Diễn đàn kinh tế Việt Nam – VEF

DN ngoại dọa bỏ Việt Nam sang Campuchia, Myanmar

Đây là cảnh báo được rất nhiều DN, Hiệp hội các DN đầu tư nước ngoài đã cảnh bảo điều này trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM . Nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho biết, sẽ việc cân nhắc chuyển công việc kinh doanh sang một thị trường khác.

So sánh giật mình

Một khảo sát được Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu ở Việt Nam (Euro Charm) công bố mới đây cho biết, với sự gia tăng trong vai trò của các nước trong Asean đã tác động rất lớn trong kế hoạch kinh doanh của DN ở Việt Nam. Cụ thể chỉ trong 6 tháng vừa qua, 20% DN trong hiệp hội này cho biết sẽ cân nhắc việc chuyển công việc kinh doanh sang thị trường khác trong khu vực.

Các chuyên gia từ hiệp hội này cho rằng, đây là một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng về môi trường kinh doanh hiện tại và sức cạnh tranh đang gia tăng của các thị trường khác trong khu vực.

Trong khi đó, một đánh giá của Euro Charm về các cơ hội kinh doanh trong khu vực thì có đến 45% DN cho rằng các thị trường ASEAN khác là điểm kinh doanh tốt hơn Việt Nam. Trong khi đó 37% cho rằng thị trường Việt Nam ở mức trung bình và chỉ có 18% tin tưởng Việt Nam ở nhóm dẫn đầu.

Chủ tịch Eurocharm, ông Preben Hjorrtlund chia sẻ: “Điều đáng suy ngẫm là mức độ môi trường kinh doanh không tiếp tục tăng mà chỉ duy trì ở mức trung bình. Ngay cả khi nhiều DN kinh doanh ở đây lâu năm cũng đã nhìn nhận về các thị trường khác hấp dẫn hơn Việt Nam. Như vậy Việt Nam cần phải nỗ lực cải thiện các vấn đề cơ bản của nền kinh tế cũng như đảm bảo một hiệp định thương mại tự do bền vững và khả thi.”

Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, thủ tục hành chính luôn là rào cản lớn nhất cho các DN nước ngoài. Thêm vào đó logicstic vẫn chưa hoàn thiện, lao động vẫn chưa phát huy hết công năng vì hạn chế thời gian làm việc thêm giờ. Những vấn đề phát sinh bất khả kháng như là tăng lương cơ bản ngay giữa năm đã làm cho nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc lập kế hoạch kinh doanh.

Xu hướng dịch chuyển đầu tư không chỉ diễn ra trong cộng đồng DN châu Âu. Trước đó, tại Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ diễn ra vào tháng 6/2013, Hiệp hội DN Úc tại Việt Nam (AusCham) nhấn mạnh các nước Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar đang nổi lên như những điểm đến đầu tư hấp dẫn khiến tính cạnh tranh thu hút vốn FDI trong khu vực càng cao. Nếu Việt Nam không tạo lập được môi trường kinh doanh thuận lợi, nguồn vốn FDI có thể tiếp tục bị giảm sút.

Cải thiện môi trường đầu tư: Hy vọng năm 2014

Nhìn nhận về vấn đề trên ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT)cho biết: “Môi trường đầu tư có xu hướng xấu đi cũng một phần nằm ở nghị định 108 hướng dẫn thi hành luật đầu tư. Khi ban hành nghi định này và đi vào thực tế cuộc sống thì phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến luật không phù hợp nên phải sửa đổi. Tuy nhiên điều bất cập tiếp theo là do hệ thống luật chồng chéo và liên quan đến nhau nên phải kéo dài tới hôm nay. Tuy vậy dự kiến đầu năm 2014 sẽ sửa đổi luật đầu tư, hi vọng sẽ cải thiện được nhiều vấn đề.”

Các DN đến từ Mỹ cho rằng, khối doanh nghiệp trong nước đang yếu đi rất nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề nguồn nhân lực tại chỗ cũng ngày một yếu đi, thiếu lực đượng lao động có kỹ năng, thiếu chuyển dịch từ thâm dụng lao động sang phát triển giá trị gia tăng.

Theo ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ chia sẻ: “Tập trung vào tính minh bạch các doanh nghiệp nhà nước để tạo môi trường lành mạnh trong cạnh tranh. Điều đặc biệt cần đẩy nhanh TPP để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Mỹ, đó là cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Từ đó cải thiện được môi trường kinh doanh tại Việt Nam.”

Trước phản ánh của DN, ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sẽ ghi nhận ý kiến của các DN, phân tích những yếu tố nào mà các DN chưa thỏa mãn với môi trường đầu tư của Việt Nam. Từ đó có biện pháo tháo gỡ để cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là trên địa bàn TP.HCM.

“Đối với chính sách thì khi đưa ra không nên hạn chế mà phải khuyến khích doanh nghiệp hoạt động, không làm mất đi sự ổn định hiện có của doanh nghiệp, sự ổn định là rất quan trọng. Việc đưa ra chính sách cần phải thể hiện việc điều hành tốt hơn, nếu đưa ra chính sách không tốt hơn hiện tại thì tốt nhất đừng nên đưa ra”. Ông Hà nhấn mạnh.

Exit mobile version