Trang chủ » Tranh luận » Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Giãi bày thêm về vấn đề cũ

Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Giãi bày thêm về vấn đề cũ

Tác giả:

Sau khi Bộ Tài nguyên Môi trường có báo cáo sơ bộ gửi Thủ tướng Chính phủ nhận xét bước đầu về tác động môi trường của hai dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A ngày 30/8/2013 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã có Báo cáo giải trình về các nội dung liên quan đến 2 dự án thủy điện trên.

Đức Long Gia Lai cho biết, 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A ( ĐN 6 và ĐN 6A) đã thực hiện Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đang bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung để đầy đủ và chuẩn xác nhất.

Vị trí xây dựng Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Rừng mất không lớn

Vấn đề được quan tâm nhất là tổn thất tài nguyên rừng, Đức Long Gia Lai cho rằng, so sánh với tỷ lệ diện tích đất rừng bị mất của các dự án thủy điện khác thì tỷ lệ sử dụng đất rừng trên đơn vị công suất của ĐN6 và ĐN 6A là ít nhất.

Cụ thể, diện tích sử dụng đất rừng của thủy điện ĐN 6 công suất 135MW là 197,63 ha tương ứng tỷ lệ 1,27 ha/MW và thủy điện ĐN 6A công suất 106MW là 174,60 ha tương ứng tỷ lệ 1,44 ha/MW.

Bình quân, tỷ lệ diện tích sử dụng đất rừng của hai dự án này là 1,34 ha/MW, nhỏ nhất trong số các dự án thủy điện lớn đã xây dựng; nhỏ hơn 10,8 lần tỷ lệ bình quân sử dụng đất của các dự án thủy điện lớn đã thực hiện ở Tây Nguyên là 14,5 ha/MW như con số của Ban Chỉ đạo Tây nguyên. So với các thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đồng Nai thì tỷ lệ này còn nhỏ hơn rất nhiều như thủy điện Đồng Nai 3 là 31,55 ha/MW, Trị An là 80,75 ha/MW và bình quân là 16,50 ha/MW.

Hiện trạng rừng thuộc phạm vi hai dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A đã được các địa phương xác nhận có trên 96% diện tích là rừng nghèo, rừng hỗn giao lồ ô và đất không có rừng.

Hồ chứa của ĐN 6 và ĐN 6A có dạng dải, hẹp, dọc theo một đoạn sông Đồng Nai ở vị trí rìa phía Bắc của khu Cát Lộc Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên. Khu vực ngập thêm của hồ chứa cũng là khu vực thường bị ngập tự nhiên về mùa lũ. Giá trị lâm sản và giá trị môi trường, phạm vi rừng bị mất thực tế không lớn.

Theo chủ đầu tư, ĐN 6 và ĐN 6A có tỷ lệ sử dụng đất ít vì hai dự án thủy điện này thuộc loại thủy điện cột nước thấp (ĐN 6 là 47m, ĐN 6A là 35m), bờ sông phạm vi lòng hồ của hai dự án thủy điện này có độ dốc lớn nên vùng ngập thêm khi dâng nước ít hơn.

Bộ NN PTNT trong công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ đánh giá, hai dự án này tuy có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, hoạt động bảo vệ rừng, tuy nhiên không đến mức làm thay đổi tiêu chí, mục tiêu, nội dung xác lập VQG Cát Tiên nhất là khu vực ngập nước Bàu Sấu và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên.

Không ảnh hưởng tới dòng chảy

Theo thiết kế, Nhà máy thủy điện ĐN 6A được thiết kế hai tổ máy sử dụng tua bin loại Kaplan có chế độ vận hành hàng ngày là xả nước phát điện liên tục 24/24 giờ với lưu lượng thấp nhất là 68 m3/s, có tác dụng điều hòa lại dòng chảy cho hạ du bị gián đoạn và dao động lớn do chế độ xả nước phát điện không liên tục hàng ngày của thủy điện Đồng Nai 5 phía trên.

Do đó, thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A sẽ không làm giảm mực nước sông so với mực nước tự nhiên của sông Đồng Nai ở vị trí cửa suối Đăk Lua, nên không ảnh hưởng đến dòng chảy thuận (sinh ra bởi lưu vực suối Đăk Lua) từ khu Bàu Sấu ra sông Đồng Nai.

Vào mùa lũ, hai thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A không có khả năng làm giảm lũ trên sông Đồng Nai nên sẽ không làm ảnh hưởng đến dòng chảy ngược từ sông Đồng Nai vào suối Đắk Lua – khu Bàu Sấu khi có lũ.

Bằng giải pháp thiết kế cống xả đáy, duy trì dòng chảy liên tục là 68 m3/s tại thủy điện ĐN 6A và không chuyển dòng nên tổng lượng nước về hồ Trị An bên dưới hầu như không thay đổi. Hai dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A có hồ chứa nhỏ, chỉ điều tiết ngày, được thiết kế với chế độ vận hành xả nước phát điện chuyển xuống hạ du toàn bộ lượng nước về trong ngày nên không làm thay đổi cân bằng nước về hạ du ngay trong ngày tại vị trí các tuyến đập ĐN 6 và ĐN 6A.

Có các dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A sẽ giúp cho dòng chảy hạ du được cải thiện điều hòa hơn và do đó tác động có lợi hơn cho môi trường thủy sinh hạ du bao gồm cả khu ngập nước Bàu Sấu vốn đã bị tác động bất lợi khi đã xuất hiện các công trình thủy điện bên trên khi chưa có các thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A.

Đa dạng sinh học không bị tác động

Hai dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A nằm ở vùng rìa phía bắc khu Cát Lộc của VQG Cát Tiên thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng, cách khu rừng Nam Cát Tiên đến 35 km qua trung tâm huyện lỵ huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Khu Cát Lộc này trước đây để bảo tồn con tê giác chỉ sống ở rừng nghèo kiệt, nay tê giác không còn nữa. Trong lõi khu vực Cát Lộc này, hiện có trên 2.000 người dân đang sinh sống với các cơ sở hạ tầng vẫn đang được chính quyền địa phương đầu tư xây dựng…

Lân cận khu vực các dự án này đất đai đã được chuyển sang trồng cây điều, cà phê, cao su. Ngay trong vùng lõi cạnh khu vực hai dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A đã chuyển đổi 2.670 ha qua đất ở và đất nông nghiệp.

Với vị trí cách biệt khu Nam Cát Tiên, hai dự án Thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A không ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học hay tính nguyên vẹn của khu vực Nam Cát Tiên.

Trong Báo cáo ĐTM các dự án Thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A đã tiến hành khảo sát điều tra về các loài động thực vật tại khu vực xây dựng dự án (các loài phiêu sinh động thực vật, tôm cá, chim, thực vật, thú, bò sát, lưỡng cư) thì tại khu vực này không có các loài đặc hữu sinh sống.

Đối với việc xem xét công nhận di sản thiên nhiên thế giới của VQG Cát Tiên thì khu vực đề cử di sản thiên nhiên thế giới nằm ở khu Nam Cát Tiên và Tây Cát Tiên thuộc tỉnh Đồng Nai và Bình Phước. Khu vực này này nằm cách xa 35 km và tách biệt hẳn với phạm vi các dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A nằm ở khu Cát Lộc qua thị trấn Đồng Nai của huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng nên hai dự án này không ảnh hưởng đến khu vực đề cử.