Diễn đàn kinh tế Việt Nam – VEF

Xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019

Ngày 26/11/2019, Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019.

LỄ CÔNG BỐ 500 DOANH NGHIỆP LỚN NHẤT VIỆT NAM NĂM 2019

Chủ đề: Lễ công bố 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019

Thời gian: 09/01/2020

Địa điểm: InterContinental Hanoi Landmark

Xem bản đầy đủ của bản đồ phân bố với tính năng lọc theo doanh thu và vốn chủ sở hữu click vào đây!

Đây là năm thứ 13 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được nghiên cứu và công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2019.

Lễ công bố và tôn vinh chính thức Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019 dự kiến được tổ chức vào ngày 09 tháng 01 năm 2020 tại Khách sạn InterContinental Hanoi Landmark72, TP. Hà Nội.

Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website: www.vnr500.com.vn.

Bảng 1: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019

Bảng 2: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2019

Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019: Tiềm năng tăng trưởng của những ngành hàng chính

Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019 tiếp tục chứng kiến sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nhóm ngành Dịch vụ và Công nghiệp, chiếm hơn 98% tỷ trọng doanh thu năm 2019, nhóm ngành Nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng doanh thu khiêm tốn, dưới 2%.

Một số ngành hàng chính vẫn tiếp tục giữ vững được vị thế trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019. Các ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất và tỷ trọng doanh thu lớn trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019 có thể kể đến bao gồm: Ngành Thực phẩm – Đồ uống; Ngành Viễn thông – Công nghệ thông tin (VT-CNTT); Ngành Ngân hàng – Tài chính; Ngành Bất động sản; Ngành Bán lẻ; Ngành Dược; Ngành Vận tải – Logistics.

Doanh thu và tốc độ tăng trưởng của doanh thu

Trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019, tất cả các ngành hàng đều có sự tăng trưởng doanh thu, tốc độ tăng trưởng doanh thu của toàn bộ khối doanh nghiệp là 14,55%. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trong đó có nhiều ngành đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số, cao vượt trội so với mức trung bình của toàn bộ khối doanh nghiệp như ngành Ngân hàng – Tài chính, ngành Vận tải – Logistics, ngành Xây dựng – Bất động sản.

Hình 1: Doanh thu và tốc độ tăng trưởng doanh thu theo ngành

Nguồn: Vietnam Report

Hình 2: Tỷ trọng doanh thu trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019 – Các ngành hàng có tiềm năng

Nguồn: Vietnam Report

Ngành Ngân hàng – Tài chính

Với tỷ trọng doanh thu khoảng 14,59% trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019, năm 2018-2019 được đánh giá là giai đoạn “tăng trưởng theo cách thức mới” của ngành Ngân hàng Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 2018 thấp hơn so với các năm trước (khoảng trên 30% trong những năm 2000), đạt mức 14%. Tín dụng tăng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất huy động, tiền gửi tăng hợp lý và tỷ giá biến động không lớn, thể hiện sự chủ động và linh hoạt trong điều hành và thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Những tín hiệu đáng mừng từ hoạt động của ngành Ngân hàng trong thời gian qua là tiền đề cho tiềm năng phát triển trong giai đoạn 2019-2020 và các năm kế tiếp. Cùng với tác động tích cực từ xu thế chuyển đổi số, ngành Ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng theo hướng hiện đại hơn nhằm mang đến những trải nghiệm mới mẻ và tiện ích hơn cho khách hàng.

Ngành Thực phẩm – Đồ uống

Ngành Thực phẩm – Đồ uống chiếm tỷ trọng doanh thu 7,87% trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019 được đánh giá là một trong những ngành có diễn biến thuận lợi với những bước tiến cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, Thực phẩm – Đồ uống cũng đang là ngành hàng chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam, ước khoảng 35% mức chi tiêu. Trong năm 2018, nếu tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng thì doanh thu bán lẻ các mặt hàng thực phẩm và đồ uống đã chiếm khoảng 12,3%. Những năm sắp tới, ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam cũng sẽ hòa nhập vào tiến trình hội nhập quốc tế của cả nền kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thực phẩm dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường và nâng cao sản lượng, thị phần xuất khẩu.

Ngành Xây dựng – Bất động sản

Ngành Xây dựng – Bất động sản chiếm tỷ trọng doanh thu 7,58% trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019. Đây là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế kéo theo thu nhập người dân được cải thiện đã dẫn đến “sự bùng nổ” về nhu cầu nhà ở những năm qua. Xét về triển vọng ngành, Bất động sản vẫn được giới phân tích đánh giá khá thận trọng trong giai đoạn này và đây là những rủi ro mang tính ngắn hạn. Tuy nhiên, dựa trên bối cảnh là nền kinh tế Việt Nam có nền tảng vĩ mô tốt và sự phát triển của thị trường chứng khoán, ngành Bất động sản cũng vẫn có các cơ hội tốt trong việc huy động vốn từ các nguồn khác nhau nhằm phát triển hệ thống doanh nghiệp.

