Trang chủ » Tranh luận » Bí ẩn sau cuộc đua phá đáy lãi suất

Bí ẩn sau cuộc đua phá đáy lãi suất

Tác giả:

Xử nghiêm việc phá giá lãi suất

Ngân hàng Nhà nước có công văn số 9312 yêu cầu các chi nhánh của mình tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất huy động.

Theo văn bản này, trong những tháng gần đây đã xuất hiện hiện tượng cạnh tranh lãi suất đầu ra giữa các tổ chức tín dụng. Một số tổ chức tín dụng chấp nhận cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động, đó là biểu hiện kinh doanh không lành mạnh về mặt tài chính, có thể tạo ra rủi ro cho chính các tổ chức tín dụng.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn, không cho vay với lãi suất thấp hơn chi phí huy động vốn để tránh xảy ra cạnh tranh thiếu lành mạnh và tiền ẩn nhiều rủi ro cho các tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tiền tệ và cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về lãi suất cho vay, huy động vốn của các tổ chức tín dụng để xử lý nghiêm các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng bất lợi đến sự ổn định, lành mạnh của thị trường tiền tệ.

{keywords}

Trên thực tế, nhiều ngân hàng thời gian qua đã tung ra các gói tín dụng cho vay với lãi suất khá thấp, chỉ từ 5-8%/năm, tương đương với mặt bằng lãi suất huy động, nếu cộng thêm chi phí kinh doanh khoảng 3-4%, thì việc cho vay như vậy đang khiến các ngân hàng thua lỗ.

Giải thích về việc cho vay lãi suất thấp, các ngân hàng cho biết, trong bối cảnh sức mua yếu, các DN chưa mở rộng sản xuất nên không có nhu cầu vay thêm vốn, từ đó dư nợ tín dụng tăng chậm. Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng phải hạ thấp lãi suất cho vay, vừa hỗ trợ các DN khó khăn vừa giữ chân những khách hàng truyền thống và cạnh tranh thu hút những khách hàng tốt.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, các ngân hàng đang chịu áp lực phải đẩy vốn ra nền kinh tế, nhưng đẩy vốn vào đâu? Hiện nay, có tới 70-80% DN không đáp ứng được yêu cầu vay vốn, trong khi sức mua yếu. Vì vậy, nếu đẩy tín dụng ra, thì chỉ có cách hạ chuẩn tín dụng, mà đây là điều không thể. Hiện nay, các ngân hàng đang thừa vốn, nhưng cũng không thể tăng trưởng tín dụng, buộc phải tìm mọi cách hạ lãi suất cho vay.

Bí ẩn đằng sau

Việc các ngân hàng đua hạ lãi suất sẽ giúp những khách hàng tốt có khả năng tiếp cận vốn vay với giá rẻ, lãi suất thấp. Nếu Ngân hàng Nhà nước hạn chế, thì việc tạo lợi ích cho khách hàng không còn.

Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản là như vậy. Theo các chuyên gia kinh tế, không hề có chuyện ngân hàng thua lỗ trong việc đua hạ lãi suất.

Lãi suất thấp các ngân hàng đưa ra chỉ có thời hạn từ 1-3 tháng đầu, sau đó sẽ nâng lên cao hơn nhiều để cân bằng. Khi vay các gói này, khách hàng phải cam kết trả đúng thời hạn, nếu trả trước sẽ bị phạt, càng trả sớm càng bị phạt nặng. Nhờ cam kết trả đúng hạn sẽ giúp ngân hàng có đủ thời gian nâng lãi suất lên cao những tháng sau, bù cho những tháng đầu cho vay thấp và kết quả là không thua lỗ.

Ngoài ra khi cho khách hàng là DN vay với lãi suất thấp, ngân hàng và DN còn có những thỏa thuận khác, chẳng hạn như DN phải cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng sau khi xuất khẩu hàng hóa; chiết khấu bộ chứng từ hàng xuất khẩu; thanh toán quốc tế qua ngân hàng… Với những dịch vụ này ngân hàng sẽ được tính phí, được hưởng lợi.

Trên thực tế, không ít ngân hàng đang huy động được những khoản vốn với lãi suất thấp, chẳng hạn như tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tiền gửi, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hay từ một số dự án chưa giải ngân kịp vốn… Số tiền này thường chỉ được tính theo lãi suất không kỳ hạn. Qua đó đưa vào cân đối lãi suất đầu vào với đầu ra. Với những ngân hàng có những khoản này lớn thì lãi suất huy động bình quân thấp, sẽ cho khách hàng vay thấp để cạnh tranh.

Có thể nói, như vậy các ngân hàng không có chuyện chịu thua lỗ khi cho vay lãi suất thấp và các hoạt động này có lẽ không nằm trong “tầm ngắm” thanh tra của Ngân hàng Nhà nước.

Vấn đề Ngân hàng Nhà nước quan tâm, muốn thanh tra trong việc phá giá lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại chính là cho vay chéo giữa các DN sân sau của ngân hàng và chuyển lợi nhuận.

Theo các chuyên gia, hiện tượng ngân hàng A cho các DN sân sau của ngân hàng B vay với lãi suất thấp và ngược lại ngân hàng B lại cho các DN sân sau của ngân hàng A vay với lãi suất thấp tương tự nhằm giúp nhau giải quyết nợ đến hạn thanh toán, cơ cấu lại nợ… đang diễn ra ở nhiều ngân hàng.

Hiện tượng chuyển lợi nhuận cũng vậy, các ngân hàng có thể cho một số DN sân sau của mình vay với lãi suất thấp. Các DN này sử dụng vốn vay lãi suất thấp kinh doanh hoặc đem gửi ngân hàng khác hưởng lãi suất cao hơn, thu lợi nhuận lớn. Điều này khiến cho ngân hàng thì thua lỗ nhưng DN sân sau có lãi.

Tình trạng này đang gây ra nhiều rủi ro cho hoạt động ngân hàng và sự lành mạnh của thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, chỉ đạo là vậy nhưng khi thanh tra có phát hiện ra, có đưa ra kết luận thanh tra hay không lại là chuyện khác.

Về nguyên tắc, việc tìm ra các công ty sân sau hay lần theo dòng tiền khi khách hàng vay, sử dụng vào mục đích gì không quá khó khăn, có thể phát hiện ra. Nhưng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh mỗi tỉnh chỉ có khoảng 10 thanh tra, trong đó có hàng chục ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, với hàng trăm khoản vay mỗi ngày thì số lượng thanh tra nêu trên có đủ sức kiểm tra hết? Hơn nữa mối quan hệ giữa thanh tra với các ngân hàng này như thế nào cũng là vấn đề không đơn giản.