Trang chủ » Tranh luận » Lâm Đồng sẵn sàng đối chất với bầu Đức tại tòa

Lâm Đồng sẵn sàng đối chất với bầu Đức tại tòa

Tác giả:

LTS: Để rộng đường dư luận, VNR500 tổng hợp một số ý kiến của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng phản pháo với những cáo buộc từ phía Hoàng Anh Gia Lai. Bạn đọc quan tâm xin gửi ý kiến thảo luận về địa chỉ [email protected].

Nhiều thông tin “đập” lại bầu Đức

Mới đây nhất là ý kiến của ông Nguyễn Văn Yên – Giám đốc Sở Tài chính Lâm Đồng, sau khi luật sư của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chính thức nộp đơn khởi kiện Sở Tài chính ra toà vì vi phạm hợp đồng kinh tế.

Với tư cách là đơn vị trực tiếp ký kết hợp đồng cho thuê tài sản với HAGL, ông Yên viện dẫn các lý do dẫn tới việc thu hồi 11 căn biệt thự. Đó là khoản 12, điều 1 của Quyết định số 53, ngày 2/3/2005 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành quy chế cho thuê biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP. Đà Lạt; là văn bản 3592, ngày 22/05/2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng gửi HAGL “yêu cầu trong phạm vi hai tháng (từ nay đến 20/7/2008) phải tổ chức nâng cấp, sửa chữa các biệt thự được giao.

Sau đó mới tới văn bản số 1068, ký ngày 24/2/2009 – mà Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức khởi kiện – với “yêu cầu công ty cổ phần HAGL khẩn trương thực hiện việc đầu tư nâng cấp các biệt thự được giao trong năm 2007 và 2008; nếu sau 12 tháng kể từ ngày được bàn giao biệt thự mà không tổ chức triển khai thì UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ thu hồi theo quy định hiện hành”.

Chưa kể, HAGL đã để các căn biệt thự mà tỉnh đã giao xuống cấp và mất mát tài sản của Nhà nước là đã đủ điều kiện để trình thu hồi chứ không cần thiết là để quá 12 tháng, trong khi thực tế đã kéo dài quá 3 năm. Như vậy, việc thu hồi này là chúng tôi làm đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật“, ông Yên trao đổi với phóng viên báo SGTT.

GĐ Sở Tài chính đưa ra nhiều thông tin “đập” lại bầu Đức của HAGL (ảnh Internet)

Ngoài ra khi đã bàn giao nhưng HAGL không quản lý nghiêm các ngôi biệt thự này, để xuống cấp nghiêm trọng, mất một số cửa kính, trở thành nơi tụ tập tệ nạn xã hội gây dư luận xấu và phản ứng của người dân.

Cũng trong cuộc trao đổi này, ông Yên đã đưa ra nhiều thông tin mới để “đập” lại HAGL trong vụ việc này.

Thứ nhất, số tiền đền bù giải phóng mặt bằng gần 1 tỷ đồng của HAGL chưa chi thì vẫn còn đó. Sở Tài chính đã gửi ít nhất 5 giấy mời HAGL đến làm việc nhưng 4 lần không hồi đáp, duy nhất một lần đơn vị này cử một cán bộ không có đủ thẩm quyền đến làm việc và không ký vào biên bản.

Lần gần đây nhất là ngày 16/4/2010, Sở Tài chính đã có văn bản số 600 đề nghị HAGL phối hợp để kiểm kê, bàn giao tài sản nhưng HAGL không hợp tác.

Thậm chí, hiện HAGL còn nợ ngân sách tỉnh Lâm Đồng với tổng số tiền thuê biệt thự là gần 112.500 USD (tính đến ngày 10/9/2010).

Thứ hai, người đứng đầu Sở Tài chính Lâm Đồng nhận định (dù ông thừa nhận có thể là chủ quan, một chiều), đây là vụ “khiếu kiện không bình thường”. Lý do của sự bất bình thường này là thời hiệu khiếu nại quyết định theo luật đã hết, trong khi suốt thời gian đó phía HAGL không hề có thông tin phải hồi, chưa kể trước đó UBND tỉnh Lâm Đồng đã có những hai văn bản thông báo.

Nhưng sắp đến ngày Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ 9 thì lại xuất hiện đơn khiếu kiện.

Hơn nữa, trong hợp đồng kinh tế không có điều khoản nào quy định Sở Tài chính phải giao hoàn tất mặt bằng vào năm 2006, mà chỉ thể hiện rằng sẽ giao từ năm 2006 mà thôi. Đồng thời, dự án đã được phê duyệt thiết kế từ trước, sửa chữa và nâng cấp là thực hiện riêng lẻ từng biệt thự, do đó bên B căn cứ vào lý do chưa giao đủ mặt bằng nên không thể triển khai dự án là không có cơ sở.

Bầu Đức đi kiện: Chiêu PR hay bước đường cùng của doanh nghiệp? (ảnh VTC)

Sẵn sàng hầu tòa và hệ luỵ

Ông Nguyễn Văn Yên cho hay, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi trên 35 dự án chậm triển khai. Vì thế, việc thực hiện thu hồi 11 căn biệt thự của HAGL là một chủ trương bình thường để nhằm đảm bảo hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn. Còn lập đoàn thanh tra trước khi thu hồi, ông Yên giải thích, chỉ khi thu hồi đất mới phải làm vậy, còn thu hồi tài sản thì không nhất thiết phải làm thế.

Do vậy, nếu coi đây là tranh chấp về hợp đồng kinh tế thì khi HAGL cho rằng Sở Tài chính Lâm Đồng vi phạm hợp đồng, họ có quyền khởi kiện. Giám đốc Sở Nguyễn Văn Yên khẳng định sẵn sàng hầu tòa để tranh luận.

Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên một doanh nghiệp kiện chính quyền tỉnh. Còn nhớ, hồi năm 2007, Công ty cổ phần XNK Bình Tây (Bitex) đã khởi kiện UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) sau khi khiếu nại UBND tỉnh này cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Liên doanh Baria Serece (mà Bitex góp vốn) chuyển thành công ty cổ phần trái luật, gây thiệt hại về quyền lợi nhưng không được trả lời thỏa đáng.

Mất 3 năm theo đuổi công lý, chưa biết hồi kết vụ kiện thế nào nhưng doanh nghiệp tốn kém cả về công sức và tiền bạc, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng.

Với trường hợp của HAGL, rõ ràng không phải vô cớ mà UBND tỉnh Lâm Đồng đột ngột ra quyết định thu hồi 11 biệt thự, càng không phải tự dưng mà bầu Đức của tập đoàn HAGL lại khởi kiện cơ quan hành pháp. Bên nào cũng ra sức bảo vệ quyền lợi của mình. Chặng đường “đáo tụng đình” còn ở phía trước, có thể cũng sẽ tốn kém, mất thời gian. Tại sao hai bên không ngồi lại với nhau trước khi sự việc bị đẩy đi xa như vậy?