Ngành Viễn thông – Công nghệ thông tin

Đây là một trong những ngành luôn nằm trong top các ngành luôn có tỷ trọng doanh thu cao trong các Bảng xếp hạng VNR500 trong 5 năm gần đây. Trong các mảng dịch vụ số hóa doanh nghiệp, cơ hội cho các doanh nghiệp VT-CNTT Việt Nam tham gia trong chuỗi giá trị dịch vụ tập trung trên ba khía cạnh: kết nối, nền tảng hạ tầng, dịch vụ chuyên ngành; phần còn lại thuộc về các công ty phần cứng và sản xuất thiết bị đầu cuối. Trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia hội nhập cùng các doanh nghiệp toàn cầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nền tảng công nghệ số sẽ tạo ra áp lực lớn với các doanh nghiệp truyền thống, tạo ra cơ hội mới cho các start-up, đồng thời thay đổi hành vi, cách tiếp cận, tiêu dùng của người sử dụng.

Ngành Bán lẻ hiện đại

Ngành bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 1,96% doanh thu toàn Bảng và là ngành được Vietnam Report đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm tới. Tốc độ tăng trưởng của ngành Bán lẻ đột ngột tăng mạnh trong vài năm trở lại đây với số lượng siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tăng vọt theo từng năm, lan rộng ra nhiều tỉnh thành trên địa bàn cả nước. Cùng với nhiều lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng cũng như tính ưa chuộng ngày càng cao với các thương hiệu Việt, các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội to lớn để phát triển trong thời gian tới.

Ngành Dược

Ngành Dược chiếm tỷ trọng 1,01% trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019. Trong hơn 10 năm qua, ngành Dược đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, hiện đứng thứ 13 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện nay ngành Dược Việt Nam vẫn bị phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, và chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh để phát huy hết thế mạnh của ngành. Dù gặp nhiều khó khăn về sản xuất và công nghệ nhưng cơ cấu dân số trẻ đang có tốc độ già hóa nhanh, thu nhập, tình trạng ô nhiễm môi trường và mức độ quan tâm của trên 97 triệu dân đến các vấn đề sức khỏe ngày càng cao… sẽ là những động lực cho ngành Dược tiếp tục tăng trưởng.

Ngành Vận tải – Logistics

Logistics đang trở thành là một trong những ngành phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành Logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, có quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm (khoảng 20% GDP). Sự mở rộng của thị trường ngành Vận tải – Logistics phụ thuộc vào nhu cầu thương mại, bao gồm thương mại nội địa và xuất khẩu. Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành Vận tải – Logistics khi trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với hội nhập kinh tế quốc tế và ký kết các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng logistics như kho bãi, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển… đang tiếp tục được nâng cấp.

Một số chỉ tiêu về hiệu quả kinh doanh (ROA-ROE-ROS)

Hiệu suất sinh lời trên doanh thu (ROS) của toàn bộ các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 là 6,32%, trong đó ngành Tài chính – Ngân hàng có ROS cao nhất là 9,28%. Hiệu quả sinh lời trên doanh thu của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 cao hơn so với toàn bộ khu vực doanh nghiệp của cả nền kinh tế (đạt 4,2%, theo Báo cáo Sách trắng Doanh nghiệp 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhưng lại thấp hơn khi so với các doanh nghiệp trong khu vực thuộc Top 200 Doanh nghiệp tốt nhất châu Á dưới 1 tỷ USD (đạt 19,03%).

Hình 3: Một số chỉ tiêu về hiệu quả kinh doanh của những ngành hàng chính

Nguồn: Vietnam Report

Hiệu suất sinh lời trên tài sản (ROA) của toàn bộ khu doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019 là 2,78. Trong các ngành phân tích ở trên, ngành Viễn thông – Công nghệ thông tin có ROA cao nhất đạt 13,11%.

Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn bộ khu vực doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 là 13,80%, trong đó ngành Bán lẻ có tỷ số ROE cao nhất với 25,74%.

Một số điểm chính từ kết quả khảo sát các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2919

Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng VNR 500 năm 2019, Vietnam Report đã thực hiện khảo sát cộng đồng các doanh nghiệp lớn của Việt Nam nhằm tổng hợp đánh giá của doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hiện tại, những rào cản và thách thức mà các doanh nghiệp lớn đang phải đối mặt, cùng triển vọng kinh doanh trong giai đoạn tới. Một số nhận định chính rút ra từ cuộc khảo sát các doanh nghiệp lớn của Vietnam Report:

Hoạt động sản xuất kinh doanh: Tăng trưởng trong khó khăn

Năm 2019, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và thương mại toàn cầu sụt giảm. Mặc dù chịu tác động không thuận lợi của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng trụ vững, duy trì mức sản xuất như các năm trước và đạt lợi nhuận tốt. Khảo sát của Vietnam Report về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2019 cho thấy có 49,2% doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn năm trước; 39,5% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh cơ bản ổn định; và 11,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh giảm đi.

