Trang chủ » Tranh luận » Chứng khoán 2010: Trắc trở và nỗi niềm

Chứng khoán 2010: Trắc trở và nỗi niềm

Tác giả:

So với mức tăng trưởng khoảng 64% năm ngoái – năm vực dậy từ đáy khủng hoảng – thị trường chứng khoán năm nay khó có thể nói là thành công khi VN-Index chốt đến ngày 27/12 giảm khoảng 4,4% so với cuối năm 2009.

Những cú “hẫng” chính sách

TTCK luôn nhạy cảm với chính sách và năm 2010 có lẽ là điển hình. Ầm ĩ nhất phải kể đến Thông tư 13 quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng hồi đầu tháng 10/2010. Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng được tăng từ 8% lên 9%.

Mức tăng thực về vốn là không lớn, nhưng điều khiến thị trường lo ngại hơn là việc tăng hệ số rủi ro của các khoản vay, đầu tư liên quan đến bất động sản, chứng khoán. Đi cùng với đó là quy định giảm bớt các khoản cấu thành vốn tự có khiến áp lực đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn mới càng trở nên khó khăn.

Chính sách này đánh thẳng vào các tổ chức tín dụng – thành phần quan trọng và nhạy cảm của thị trường không chỉ trên phương diện dòng vốn đầu tư mà còn từ khía cạnh thanh khoản của hệ thống. Để đáp ứng chuẩn an toàn mới, thị trường lo lắng một khả năng thoái vốn ồ ạt của các tổ chức, hạn chế hoạt động cho vay.

Thực tế, đã có tổ chức như VCB thực hiện bán ra khối lượng lớn chứng khoán đầu tư để đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn. Cuối cùng thì thông tư cũng đã được sửa nhưng thị trường đã có một phen “hồn vía lên mây”.

Năm 2010, những biến động về chính sách tiền tệ khi thì hạ lãi suất, mở rộng tín dụng để tăng trưởng, khi lại tăng lãi suất, siết chặt tín dụng để chống lạm phát, bình ổn vĩ mô; cho đến câu chuyện tỉ giá, lãi suất thiếu nhất quán khiến giới đầu tư càng bối rối và mất niềm tin. Điều hành chính sách khó đoán là một trong những rủi ro lớn nhất trong năm 2010.

Đáng nói, đầu năm 2010, Ủy ban Chứng khoán đã tuyên bố sẽ cho giao dịch T+2 và nhiều giao dịch phái sinh khác và coi đó là động lức thị trường 2010. Chuyện tưởng như thành hiện thực khi Trung tâm lưu ký áp dụng hệ thống quản lý tài khoản mới, nhiều công ty chứng khoán khẳng định sẵn sàng. Thậm chí, Ủy ban Chứng khoán còn cho biết sẽ không chờ đợi tất cả các công ty cùng đủ điều kiện.

Thị trường những tưởng giải pháp T+2 đã được chốt, nhưng rốt cục cho đến nay vẫn chưa rõ vì sao không triển khai được. Không một lời giải thích, không một kết luận, lộ trình cụ thể mà tất cả chi là mơ hồ và chờ đợi.

Tăng huy động vốn: DN làm khó cổ đông

Cùng với đà giảm điểm của các chỉ số, giá của hầu hết cổ phiếu đã không còn giữ được phong độ. Trong tổng số hơn 600 mã chứng khoán niêm yết trên hai sàn, đã có hàng trăm mã có thị giá dưới mệnh giá. Nhớ những năm trước đây, cổ phiếu nào xuống dưới mệnh giá thì phải có chuyện động trời trong doanh nghiệp, chẳng hạn như Bông Bạch Tuyết.

Còn năm nay, không có chuyện gì thì cổ phiếu vẫn cứ xuống bằng giá của mớ rau, cân gạo ngoài chợ. Đã có người than trời khi 3 cổ phiếu mới được một tô phở sáng.

Chính sự thất thường, nên không chỉ các nhà đầu tư nhỏ thứ cấp mà nhiều đại gia cũng bị “lõm” nặng. Điều này có thể thấy rõ khi các mảng nghiệp vụ chính của các CTCK đều không thể cán đích hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2010. Chỉ có những đại gia như CTCK TP.HCM (HSC) hay CTCK Sài Gòn (SSI) thực hiện được khoảng trên 70% kế hoạch. Còn lại các CTCK nhỏ hơn đều không đạt được một nửa kế hoạch, thậm chí lỗ.

Tuy nhiên, dưới một cái nhìn khác, 2010 là một năm mà hoạt động huy động vốn với khối lượng lớn chưa từng có của khối DN đã thành đề tài lớn. Lợi cho doanh nghiệp nhưng đó cũng là một trong những vấn đề nổi cộm nhất năm 2010.

