Trang chủ » Điểm nóng » Khi nào nên từ bỏ một vụ mua lại hay sáp nhập?

Khi nào nên từ bỏ một vụ mua lại hay sáp nhập?

Tác giả:

Từ ý tưởng…

Quyết định thực hiện một thương vụ mua lại là một công việc thú vị; nhưng việc đánh giá, định giá, phân tích đối tượng (hay còn được gọi là việc đánh giá với trách nhiệm cao nhất – due diligence) thì không hề thú vị như vậy.

Định giá chính xác đối tượng mua lại là việc
không hề dễ dàng chút nào
Ảnh: www.fair-deal.org

Điều này giải thích tại sao nhiều công ty lại thực hiện nhiều vụ mua lại kém hiệu quả đến thế. Mặc dù các công ty lớn thường tỏ ra là họ đã phân tích kỹ lưỡng về quy mô và phạm vi của những thương vụ đang được thảo luận, chẳng hạn như tập hợp các nhóm làm việc lớn và sử dụng rất nhiều tiền.

Nhưng thực ra, một khi những nhà lãnh đạo cấp cao đã nhắm được đối tượng của riêng họ thì việc thương vụ đó được thực hiện là điều không thể không xảy ra.

Việc đánh giá, định giá đối tượng của vụ mua lại thường trở thành việc xác minh lại báo cáo tài chính của đối tượng hơn là việc tiến hành phân tích một cách khách quan những logic mang tính chiến lược của thương vụ và năng lực của bên mua nhằm thu được giá trị từ thương vụ.

Hiếm khi nào quy trình đánh giá đối tượng lại khiến cho những nhà quản lý từ bỏ những thương vụ, ngay cả khi thương vụ này có nhiều vấn đề không hoàn hảo.

… Đến thực tế

Safeway không thành công trong
thương vụ mua lại Dominick do không
chịu đầu tư thời gian nghiên cứu
đúng mức
Ảnh: www.flyingcoloursballoons.com

Hãy xem xét trường hợp của Safeway, một chuỗi cửa hàng tạp hóa hàng đầu của Mỹ nổi tiếng với vụ sáp nhập đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm và uy tín của họ.

Vào năm 1998, Safeway đã mua lại Dominick, một siêu thị tại Chicago. Logic chiến lược của vụ làm ăn trị giá 1,8 tỷ USD này xem ra khá hoàn hảo.

Thương vụ này đã giúp doanh số của Safeway tăng thêm 11% ngay cả vào thời điểm mà những đại gia bán lẻ như Wal-Mart và Kmart cũng đang bày bán các mặt hàng tạp hóa và liên tục giành được thị phần từ các đối thủ khác.

Điều này cũng giúp Safeway có chỗ đứng vững chắc trên một thị trường quan trọng như thị trường thủ đô.

Mặc dù tỷ suất dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh của Dominick chỉ là 7,5%, tụt lại đằng sau so với mức 8,4% của Safeway nhưng ông Steve Burd, Tổng Giám đốc điều hành của Safeway, vẫn thuyết phục các nhà đầu tư rằng ông có thể nhanh chóng nâng tỷ suất này của doanh nghiệp được mua lại là Dominick lên đến mức 9,5%.

Tuy nhiên, Safeway đã kết thúc thương vụ mua lại trên chỉ sau năm tuần, khoảng thời gian này tương đương với một phần ba giai đoạn chấm dứt trung bình của các vụ mua lại lớn.

Safeway có thể đã rất hối tiếc vì đã không đầu tư thời gian cho việc đánh giá đối tượng mua lại.

Chiến lược tập trung của Dominick vào thực phẩm chế biến sẵn, những quán bán đồ ăn đơn giản bên trong các cửa hàng và sự đa dạng hóa sản phẩm không phù hợp với chiến lược chú trọng vào thương hiệu cửa hàng và nguyên tắc chi phí của Safeway.

Tổ chức công đoàn mạnh của Dominick chống lại những kế hoạch cắt giảm chi phí của Safeway. Và cùng với sự không sẵn sàng của người tiêu dùng trong việc tiếp nhận các hàng hóa mang nhãn hiệu riêng của Safeway, Dominick nhanh chóng mất dần thị phần vào tay đối thủ chính của họ, công ty Jewel.

Nếu Safeway chịu giành thời gian và công sức đánh giá đối tượng một cách kỹ lưỡng đã có thể giúp bộc lộ ra các vấn đề này, và như vậy “túi tiền” của Safeway vẫn còn nguyên vẹn.

Muốn thành công trong một thương vụ mua lại phải
cần dành thời gian và công sức để nghiên cứu đối
tượng một cách kỹ lưỡng
Ảnh: nusmbaconsultingclub.blogspot.com

Thay vào đó, Safeway thậm chí đã không thể bán được Dominick với giá chỉ bằng một phần năm giá mua ban đầu.

Safeway chỉ là một trong số rất nhiều công ty phải chịu hậu quả từ việc không đánh giá đúng đối tượng. Vào tháng 12 năm 2002, Bain & Company đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 250 nhân viên phụ trách M&A.

Một nửa những người tham gia cuộc khảo sát thừa nhận rằng quá trình đánh giá đối tượng mà họ thực hiện không hướng tới được những vấn đề cơ bản, và cũng một nửa số người cho rằng đối tượng của họ thường đánh bóng tài sản của mình trước khi tham gia vào thương vụ.

Hai phần ba số người tham gia cho biết họ thường đánh giá quá cao sức mạnh chung mà việc mua lại được kỳ vọng là có thể mang lại.

