Diễn đàn kinh tế Việt Nam – VEF

Dân đầu cơ vàng lạnh gáy

Ngán vàng

Ngày 28/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đấu thầu vàng nhưng lượng bán ra giảm 23%. Trong phiên đấu thầu thứ 56 chỉ có 20.000 lượng chào bán, giảm 6.000 lượng so với 14 phiên trước đó. Cuối cùng, số lượng vàng đưa ra vẫn không bán hết.

Đại diện PNJ cho rằng, cho rằng thời gian này, nhu cầu mua vàng trên thị trường đang chậm. “Mua nhiều vàng quá DN cũng không biết làm gì với nó”, đại diện DN này nói. Trong khi đó, một DN khác cũng cho biết, nếu mua tới 1.000 lượng hiện hơi cao so với nhu cầu và DN buộc phải thận trọng.

Vào buổi sáng ngày 28/8, dù giá vàng thế giới tăng cao nhất trong 3 tháng nhưng giá vàng trong nước vẫn đứng im, thậm chí còn giảm nhẹ. Gá vàng SJC mở hàng ở mức 37,92 – 38,22 triệu đồng /lượng trong khi đó, giá thế giới lên 1.420 USD/ounce, cao nhất trong hơn 3 tháng.

Hình thái này khiến cho khoảng cách chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới được co hẹp về còn 2 triệu đồng/lượng – thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Đến buổi chiều 28/8, khi giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại theo giá thế giới nhưng chênh lệch giá vẫn ở mức trên 2 triệu.

Thậm chí, nếu nhìn lại khoảng cách chênh lệch có thời điểm lên hơn 6 triệu, một thời gian dài duy trì mức 5 triệu mới thấy 2 triệu là một mốc đáng nhớ sau chặng đường dài và nhiều biến động.

Với thêm gần 1 tấn vàng được bán cho các ngân hàng và doanh nghiệp trong phiên đấu thầu ngày 28/8, Ngân hàng Nhà nước đã “bơm” ra thị trường gần 57 tấn vàng kể từ cuối tháng 3.

Ngoài mức bán ra thấp của ngày 28/8 và thông lệ bán 1 tấn vàng mỗi phiên/tuần thì có những thời điểm NHNN đã bán ra khoảng 40 ngàn lượng, tương đương hơn 1,5 tấn mỗi phiên và có tuần đẩy mạnh đấu thầu 2 phiên Trừ phiên thăm dò đầu tiên, hầu hết các phiên đều đắt khách cháy hàng bất chấp giá thế giới tăng hay giảm. Hàng chục tấn vàng đi ra thị trường nhưng vẫn cháy hàng Thị trường như vẫn thách thức NHNN khi hênh lệch giá vẫn duy trì khoảng cách lớn.

Điều đó khiến nhiều câu hỏi được đặt ra: hàng chục tấn vàng đi đâu, tại sao chênh lệch chưa giảm… và liệu đấu thầu vàng có mang lại hiệu quả bình ổn giá?. Các giải pháp đối với vàng của NHNN có đúng hướng?

Đáp lại, NHNN vẫn giữ một quan điểm rõ ràng và thể hiện một thái độ kiên định khi tuyên bố, thị trường còn cầu thì tiếp tục đấu thầu.

Dường như thị trường cũng đã cảm nhận được và bắt đầu chững lại. Thanh khoản trên thị trường giảm xuống thấp. Ngay cả những thời điểm giá vàng trong nước giảm theo giá thế giới xuống sâu thì mua bán cũng ở mức rất thấp. Tiếp theo đó, chênh lệch giá vàng cũng đã dần bị ép xuống từ mức 5 triệu, xuống 3 triệu cách đây 3 tuần và nhanh chóng xuống mức 2 triệu. Các hiện tượng biến động sốt giá, đầu cơ gần như biến mất trên thị trường.

Ngấm thuốc

Giám đốc một DN kinh doanh vàng lớn cho rằng, thị trường đang rất thận trọng khi NHNN mạnh tay trong việc quản lý cũng như xử lý các vấn liên quan thị trường vàng của các NH thương mại. Việc đấu thầu kiên trì với nguồn cung đều đặn ra thị trường. Đặc biệt, một thời gian sau 30/6/2013 – khi các ngân hàng thực hiện tất toán trạng thái vàng xong, nhu cầu đã giảm bớt và giao dịch trầm lắng.

Trước đây, NH vừa có tiền, vừa vay được vàng của dân đem ra thị trường, dùng cả nguồn lực nội lẫn ngoại tệ để tham gia, thậm chí có thể chi phối được thị trường khi có các công cụ mạnh trong tay.

Nhưng khi NHNN cùng một lúc yêu cầu chấm dứt việc huy động và cho vay bằng vàng, chuyển sang quan hệ mua – bán; rồi đến 30/6/2013 đã bóc toàn bộ vàng ra khỏi bảng cân đối của họ; họ không được để trạng thái vàng dương quá 2% vốn tự có, cũng như không được âm; không được sử dụng vàng giữ hộ dưới bất cứ hình thức nào. Từ đó, tạo ra một trật tự, một sự áp đặt đối với những đối tượng có thể khuynh đảo thị trường vàng.

Trong khi đó, với lượng vàng lớn bán ra thị trường đã bắt đầu tác động đến cung cầu.

Theo ông Đỗ Minh Phú – Tập đoàn Vàng bạc Doji, thị trường bắt đầu ngấm vì có hai nguồn cung, một là từ đấu thầu, hai là một bộ phận từ lượng vàng các ngân hàng tất toán trả cho dân đã quay lại thị trường.

Hiện nay thị trường giao dịch trầm lắng. Giá quốc tế hồi phục nhanh, trong khi trong nước nhu cầu lại trầm lắng, các NH lại không sử dụng vàng như trước nữa để có thể đầu cơ. Chính vì vậy, mức độ tiêu thụ vàng trong nước giảm, giá không tăng theo được đà thế giới, vì tăng lên thì không bán được. Giá vàng quốc tế tăng cao và mạnh, trong khi giá vàng trong nước như đề cập ở trên lại không tăng theo, nên chênh lệch đã thu hẹp.

Nhìn lại thời gian chưa đầy 5 tháng kể từ khi tổ chức đấu thầu, đến nay giá vàng đã được ép xuống một mức thấp có thể xem là bước thành công đáng kể.

Theo ông Phú, ở một đất nước không sản xuất ra vàng mà chủ yếu là nhập khẩu, trong khi nhập khẩu hiện nay là Ngân hàng Nhà nước độc quyền, thì giá phụ thuộc nhiều vào yếu tố nhập khẩu. Mà hoạt động nhập khẩu để an toàn thì chênh lệch khoảng 100 USD là một khoảng cách đảm bảo an toàn.

Bởi vì trong thực tế đã có những phiên giá vàng thế giới chạy tới 100 USD, nhất là khi nó có nhiều yếu tố bất ngờ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa chắc đã kiểm soát được rủi ro. Theo đó, mức rủi ro có thể kiểm soát nằm trong khoảng 100 USD, tức khoảng 2 triệu đồng/lượng là mức cân bằng hợp lý về độ chênh lệch giá.

Exit mobile version