Trang chủ » Tranh luận » Tết khó khăn, Việt kiều ít ăn đặc sản quê nhà

Tết khó khăn, Việt kiều ít ăn đặc sản quê nhà

Tác giả:

Không dám làm nhiều

Hàng năm, tới dịp này, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng đặc sản luôn nhộn nhịp để chuẩn bị đơn hàng xuất khẩu cho kiều bào. Nhưng năm nay, nhiều cơ sở không dám đẩy mạnh sản xuất, thậm chí còn tính toán cắt giảm lượng hàng.

Điều khiến các cơ sở này lo ngại là đơn hàng giảm nhưng giá nguyên liệu đầu vào đã và đang tăng đáng kể. Trong đó, giá nguyên liệu làm bánh chưng, bánh tét (nếp, đậu xanh, thịt heo… ) tăng 10-15%, giá gừng tăng 10%… Mặc dù vậy, nhiều đầu mối đặt hàng yêu cầu giữ nguyên giá nên hầu như không có cơ sở sản xuất nào dám nhận nhiều đơn hàng.

Theo ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia (Đồng Nai), đến thời điểm hiện tại, cơ sở này đã ký một số hợp đồng xuất khẩu bánh đi các thị trường châu Âu, Mỹ, Đài Loan… Tuy nhiên, tổng lượng bánh xuất khẩu năm nay chỉ được khoảng 36 tấn, giảm khoảng 10 tấn so với mọi năm.

Trong khi đó, nhiều công ty sản xuất mứt xuất khẩu cũng dè dặt hơn vì dự đoán sức mua sẽ thấp hơn mọi năm.

{keywords}
Đặc sản bánh chưng ngày tết

Bà Hoàng Thị Tâm Ái, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Trí Đức cho hay, các đơn hàng xuất khẩu mứt của công ty năm nay đã giảm, hiện chỉ mới xuất đi khoảng 60 tấn. Hầu hết các đầu mối nhận xuất hàng đều giải thích do kinh tế khó khăn. Hiện công ty cũng đã nhập nguyên liệu đầu vào để tiến hành sản xuất theo đơn hàng đã đặt nhưng cũng chỉ làm dè chừng.

Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng đặc sản tết đều có quy mô nhỏ và phải phụ thuộc vào các công ty thương mại để xuất hàng. Như vậy, ngoài nguyên nhân nhu cầu tiêu thụ dự đoán giảm, một số cơ sở sản xuất mặt hàng này đều ngại tăng thêm đơn hàng xuất khẩu vì rủi ro cao.

Ông Trần Thanh Toàn cho hay những năm trước dù xuất nhiều nhưng một số công ty thương mại chậm thanh toán, không giữ đúng lời hứa nên dịp Tết này cơ sở của ông không dám ký hợp đồng mới.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Thuý, chủ doanh nghiệp bánh mứt Thành Long, kể rõ hơn: “Bán hàng xuất khẩu thông qua đầu mối trung gian thu mua hàng tại Việt Nam, nên giá cũng không cao hơn bán trong nước, còn bị phiền phức bởi các quy định về chất lượng khác nhau của từng quốc gia, thời gian trả tiền khá lâu… nên đơn hàng giảm xuống vì đồng vốn khó quay vòng nhanh”.

Tết khó của Việt kiều

Vấn đề thương hiệu cũng làm nhiều cơ sở sản xuất băn khoăn khi không thể thu về tối đa lợi nhuận vì phải xuất qua một đơn vị trung gian. Mặc dù những mặt hàng đặc sản mang hương vị Tết của Việt Nam như bánh chưng, bánh tét… đang được đón nhận tại thị trường nước ngoài nhưng thương hiệu của chính cơ sở sản xuất không tồn tại ở đây.

Các chủ sản xuất và chủ cơ sở gia công giải thích, mặc dù những cơ sở sản xuất bánh chưng xuất khẩu vốn nổi tiếng trong nước nhưng khi xuất khẩu không được mang thương hiệu của mình. Khi sản phẩm được bày bán ở nước ngoài sẽ mang thương hiệu công ty nhập khẩu nước ngoài.

Cụ thể, trên bao bì những chiếc bánh chưng, lọ dưa kiệu, hộp mứt… chỉ ghi tên sản phẩm và thành phần, còn thương hiệu nhà sản xuất và địa chỉ sản xuất thì lại phải bỏ trống. Khi sang đến nước nhập khẩu thì hàng tết Việt Nam sẽ được dán thương hiệu của các công ty bên đó rồi đưa vào hệ thống các siêu thị và cửa hàng thực phẩm châu Á.

Giải thích cho thực trạng này, chị Bạch Ngọc Hà, Phó giám đốc Công ty Tân Đông, một công ty làm hàng Tết của Việt Nam, nói rằng quy mô của các công ty sản xuất hàng Tết trong nước đều rất nhỏ nên không có khả năng tiếp thị ở nước ngoài nên họ không nghĩ đến khâu làm thương hiệu.

Trong khi đó, ở mặt hàng trái cây, thương hiệu đã có sẵn thì năm nay nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ thiếu hàng trong đợt lễ, Tết sắp tới. Ông Võ Ngọc Diệp – Tổ trưởng Tổ hợp tác Thanh long Lương Phú (Tiền Giang) lo lắng, hoạt động xuất khẩu thanh long cũng như một số trái cây khác sẽ sốt giá do thời tiết bất thường, sâu bệnh nhiều dẫn tới giảm sản lượng.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, đại diện Công ty cổ phần Vinamit cho biết, so với mọi năm, năm nay lượng sản phẩm mít và trái cây sấy khô xuất khẩu giảm từ 20-30%. Ông Nguyễn Lâm Viên nói: “Năm ngoái, kể từ đầu tháng 11 thị trường hàng Tết đã chuyển động, nhưng năm nay đến mãi gần cuối tháng 12 mới có đơn hàng nhưng cũng không nhiều”.