình thức tạm nhập tái xuất, theo thống kê của cơ quan hải quan, tạm nhập tái xuất mấy năm vừa qua, trong 3 năm 2011, 2012 và 4 tháng 2013 là 88,2 nghìn tấn. Cơ quan chức năng đã phát hiện những trường hợp tiêu thụ nội địa, khởi tố 1 doanh nghiệp hơn 200 tấn đường hoặc có DN tự ý phá niêm phong đưa hàng xuống các bản biên giới khu vực phía Bắc bán.

Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Đỗ Kim cho biết, lợi dụng sơ hở chính sách nhiều doanh nghiệp đã xuất qua đường mòn lối mở rồi mang hàng quay lại bán nội địa. Cũng có doanh nghiệp đưa luôn đường từ kho ra bán vào nội địa mà không xuất, có DN lại tự ý phá niêm phong đem hàng đi tiêu thụ. Trong khi đó, ưu đãi trong khu kinh tế cửa khẩu không có hàng rào cứng nên không quản lý được, lượng đường đưa vào khu kinh tế cửa khẩu hoàn toàn được miễn thuế, nhiều đối tượng đã mang sâu vào tiêu thụ nội địa. Những yếu tố này gây khó khăn cho ngành đường.

Buôn lậu còn dùng bao trắng và gắn tem phụ của cơ sở sản xuất, sang chiết gắn vào để hợp thức hóa đường tiêu thụ. Lực lượng chống buôn lậu đã phải thực hiện nhiều biện pháp như giám định hóa lý, thành phần, cảm quan… để điều tra tận gốc nguồn gốc lô hàng lậu. Những vụ bắt này chỉ có thể thu hồi đường chứ không đủ yếu tố khởi tố hình sự.

Cần điều tra DN làm ăn phi pháp

Thực tế, tình trạng đường nhập lậu tràn vào Việt Nam nhiều là do giá đường trong nước cao hơn nhiều so với giá đường của các nước lân cận. Lý do là nguyên liệu mía của Việt Nam so với các nước lân cận và thế giới có chất lượng kém nhất, mà giá lại cao nhất. Để sản xuất 1 kg đường thì các nhà máy đường trong nước mất 12.500 đồng tiền mua mía, còn doanh nghiệp Thái Lan chỉ mất hơn 6.000 đồng. Vì thế, giá thành sản xuất đường trong nước khoảng 15.500 đồng/kg, ở Thái Lan chỉ gần 10.000 đồng/kg.

Nhu cầu sử dụng đường của cả nước năm 2013 chỉ khoảng 1,3 – 1,4 triệu tấn. Như vậy, lượng đường tồn khoảng 130.000-230.000 tấn. Với sản lượng thừa trên cộng với lượng đường nhập lậu, dự báo năm 2013, lượng tồn kho trong cả nước lên đến 500.000 tấn.

Ông Đỗ Thành Liêm, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường, cho biết, tiêu thụ đường đang giảm, đường tinh luyện đang tồn kho lớn. Mặc dù vậy, các DN mía đường vẫn phải thu mua mía với giá cao để đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Niên vụ 2012 – 2013 tuy giá đường thấp hơn so với vụ năm trước từ 2.000- 3.000 đồng/kg nhưng giá mua mía vẫn giữ mức trên dưới 1 triệu/tấn đối với loại mía 10 chữ đường.

“Đây là mức giá cao nhất trong khu vực. Nếu không mua với giá này thì người dân sẽ không trồng mía nữa thì nhà máy đường sẽ không có nguyên liệu sản xuất. Hiện giá mía của Thái Lan là 30,7 USD/tấn nhờ diện tích canh tác lớn, hạ tầng tốt, chi phí thấp… Tại Việt Nam, dù đã mua mía với giá 50 USD/tấn thì nông dân vẫn chưa có mức sống cao”, đại diện Cục Chế biến, Thương mại nông lâm sản và nghề muối, Bộ NN-PTNT, nhận xét.

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, ông Đỗ Thanh Liêm đề nghị: “Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu 200.000 tấn đường, gia hạn đến tháng 12/2013, kéo dài thời gian cấp nhập khẩu 75.000 tấn đường theo hạn ngạch tới cuối tháng 9 mới thực hiện”.

Về chống buôn lậu, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, đưa ra giải pháp, như làm tốt công tác điều tra, trinh sát; làm rõ phương thức thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, từ đó có phương thức xử lý; xây dựng cơ chế chính sách trong vấn đề xử lý vi phạm, có hình thức xử lý răn đe kịp thời… Đặc biệt, ở đây cần có sự tham gia của lực lượng công an trong việc điều tra, xử lý doanh nghiệp làm ăn phi pháp. DN và Hiệp hội Mía đường cũng phải đồng sức đồng lòng trong vấn đề chống đường nhập lậu.

Exit mobile version