Trang chủ » Tranh luận » DN sữa vô tư “ăn” trên đầu người tiêu dùng

DN sữa vô tư “ăn” trên đầu người tiêu dùng

Tác giả:





Theo báo cáo tài chính năm 2009 của Vinamilk, lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 2.732 tỷ đồng. Tức là, tỷ suất lợi nhuận trước thuế của công ty này là 25,7% trong khi tỷ suất lợi nhuận của Nestle ở Malaysia cũng chỉ khoảng 14%.

 

Chỉ trong một thời gian ngắn, giá sữa liên tục tăng tổng cộng khoảng 14% khiến không chỉ người tiêu dùng, mà ngay cả người bán hàng cũng "choáng váng". Đặc biệt, thời điểm tăng giá lại rơi ngay vào sau Tết, khi hàng loạt mặt hàng tiêu dùng, hàng hóa thiết yếu cũng tăng, càng khiến cho người tiêu dùng xôn xao. Doanh nghiệp thì luôn có đủ lý do để "buộc" phải tăng giá.

 

Lợi nhuận của doanh nghiệp quá cao?

 

Trong tháng 1 và đầu tháng 2, nhiều hãng sữa như Vinamilk, Abbott, Friso… đã tăng giá nhiều mặt hàng sữa từ 7% – 10%. Ngày 12/2, Vinamilk lại thông báo tăng giá bán các sản phẩm sữa chua uống, sữa bột, sữa đặc thêm 6%, còn các loại sữa chua ăn và sữa tươi mức tăng là 3%. Từ ngày 1/3, hàng loạt các hãng sữa cũng niêm yết mức giá mới cao hơn mức cũ từ 8% – 10%… Liên tiếp các đợt tăng giá làm người tiêu dùng "tối tăm mặt mũi".

 

Lý do tăng giá được DN đưa ra là do giá nguyên liệu đầu vào và tỷ giá VND/USD tăng cao so với năm 2009. Nguyên nhân này là có thật, nhưng điều đáng nói là DN tỏ ra rất thiếu chia sẻ với các "thượng đế" của mình. Mỗi lần giá cả đầu vào biến động, "gánh nặng" giá nhanh chóng được đẩy lên vai người tiêu dùng.

 

Doanh nghiệp (DN) luôn kêu gặp khó vì giá cả tăng, tuy nhiên, nhìn vào báo cáo lợi nhuận, có thể thấy họ vẫn đang rất "phơi phới". Theo báo cáo tài chính năm 2009 của Vinamilk, doanh thu thuần hợp nhất cả năm đạt 10.614,8 tỷ đồng; lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 2.732 tỷ đồng. Tức là, tỷ suất lợi nhuận trước thuế của công ty này là 25,7%. Trước đó, trong báo cáo giải trình báo cáo kết quả kinh doanh quí III – 2009 gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Vinamilk cho biết: Tổng lợi nhuận trước thuế của họ tăng 48,61% so với quí II. Trong đó, doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 332 tỷ đồng, thì lợi nhuận từ hoạt động này tăng đến 113 tỷ, chiếm hơn 35%. Tương tự, năm 2008, tỷ suất lợi nhuận trước thuế của Vinamilk cũng là 31,6%.

 

Theo lãnh đạo một DN trong ngành, tỷ suất lợi nhuận này là quá cao so với khu vực và thế giới, thông thường chỉ ở mức 14% – 15%. Theo báo cáo tài chính của Nestle, năm 2009, lợi nhuận của hãng này là 9,5 triệu USD, trên tổng doanh thu khoảng hơn 102 triệu USD; tỷ suất lợi nhuận là gần 9,3%.

 

Theo nguồn tin từ lãnh đạo một công ty sữa trong nước, tỷ suất lợi nhuận của Nestle ở Malaysia cũng chỉ khoảng 14%. Khi DN kiên quyết không giảm lợi nhuận, thì gánh nặng giá của người tiêu dùng đương nhiên không thể nhẹ đi.

 


Lợi nhuận và các chi phí của DN quá cao, đẩy gánh nặng về giá lên vai người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Cần sòng phẳng với khách hàng

 

Theo dõi những biến động về giá cả, có thể thấy DN rất thiếu sòng phẳng với người tiêu dùng. Khi giá đầu vào tăng, họ lập tức tăng giá, nhưng khi giá đầu vào giảm, họ im lặng. Theo khảo sát của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), năm 2008, giá sữa đầu vào giảm hơn 50% (từ 4.550 USD/tấn xuống 2.150 USD/tấn) nhưng các DN vẫn mở nhiều đợt tăng giá. Sang năm 2009, giá nguyên liệu sữa từ 2.400 USD tăng lên 3.100 USD/tấn vào tháng 10, ngay lập tức các hãng sữa lại tiếp tục điều chỉnh giá tăng từ 10% – 15%. Thêm vào đó, rất vô lý là đối với mặt hàng sữa, DN hiếm khi nghĩ đến tiết giảm chi phí để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng. Bằng chứng là chi phí quảng cáo luôn cao ngất ngưởng.

 

Cũng lại theo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính, chi phí quảng cáo, tiếp thị của Nestle Việt Nam chiếm khoảng 30% chi phí kinh doanh; chi phí bán hàng ở Mead Johnson Nutrition 6 tháng đầu năm 2009 chiếm đến 66,45% tổng chi phí. Tại DN này, tổng các loại chi phí đã vượt 10 lần so với số khống chế (khoảng 15% doanh thu)… Đó là những nguyên nhân khiến cho giá đến tay người tiêu dùng cao gấp đôi, gấp 3 lần giá nhập.

 

Rất nhiều điều vô lý đang tồn tại, nhưng khả năng tự bảo vệ mình của người tiêu dùng lại rất mong manh. Dù giá cao, con cái của họ cũng không thể ngừng uống sữa, nên người tiêu dùng vẫn cắn răng chấp nhận.

 

Trao đổi với PV Báo Công an nhân dân, một chuyên gia của Viện Khoa học thị trường giá cả cho rằng: mức tăng hợp lý hay không, hoàn toàn có thể đặt lên bàn tính một cách khoa học, chứ không mập mờ như hiện nay. Gánh nặng phải được chia sẻ, chứ không phải đổ phần lớn lên vai người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm lạm phát đang rập rình quay lại.

 

Lại nói về riêng mặt hàng sữa, cần thấy rằng hiện đến 70% lượng sữa tiêu thụ ở thị trường trong nước tập trung ở 10% dân số của các TP lớn. Tức là 90% còn lại rất ít hoặc không thể tiếp cận với mặt hàng này. Giá cả càng cao, cơ hội được uống sữa của trẻ em nghèo càng trở nên xa vời.

 

CAND