Trang chủ » Tranh luận » Hai bộ mặt, hai cách nhìn

Hai bộ mặt, hai cách nhìn

Tác giả:







 

Trong lễ khai mạc triển lãm quốc tế về “Công nghệ đóng tàu, hàng hải và vận tải” lần thứ năm vào sáng 17.3, lẫn cuộc hội thảo về chủ đề này diễn ra hôm qua, chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình đều giữ một vẻ mặt ưu tư, thoáng chút cô đơn, khác hẳn vẻ mặt của tổng giám đốc đầu tư Lê Lộc.

 

Người đứng đầu tập đoàn kinh tế mũi nhọn của nhà nước hẳn có những lý do của mình.

Việc tổ chức Vietship 2010, tại trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, do ông Phạm Thanh Bình là trưởng ban, diễn ra trong bối cảnh Vinashin phải tiếp một đoàn kiểm tra từ uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, trước khi tiếp tục là đối tượng của Thanh tra Chính phủ vào tháng 6 tới. Việc thanh tra, kiểm tra, theo thông báo, liên quan tới sự lành mạnh về tài chính, và đặc biệt là sự minh bạch trong mua sắm thiết bị, của tập đoàn này.

 

Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước, tổng nợ ngân hàng của Vinashin là gần 20 ngàn tỉ. Một báo cáo khác, do Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện, lại đưa ra con số về tổng nợ quá hạn của tập đoàn này, cho đến cuối năm 2008, là gần 4 ngàn tỉ đồng, chiếm tới hơn 90% nợ quá hạn của bảy tập đoàn kinh tế nhà nước.

 

Lực hỗ trợ từ Nhà nước

 

Trong khi đó, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các hợp đồng đóng mới tàu biển trong năm 2009 giảm mạnh. Hơn nữa, trong số những hợp đồng đã ký trước đó có khoảng 17% bị huỷ, tuy có ít hơn so với Hàn Quốc và Trung Quốc (khoảng 20%).

 

Vẻ mặt tươi tỉnh và giọng nói đầy tự tin của ông Lộc cũng có thể hiểu dưới một góc độ khác. Ông đang thuyết trình trước các đối tác làm ăn nước ngoài. Và ông cũng có những luận cứ riêng của mình.

 

Theo ông Lộc, Vinashin cũng kịp thu lợi không ít từ những hợp đồng bị huỷ này. “Chúng tôi vẫn tiếp tục đóng xong một số tàu bị huỷ hợp đồng giữa chừng, và bán lại”, ông Lộc nói, và cho biết thêm nguồn vốn để làm việc này đến từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ. Trao đổi riêng với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lộc cũng cho biết nguồn tiền thu lại được từ các dự án đầu tư thiếu hiệu quả ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, như gần 1.500 tỉ đồng đầu tư vào hơn 20 triệu cổ phần của Bảo Việt (được Thủ tướng yêu cầu SCIC mua lại với giá gốc – NV), cũng là một sự bổ sung vốn quý báu.

 

Ông Lộc khẳng định với các đối tác nước ngoài trong hội thảo rằng Nhà nước đã xác định sẽ hỗ trợ tín dụng cho Vinashin với số tiền khoảng 20 ngàn tỉ đồng, tương đương với hơn 1 tỉ USD. “Ngoài khoản hỗ trợ trực tiếp, Chính phủ còn đứng ra bảo lãnh cho chúng tôi vay tín dụng từ các tổ chức tài chính quốc tế, và việc thương lượng đang được tiến hành”, ông Lộc nói.

 

Còn một nguồn hỗ trợ nữa từ Chính phủ, theo ông Lộc, không trực tiếp nhưng lại có hiệu quả cao. Đó là Chính phủ cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước khác đặt hàng nhằm duy trì việc làm và giúp Vinashin đứng vững trong thời điểm cực kỳ khó khăn này. Ông Lộc nêu ra các ví dụ về 40 con tàu được đặt hàng cho Vinalines, hay kho chứa dầu ngoài khơi FSO–05 cho Petro Vietnam.

 

“Vinashin đang đàm phán, hoặc đang hoàn tất hợp đồng với các đối tác từ Nhật Bản, Na Uy, Ý và Indonesia”, ông Lộc tiết lộ tại hội thảo. Theo ông, một trong những nguyên nhân khiến Vinashin vẫn cố duy trì được các đơn hàng là do giá nhân công đối với nguồn nhân lực có tay nghề cao của Vinashin chỉ bằng 1/10 so với Hàn Quốc, hay bằng 1/2 – 1/3 so Trung Quốc.

 

 

 

Vinashin được hỗ trợ từ dự án đóng tàu được Chính phủ cấp tín dụng.

 

Triển vọng từ dự đoán

 

Các vị khách quốc tế đã tỏ ra quan tâm đến những dự định đầy tham vọng của tổng giám đốc phụ trách đầu tư Vinashin, như kế hoạch nội địa hoá 60% vào năm 2015, hay hoàn thành chuỗi 72 điểm có thể hạ tàu và đóng tàu trên suốt dài bờ biển Việt Nam. Thậm chí, đại diện của hãng Watson, Farley & Williams là Christopher Muesel, trong phần trình bày có tiêu đề “Cơ hội Việt Nam: những lĩnh vực liên quan đến đóng tàu và nguồn tài chính cho đóng tàu”, đã đưa ra khẳng định về tương lai ngành đóng tàu của Việt Nam. Ông Muesel đưa ra những con số ấn tượng về tăng trưởng của Việt Nam trong những năm qua, và nhu cầu rất lớn về phát triển hạ tầng. Vị chuyên gia tư vấn này không quên đánh giá triển vọng từ việc đàm phán với Mỹ về hiệp định đầu tư song phương, và tham gia vòng đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương nhằm gắn với nhu cầu rất lớn về vận tải và đóng tàu biển.

 

Trong khi đó ông Đỗ Thái Bình, một cựu kỹ sư của Vinashin và hiện nay là chủ một công ty đối tác của tập đoàn này, lại tỏ vẻ hoài nghi. “Nghe cả buổi, chẳng thấy ông Tây nào nhắc đến việc hợp tác đầu tư cả, mà chỉ toàn quảng cáo bán thiết bị và dịch vụ thôi. Thảo nào họ tham dự triển lãm này đông thế”, KS Bình nhận xét.

 

Ý kiến này dường như tìm được chia sẻ, mặc dù từ góc độ khác, từ một nhà cung cấp thiết bị sấy trên tàu đến từ Hàn Quốc. Ông này, trong lúc hút thuốc ngoài hành lang hội thảo, nói: “Năm ngoái đã kém, năm nay chắc còn kém hơn. Chúng tôi chỉ hy vọng giữ được mức bán hàng bằng 70% năm ngoái là quá tốt rồi”.

 

Ông vừa nói, vừa đưa mắt nhìn theo làn khói phả ra theo hơi thở dài.

 

SGTT