Hình 4: Đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2019

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp VNR500, thực hiện bởi Vietnam Report – Tháng 10/2019

6 rào cản tăng trưởng

Top 6 rào cản chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: 58,1% các doanh nghiệp cho rằng do chiến tranh thương mại giữa các quốc gia/ nền kinh tế lớn; thủ tục hành chính phức tạp; năng lực cạnh tranh, chính sách hỗ trợ cạnh tranh yếu; thiếu nguồn nhân lực có tay nghề; 45,2% doanh nghiệp đánh giá sự bảo hộ thương mại nội địa cũng là rào cản lớn.

Hình 5: Top 6 rào cản ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2019

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp VNR500, thực hiện bởi Vietnam Report – Tháng 10/2019

Nâng cao chất lượng nhân lực: Top chiến lược ưu tiên  

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report về Top 4 chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp trong năm 2019: 96,8% doanh nghiệp lựa chọn tăng cường đào tạo nhân viên; 58,1% doanh nghiệp thực hiện tăng cường ưu thế cạnh tranh; 54,8% doanh nghiệp lựa chọn giảm thiểu chi phí; 51,5% tăng cường ứng dụng công nghệ và kĩ thuật số. Vietnam Report cũng ghi nhận những phản hồi đánh giá về kỹ năng của nhân viên ở các doanh nghiệp trong thời đại số với các kỹ năng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ tự động hóa, khả năng phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin và các kỹ năng khác, theo đó khoảng 60% nhân viên mới ở mức đáp ứng được yêu cầu, chỉ có khoảng 20% nhân viên ở mức tốt, còn lại ở mức yếu. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều lựa chọn tăng cường đào tạo nhân viên là chiến lược ưu tiên trong năm 2019.

Hình 6: Đánh giá kỹ năng của nhân viên trong thời đại số (Đơn vị: %)

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp VNR500, thực hiện bởi Vietnam Report – Tháng 10/2019

Hình 7: Những chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp trong năm 2019

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp VNR500, thực hiện bởi Vietnam Report – Tháng 10/2019

Cải cách hành chính và môi trường pháp lý: Những kỳ vọng từ phía doanh nghiệp

Những kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2019 là tiền đề và đồng thời là một trong những động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục phấn đấu sản xuất kinh doanh trong năm 2020. Bên cạnh đó, để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, hiệp hội doanh nghiệp có những chính sách tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát của Vietnam Report ghi nhận có 87,1% doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và cải thiện môi trường pháp lý bởi như phân tích ở trên, đây là rào cản mà nhiều doanh nghiệp đánh giá có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thị trường cạnh tranh gay gắt, việc tìm đầu ra cho sản phẩm càng có ý nghĩa quan trọng, giúp cho doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, có tới 80,6% doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ tăng cường các biện pháp hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra thông qua các hình thức như hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu thị trường.

Hình 8: Những chính sách cần thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp VNR500, thực hiện bởi Vietnam Report – Tháng 10/2019

Dù nhiều tổ chức đã dự báo kinh tế thế giới trong thời gian tới suy giảm nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng trong những năm tới năm tới. Việt Nam được lợi thế từ quá trình chuyển dịch vốn đầu tư và đang trở thành tâm điểm của dòng vốn đầu tư trong khu vực với các cơ hội rộng mở trên nhiều lĩnh vực như Tài chính, Bất động sản, Thực phẩm – Đồ uống. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia đánh giá, có nhiều cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam khi vừa ký kết các hiệp định thương mại RCEP, CPTPP và EVFTA, cùng những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ. Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – Xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm.

Cùng với dự báo của các chuyên gia kinh tế về triển vọng kinh tế lạc quan của Việt Nam trong giai đoạn tới, nhiều doanh nghiệp thể hiện niềm tin về tình hình kinh doanh trong quý I năm 2020 sẽ tốt hơn so với năm 2019, khi có 50% doanh nghiệp dự báo kết quả sản xuất kinh doạnh đầu năm 2020 sẽ ở mức cơ bản ổn định, 44,1% cho rằng tình hình hoạt động sẽ tăng lên và chỉ có 5,9% dự đoán lợi nhuận sẽ giảm.

Các doanh nghiệp lớn là đầu tàu trong phát triển khoa học – công nghệ của nhiều ngành công nghiệp, tạo ra thị trường, tạo lực kéo các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động với những cơ hội và những thách thức, rủi ro khó lường, các doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng phát triển của thế giới và tận dụng năng lực nội tại của mình để nâng cao khả năng cạnh tranh và khẳng định uy tín của doanh nghiệp.

Vietnam Report

Exit mobile version