Thời V-League mới chập chững vào chuyên nghiệp, các ông chủ doanh nghiệp còn mải mê đầu tư ở lĩnh vực khác, “bầu” Thắng cùng Đồng Tâm Long An đã xưng hùng xưng bá ở V-League lẫn AFC Cup. Thành công từ bóng đá lúc đó đã chắp cánh cho thương hiệu gạch Đồng Tâm bay xa và thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ. “Bầu” Thắng bước vào làm bóng đá với triết lý: HLV giỏi + cầu thủ (ngon, bổ, rẻ) = thành công.
Bằng chứng là thời điểm đó, ông “bầu” Long An đã chi đậm tiền để có được sự phục vụ của HLV Calisto (sau này, cũng chính ông Thắng – trong vai trò Chủ tịch Công ty VPF – đã cất công sang tận Nhật mời chuyên gia Tanabe về làm cố vấn, với mức lương gần 500 triệu đồng/tháng). Thế nhưng, thời gian mau chóng làm lộ ra những hạn chế trong triết lý đó. Có lẽ quá mải mê và tin vào cách làm “ăn xổi” của mình mà ông “bầu” Long An lơ là đào tạo trẻ, điều được coi nền tảng cho mọi CLB nếu muốn vươn lên chuyên nghiệp. Sự thật là suốt hơn 10 năm làm bóng đá, người ta không hề thấy bất cứ một lứa cầu thủ kế cận nào đáng gọi là xem được xuất thân từ lò ĐTLA. Cùng với kinh tế suy thoái, túi tiền “bầu” Thắng chi cho bóng đá ngày một thắt chặt cũng là lúc Gạch lao đao, lên xuống hạng như cơm bữa.
Cũng giống như người đồng nghiệp, “bầu” Đức bước vào làm bóng đá với đam mê cháy bỏng. Đó là động lực để ông “bầu” này vung tiền mang về những bản hợp đồng không tưởng lúc bấy giờ như Kiatisuk, Dusit, Chukiat, Tawan cùng một loạt sao nội như Văn Hạnh, Mạnh Dũng, Quốc Vượng… Sức mạnh kim tiền mau chóng đưa đội bóng phố Núi lên đỉnh cao danh vọng khi trở thành CLB đầu tiên vô địch ngay trong mùa đầu tiên lên hạng (2003) và bảo vệ thành công chức vô địch V-League mùa sau đó.
Song khác với “bầu” Thắng, sau những trải nghiệm thành công – thất bại suốt hơn 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp – “bầu” Đức không còn tôn sùng triết lý bóng đá kiểu “cứ vung tiền là vô địch” nữa, thay vào đó là một kế hoạch đầu tư dài hơi, bài bản. Giai đoạn từ 2007 đến nay, khi mà hàng loạt những ông “bầu” mới nổi chập chững vào bóng đá, dập khuôn cách làm “ném tiền qua cửa sổ” thì “bầu” Đức lặn lội sang Arsenal học hỏi cách làm bóng đá bền vững. Ở buổi trò chuyện “lịch sử” với HLV Wenger, “bầu” Đức đặt câu hỏi: “Phải làm gì để bóng đá Việt Nam phát triển” và nhận được câu trả lời từ ông thầy xuất thân thạc sỹ kinh tế: “Cần phát triển đào tạo trẻ, với nền móng là xây dựng các học viện bóng đá”. Sau đó, ông “bầu” HAGL về phá hàng nghìn hecta cao su để xây Học viện HAGL-Arsenal JMG. Giờ thì những lứa học viên đầu tiên đã trưởng thành. Và trong lúc các đội bóng khác lao đao vì cách làm ăn xổi, “bầu” Đức có lý do để ung dung ngồi thụ hưởng thành quả.
Nhiều người cho rằng vị trí tạm dẫn ngôi đầu V-League 2013 sau 16 vòng mà HAGL đang nắm giữ, mới chỉ là khởi đầu cho chuỗi thành công trong tương lai của đội bóng “bầu” Đức. Cùng thời điểm này, ĐTLA của “bầu” Thắng lại đang mấp mé xuống hạng. Có ý kiến cho rằng, “bầu” Thắng sau những vinh quang cùng CLB chẳng còn quá bận tâm với thành tích của ĐTLA mà đang hướng tới mục đích lớn lao hơn: Nâng tầm bóng đá Việt Nam. Tất nhiên, chẳng ai phủ nhận tâm huyết đó của “bầu” Thắng. Có điều, ý tưởng đó muốn thành công cần phải có phương pháp thực hiện đúng. Mà nói về phương pháp, rõ ràng “bầu” Đức đã đi trước “bầu” Thắng một bước.