Chỉ có 30% những nhân viên này tỏ ra hài lòng về sự kỹ lưỡng, chính xác của quy trình đánh giá đối tượng mà họ đã thực hiện.

Một phần ba số người này thừa nhận họ chưa giải quyết được những vấn đề gặp phải đối với những thương vụ mà họ còn nhiều hoài nghi.

Để thành công trong thương vụ mua
lại hay sáp nhập, các công ty
cần có quy trình đánh giá đối tượng
kỹ lưỡng và chính xác
Ảnh: www.rarecoin.com.au

Vậy các công ty phải làm gì để cải thiện việc đánh giá này?

Để trả lời được câu hỏi này, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng về 20 công ty, bao gồm cả công ty tư nhân và nhà nước. Các công ty này đều là điển hình cho việc đánh giá đối tượng một cách chính xác.

Chúng tôi đưa ra những kết luận nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu trên hơn 2000 vụ mua lại trong vòng 10 năm qua.

Chúng tôi đã phát hiện ra rằng những công ty thành công trong việc mua lại thường nhìn nhận việc đánh giá đối tượng không chỉ là công việc xác minh lại số liệu.

Trong khi làm việc cẩn thận với các con số, họ cũng xem xét lại kỹ lưỡng những nguyên nhân khái quát và chiến lược dẫn tới việc mua lại này. Họ nhìn nhận lại tổng thể tình hình, tìm ra điểm yếu, điểm mạnh, phát hiện ra những giả định không đáng tin cậy và tìm kiếm những thiếu sót khác của lập luận.

Họ sử dụng những phương pháp đánh giá khách quan và có nguyên tắc. Những nhà quản lý cấp cao theo dõi sát sao kết quả nghiên cứu và phân tích, và họ sẵn sàng từ bỏ thương vụ này ngay cả ở những khâu cuối cùng của cuộc đàm phán.

Đối với những công ty này, việc đánh giá đối tượng trở nên một đối trọng đối với sự hứng khởi của những nhà quản lý khi họ bắt đầu theo đuổi mục tiêu đã chọn.

Những công ty thành công trong việc mua lại mà chúng tôi nghiên cứu đều rất kiên định với phương pháp đánh giá đối tượng mà họ đã đề ra. Mặc dù vẫn có sự khác biệt về trọng tâm nghiên cứu giữa các công ty, tuy nhiên họ đều xây dựng quy trình đánh giá đối tượng nhằm giải quyết bốn câu hỏi cơ bản:

  • Cái chúng ta thực sự mua là gì?
  • Giá trị riêng của đối tượng mua lại là gì?
  • Cái gì tạo nên những năng lực kết hợp và những yếu tổ chủ yếu tạo nên năng lực kết hợp đó?
  • Giá cuối cùng là bao nhiêu?

    Đánh giá đối tượng không chỉ đơn thuần là
    công việc xác minh lại số liệu
    Ảnh: opengardensblog.futuretext.com

Trong những phần tiếp theo, chúng tôi sẽ đi sâu nghiên cứu những câu hỏi này và sẽ giúp bạn đánh giá được mức độ hiệu quả mà những câu hỏi đó có thể mang lại khi cung cấp cho các công ty những cơ sở lí luận vững chắc để đánh giá đối tượng được mua lại.

Đón đọc phần tiếp theo: Cái chúng ta thực sự mua lại là gì?

– Tóm tắt ý tưởng chính từ bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review của
Geoffrey Cullinan[1], Jean-Marc Le Roux[2] và Rolf-Magnus Weddigen[3]

  • HBV-TVN

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.



[1] Geoffrey Cullinan là thành viên của Bain & Company (Một công ty tư vấn) tại London và tư vấn về lĩnh vực quyền lợi thực tế của cá nhân tại Châu Âu. Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm về quản lý, cố vấn chiến lược và là người có kinh nghiệm đầu tư trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, bao gồm cả sản phẩm tiêu dùng, lĩnh vực bán lẻ, máy móc tự động, thiết bị xây dựng và kinh doanh dịch vụ tài chính. Geoffrey tốt nghiệp Đại học Essex và lấy bằng MBA với học vị cao nhất tại IMEDE, Lausanne.

[2] Jean-Marc Le Roux là thành viên của Bain & Company, văn phòng tại Paris. Ông hiện là lãnh đạo của nhóm Private Equity của văn phòng Paris. Trước khi làm việc tại đay, ông từng lãnh đạo một số dự án nghiên cứu khoa học, tài chính và một số lĩnh vực kinh tế khác, bao gồm cả chiến lược phát triển, thực hành và hệ thống kinh tế trụ cột của Châu Âu và Bắc Mỹ. Ông cũng từng làm việc như một kỹ sư bán hàng cho IBM tại Pháp và Bắc Mỹ. Ông tốt nghiệp lớp MBA tại INSEAD và BS (Bachelor of Science – cử nhân khoa học) của Ecole Polytechnique

[3] Rolf-Magnus Weddigen làm việc tại văn phòng Munich của Bain & Company từ năm 1989 với vai trò hỗ trợ và cố vấn. Hiện tại ông là thành viên lớn nhất và tích cực hoạt động nhất của Bain về lĩnh vực quyền lợi thực tế của cá nhân. Ông phụ trách quản lý lĩnh vực đầu tư tài chính tại Châu Âu và nghiên cứu về tác dụng của lưu thông thị trường với vai trò là một cổ đông đầu tiên của công ty trong lĩnh vực tài chính.