Trang chủ » Điểm nóng » Nhân công giá rẻ: Tiềm năng toàn cầu hóa (Phần 1)

Nhân công giá rẻ: Tiềm năng toàn cầu hóa (Phần 1)

Tác giả:

Từ ý tưởng…

Ngày nay, Offshoring đã trở thành xu thế chung
của các tập đoàn lớn trên thế giới
Ảnh: www.cartoonstock.com

Offshoring[1] có thể tiết kiệm cho công ty của bạn những khoản tiền lớn trong kinh doanh, sản xuất. Nhưng đừng để sự hấp dẫn của offshoring làm lu mờ những ưu thế lớn hơn, đem lại từ quá trình mở rộng của nền kinh tế toàn cầu: Các cơ hội để chuyển sự tiết kiệm trong chi phí sản xuất thành những hình thái giá trị mới cho khách hàng của bạn và tạo ra sự đột biến trong tăng trưởng thu nhập của công ty bạn.

Vậy làm thế nào để nắm bắt được những lợi thế đó?

Trước tiên, bằng cách sắp xếp hợp lý lại bộ máy sản xuất cũng như mạng lưới phân phối sản phẩm trên toàn cầu ta có thể hạ giá thành sản phẩm.

Ví dụ: Ở những nơi có giá nhân công thấp, ta có thể thuê người nhập số liệu vào hệ thống máy tính thay vì mua những phần mềm đắt tiền cho công việc đó.

Tiếp theo, dựa trên những tiết kiệm chi phí đó chúng ta có thể đem tới cho khách hàng chất lượng phục vụ tốt hơn hoặc sản phẩm được bán ở mức thấp nhất. Chính vì thế chúng ta sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng sản phẩm, thu hút khách hàng mới và tiến vào khai thác các thị trường mới.

Một minh họa cụ thể: Các tập đoàn bưu chính viễn thông của Mỹ nhận thấy rằng sau khi thành lập các trung tâm viễn thông ở nước ngoài, họ có thể cung cấp dịch vụ điện thoại tới cả những khách hàng ít tiền và những dịch vụ đó vẫn đem lại lợi nhuận cho họ.

Theo số liệu của Học viện McKinsey Global[2] thì ngành công nghiệp ô tô có thể tiết kiệm được 150 tỷ USD mỗi năm thông qua chiến lược toàn cầu hóa và tăng thêm thu nhập khoảng 170 tỷ USD mỗi năm bằng cách sử dụng các khoản tiết kiệm đó để cung cấp các loại xe với giá cả phải chăng cho những thị trường thu nhập thấp.

… Đến thực tế

Các công ty có thể thu được lợi nhuận
khổng lồ từ toàn cầu hóa
Ảnh: www.babsoninsight.com

Làm thế nào để thu được lợi nhuận tối đa từ toàn cầu hóa? Hãy áp dụng các bước sau đây:

1. Xác định mức độ toàn cầu hóa cho ngành công nghiệp của bạn

Không phải tất cả các lĩnh vực trong cùng một thời điểm, đều có chung những lợi thế cũng như hạn chế.

Chẳng hạn: ngành điện tử gia dụng đã có khả năng toàn cầu hóa một cách rộng rãi. Vì sao vậy? Bởi vì: các sản phẩm đó nhỏ, nhẹ, mang lại giá trị cao trong khi dễ dàng vận chuyển sản phẩm với chi phí vận chuyển thấp và ít gặp các rào cản thương mại.

Ngược lại, quá trình toàn cầu hóa của ngành công nghiệp sản xuất thép hiện tại bị cản trở bởi phải đầu tư lớn cho các lò luyện thép, thuế quan cao, các chi phí để bảo vệ môi trường theo quy định của chính phủ và giá vận chuyển thành phẩm cao.

Nếu đánh giá được tiềm năng toàn cầu hóa của lĩnh vực mà công ty bạn đang làm, thì bạn có thể xác định khả năng toàn cầu hoá của chính công ty bạn.

2. Quyết định mức độ toàn cầu hóa của công ty bạn

Xác định những rào cản đối với khả năng toàn cầu hóa của công ty của bạn, những rào cản này bao gồm:

Cần phải xác định được những rào cản đối với
khả năng toàn cầu hóa của công ty bạn
Ảnh: www.graficalicus.com

  • Những trở ngại trong quá trình sản xuất: Không đủ nguyên liệu tự nhiên hoặc không đủ cung ứng lao động cho quá trình sản xuất, khó khăn trong việc bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng từ xa, chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm cao và sự không ổn định của nhu cầu tiêu thụ sản phẩm.

  • Các rào cản thương mại: Các loại thuế xuất, nhập khẩu, hạn ngạch thương mại, các lệnh cấm đầu tư nước ngoài và sự thiếu sót các cơ sở pháp lý.

  • Những trở ngại về mặt tổ chức: Các nhà quản lý không muốn phải rời bỏ vị trí hiện tại để chuyển sang quản lý các công ty khu vực, và những động lực cho họ chỉ là để khuyến khích một mức độ làm việc mang tính chất khu vực chứ không phải toàn cầu.

