Trang chủ » Tranh luận » Tăng giá điện, thêm vài trăm đồng thì… đáng gì

Tăng giá điện, thêm vài trăm đồng thì… đáng gì

Tác giả:

Dư luận còn chưa hết sốc với đề xuất tăng giá điện từ 5 cent/kWh hiện hành lên mức 8cent/kWh (tương đương 1.500 đồng) và xoá bỏ giá điện bậc thang của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), thì trên báo Tuổi trẻ sáng nay (15/8), Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi “khẳng khái” tuyên bố việc tăng thêm vài trăm đồng chả đáng gì.

TIN LIÊN QUAN

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn ông Ngãi trên báo Tuổi trẻ.

Ông Ngãi nói:

– Chúng tôi đưa ra mức giá 8 cent/kWh (100 cent = 1 USD), tương đương tăng thêm khoảng 400 đồng/kWh so với hiện tại, là mức không hề cao. Chúng ta nên nhớ rằng đã hơn chục năm nay không có nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào điện ở VN.

Mô tả ảnh.
Ông Trần Viết Ngãi. (Ảnh: K.Hưng/Tuổi trẻ)

Thứ hai là các tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than – khoáng sản, Sông Đà… đang đầu tư vào điện nhưng tỉ suất lợi nhuận rất thấp. Do đó họ không có vốn để tái đầu tư dẫn tới các dự án đều chậm tiến độ. Nếu cứ kéo dài mãi giá 5-5,5 cent/kWh như hiện nay thì cả chục năm nữa VN sẽ vẫn thiếu điện và thiếu điện nghiêm trọng.

Việc thiếu điện đó còn nguy hại hơn, gây tốn kém cho xã hội hơn rất nhiều so với việc tăng mấy trăm đồng giá bán điện.

Chúng tôi đã khảo sát các nhà đầu tư nước ngoài và họ khẳng định với mức giá khoảng 8 cent/kWh, họ sẽ đầu tư vào điện ở VN vì như thế mới có lãi.

Mặt khác, hiệp hội đã khảo sát giá bán và lợi nhuận của các tập đoàn đầu tư vào điện. Kết quả với giá 7-8 cent, các tập đoàn này cũng sẽ có lãi ở mức tương đối, chấp nhận được. Cụ thể, tỉ suất lợi nhuận của họ sẽ đạt 4-5%. Như thế người ta mới đủ điều kiện để đầu tư các dự án điện lớn.

PV: Nhưng mức tăng thêm khoảng 400 đồng/kWh là gây sốc, ngay cả với hộ khá giả. Tại sao hiệp hội không đề xuất mức tăng dần theo lộ trình?

– Tăng dần 100-200 đồng thì giải quyết được vấn đề gì. Không tăng như chúng tôi đề xuất trong khi giữ giá điện bậc thang như hiện nay vẫn là bao cấp, cơ bản không thay đổi gì. Cần nhấn mạnh chúng tôi có đề xuất tăng cao hết lên 8 cent/kWh đâu, người nghèo khó khăn vẫn được giữ giá ưu đãi cơ mà. Vì vậy tôi đề nghị nên có bước đột phá mới trong tư duy để ngành năng lượng nói chung và điện, than, khí không bị lỗ, không bị thiếu.

Tôi không cho rằng mức tăng trên là nhảy vọt. Tăng thêm 10 hoặc trên 10 cent/kWh mới là nhảy vọt. Nên nhớ một cốc chè xanh bây giờ đã khoảng 2.000 đồng rồi. Trong khi đó, làm ra 1kWh điện mất rất nhiều công sức, thế mà bán không bằng một cốc nước chè thì vô lý quá.

bc.jpg
"Chúng tôi sẽ còn đề xuất tăng giá cho điện mặt trời, điện gió", ông Ngãi nói. (Ảnh: Hanoipc)

PV: Nhiều người cho rằng hiệp hội chủ yếu đề xuất theo ý muốn của các doanh nghiệp mà ít đại diện cho quyền lợi người dân?

– Không đúng. Chúng tôi đứng trên quan điểm chung của nhân dân, của Đảng, Chính phủ. Các doanh nghiệp trong ngành năng lượng làm ăn thế nào tôi nắm được. Người ta lãi, lỗ tôi đều biết. Tôi chỉ nêu thực tế trong số 13 dự án nhiệt điện chạy than trong quy hoạch điện VI với tổng công suất trên 13.800MW, yêu cầu năm 2015 phải xong, nay mới khởi công được có hai dự án vì thiếu tiền.

Ngành điện mùa khô năm nay đã lỗ trên 3.000 tỉ đồng. Ai cho người lỗ vay tiền? Mất điện một giờ thiệt hại hàng tỉ đồng, bức tranh xã hội xấu, người dân khổ. Còn việc đề xuất là theo quan điểm của chúng tôi, việc nghe hay không là quyền của các cơ quan nhà nước.

PV: Nếu tăng giá có chắc chắn hết thiếu điện?

– Chắc chắn không một lúc hết thiếu điện ngay, nhưng khi tăng giá điện như trên ngành điện sẽ phải cam kết với Đảng, Nhà nước, nhân dân rằng chúng tôi đủ vốn, chúng tôi không chậm tiến độ và chắc chắn với đầu tư vào điện nhiều lên, điện sẽ không thiếu nữa. Giá điện tăng đến 8 cent/kWh, tôi chắc cả trăm nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào. Nên chúng tôi sẽ còn đề xuất tăng giá cho điện mặt trời, điện gió nhưng vào dịp khác.

PV: Hiệp hội có tính đến những tác động của giá điện như mức đề xuất hay chưa?

– Chúng tôi đưa ra hai mức giá chứ không phải tất cả đều 8 cent/kWh. Thứ nhất là người nghèo, vùng sâu vùng xa, gia đình chính sách…, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể cho không hoặc Nhà nước vẫn nên hỗ trợ. Những người này vẫn sẽ được hưởng 50kWh đầu với giá ưu đãi. Nếu họ có dùng trên 50kWh cũng chỉ tính giá dưới 1.000 đồng/kWh. Nghĩa là những người nghèo sẽ không bị ảnh hưởng, vẫn được bao cấp.

Còn những hộ khá giả, hộ giàu, tôi cho rằng tăng thêm  khoảng 400 đồng/kWh chẳng là cái gì đối với người ta. Cái những hộ này cần là chất lượng điện tốt, không cắt điện của họ chứ không phải mấy trăm đồng/kWh. Vì theo tính toán của chúng tôi, tăng giá như mức đề xuất mỗi hộ một tháng cũng chỉ phải tăng chi trả 15.000-16.000 đồng, không cao lắm. Với doanh nghiệp, chi phí tăng thêm cũng không đáng kể.

Hơn nữa, tiêu dùng điện ở VN vẫn đang lãng phí. Cần tăng giá điện để tăng tiết kiệm.