3. Nhận định các cơ hội để loại bỏ các trở ngại đối với tiến trình toàn cầu hóa

Mô hình kinh doanh của nhà sản xuất đồ nội thất IKEA[3] dựa trên việc: tối thiểu hóa chi phí vận chuyển. Nhờ vào thiết kế kiểu mô-đun của sản phẩm (chia thành các khối có thể dễ dàng tháo lắp), IKEA có thể đưa hàng hóa của mình tới nhiều nơi trên thế giới mà tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với cách làm của các nhà sản xuất đồ nội thất theo cách thức truyền thống.

4. Xác định các phương thức để tối ưu hóa sản xuất và tiết kiệm chi phí

Ví dụ: Chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất của một sản phẩm nhất định nào đó tới một địa điểm duy nhất nơi có chi phi sản xuất thấp, sau đó xuất các sản phẩm hoàn thiện trở lại toàn bộ thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp. GM[4] áp dụng phương thức này với việc sản xuất tất cả các dòng xe nhãn hiệu Pontiac Azteks tại Mexico.

Sản xuất các bộ phận khác nhau của sản phẩm tại các địa điểm khác nhau, sau đó đưa đến lắp ráp sản phẩm hoàn thiện ở một nơi khác, như được áp dụng trong công nghiệp sản xuất máy tính.

Tối ưu hóa sản xuất và tiết kiệm chi phí để thu được lợi nhuận tối đa
Ảnh: www.hewett.norfolk.sch.uk

Thay đổi quy trình sản xuất để phù hợp với điều kiện thị trường nước sở tại. Với giá nhân công rẻ ở Ấn Độ, các nhà sản xuất ô tô có nhà máy ở nước này có thể sử dụng lao động chân tay để thay thế cho các thiết bị điều khiển quá trình sơn và hàn mà không làm giảm chất lượng của thành phẩm.

5. Nhận định các cơ hội để tạo ra giá trị mới cho sản phẩm và thâm nhập các thị trường mới

Ví dụ: Một hãng hàng không sau quy định lại các bộ phận chức năng thu tiền và thanh toán ở Ấn Độ đã theo dõi lại và tìm ra hướng xử lý các khoản nợ phải thu và đã thu hồi lại được 75 triệu USD tiền nợ trước đây đã bị mất.

Ở Trung Quốc, các công ty điện tử gia dụng đã thiết kế máy điều hòa giá rẻ hơn cho những khách hàng có thu nhập thấp.

– Tóm tắt ý tưởng chính từ bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review của Diana Farrell

Một số nét về tác giả Diana Farrell

Diana Farrell là thành viên Ban Quản lý của Học viện McKinsey Global (MGI), thuộc chi nhánh của viện nghiên cứu khoa học McKinsey & Company. Diana là hội viên của văn phòng McKinsey tại Washington, DC. Cô cũng là lãnh đạo của Trụ sở Tài chính Toàn cầu và Chiến lược Hành động Toàn cầu, thuộc McKinsey.

Diana tốt nghiệp B.A về kinh tế học tại trường Đại học Wesleyan và về lĩnh vực nghiên cứu xã hội học của trường Cao đẳng Social Studies. Cô cũng tốt nghiệp lớp MBA của trường Kinh doanh Harvard.

Diana phụ trách xuất bản tạp chí khoa học, sách và các trang chuyên đề của những ấn phẩm về lãnh đạo quốc tế. Cô cũng là diễn giả thường xuyên của những buổi thảo luận mang tính chất chuyên ngành trên toàn cầu. Cô còn là đồng tác giả của cuốn Market Unbound (TD: Tự do thương mại), viết cùng Lowell Bryan, NXB Wiley & Sons, 1996. Cô còn là Biên tập viên và là nhà Biên soạn của nhiều đề tài nghiên cứu tại MGI, được xuất bản bởi Harvard Business School.

  • HBV-TVN

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.


[1] Thuật ngữ nói về việc chuyển công việc tới những thị trường nhân công giá rẻ.

[2] McKinsey là một cơ quan toàn cầu, chuyên tư vấn cho các công ty và chính phủ có uy tín và được đánh giá cao, thành lập từ năm 1926, có trụ sở tại nhiều nước trên thế giới: Pháp, Anh, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Nga… Các chuyên gia đã từng làm việc cho công ty tư vấn này được vô khối các nhà tuyển dụng lớn săn đón: General Electric, Telecom Italia, Walt Disney Company, Pepsi Cola, Mars… Điều này đã chứng minh rằng, McKinsey & Company có một chiến lược tuyển dụng, đào tạo và quản lý nguồn nhân lực tương đối hiệu quả.

[3] IKEA là tập đoàn chuyên kinh doanh đồ gỗ của nhà tỷ phú Thụy Điển Ingvar Kamprad. Trải qua hơn 50 năm thành lập, IKEA ngày nay trở thành một tập đoàn đa quốc gia khổng lồ với các trung tâm thương mại đồ gỗ đặt tại 31 nước khác nhau và 76.000 nhân viên. Doanh số hàng năm của IKEA đạt trên 12 tỷ Euro.

[4] GM (General Motors) là tập đoàn sản xuất ô tô do William Crapo Durant thành lập năm 1897 với cái tên khởi thủy Motor Vehicle Company Inc, một trong những tập đoàn ô tô lớn nhất thế giới hiện nay.