Giúp DN huy động vốn là chức năng quan trọng nhất của TTCK. Xét theo điểm căn bản này, năm 2010 là năm TTCK làm tốt chức năng này. Con số phát hành nêu trong bản cáo bạch của các DN được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận tính từ ngày 1/1/2010 đến 21/12/2010 lên tới trên 62.000 tỷ đồng, bằng khoảng 10% giá trị vốn hóa toàn TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, khi DN chọn phát hành cổ phiếu, trái phiếu thay vì vay ngân hàng, các ngân hàng cố huy động để tăng vốn thì người ta cũng chứng kiến quá phương án huy động vốn lấy được. Dường như DN không còn sự lựa chọn tốt hơn cách đưa ra một phương án ép cổ đông góp vốn đã có rất nhiều phương án phát hành không thành công cho thấy những điểm bão hòa trên thị trường.

Điểm nóng: Thâu tóm, làm giá

Trong năm 2010, hai vụ thâu tóm doanh nghiệp “âm thầm” được dư luận chú ý là ý định mua Công ty Dược Hà Tây (DHT) của Công ty Dược Viễn Đông (DVD) và mới đây nhất là Công ty Bất động sản Bình Thiên An mua lại cổ phần của Công ty Xây dựng Descon (DCC)… gây chấn động thị trường và lúng túng cho cả những nhà quản lý.

Đã có lúc nhóm cổ đông của Dược Viễn Đông công bố đã nắm giữ hơn 60% cổ phần của Dược Hà Tây và tuyên bố sẽ thâu tóm công ty này. Trước tình hình đó, DHT cũng đã dùng nhiều biện pháp để chống lại như mua cổ phiếu quỹ hay phát hành cổ phiếu, nhưng đều bị DVD là cổ đông lớn bác bỏ. Cuối cùng việc thâu tóm này không thành công và nhiều thành viên của DVD bị bắt do thao túng giá cổ phiếu.

Không chỉ có thế, các hiện tượng vi phạm trên thị trường như sử dụng thông tin nội gián, làm giá chứng khoán… của các nhóm “đại gia”, hay còn gọi là “đội lái” trên TTCK. Từ góc độ chỉ số, thị trường chứng khoán năm 2010 rất bình lặng.

Tuy nhiên, đằng sau đó là những con sóng ngầm dữ dội với hoạt động làm giá nhộn nhịp chưa từng có. Không khó để thống kê hàng chục cổ phiếu tăng giá chóng mặt hàng trăm phần trăm mà những yếu tố căn bản của doanh nghiệp không thể giải thích nổi. Mặt trái của chiều tăng giá là sự sụt giảm kinh hoàng khiến hàng triệu cổ phiếu mắc kẹt, hàng ngàn khoản đầu tư bị bốc hơi và giá trị thị trường của doanh nghiệp bị méo mó.

HTV là một ví dụ chưa từng có, với 17 phiên giảm sàn liên tục trong tháng 10/2010. Tuy nhiên trước đó HTV đã có những chuỗi ngày lạc quan hiếm có khi tăng 193% trong gần 3 tháng. Giá HTV từ khoảng 16.000 đồng/cổ phiếu được đẩy lên cao nhất 46.900 đồng/cổ phiếu. Trong cùng thời điểm đó thì VN-Index giảm khoảng 12,4%. Điều đó có nghĩa là cổ phiếu HTV đã đi ngược dòng thị trường, biểu hiện của một sự tăng trưởng lành mạnh của doanh nghiệp nếu giá tăng một cách thực chất. Hàng loạt cổ phiếu mà giá phải trải qua những ngày thăng hoa và những ngày đen tối tương tự HTV có thể kể ra như VHG, LTC, VE9…

2010 cũng là năm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý được nhiều nhất các vụ thao túng giá chứng khoán. Nổi bật là những vụ làm giá cổ phiếu VTV, AMV hay mới đây nhất là vụ thao túng giá cổ phiếu của các cá nhân liên quan đến công ty Dược Viễn Đông… nhằm lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vào sự công bằng trên thị trường.

Đóng băng và thua lỗ

Nhìn lại cả năm 2010, TTCK có khoảng 6-8 tháng giảm điểm hoặc đi ngang. Nếu như trước đây thị trường đóng băng một vài tuần, một vài tháng đã làm nhà đầu tư lo ngại thì năm nay, thời gian đóng băng tính bằng quý như vậy. Vì vậy cả VN-Index và HNX Index đều giảm so với đầu năm. Từ chỗ giao dịch trên cả 2 sàn ở mức 3.000-4.000 tỉ đồng/phiên, mức trung bình chung của năm nay chỉ còn dưới 1.000 tỉ đồng/phiên.

Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư hết hy vọng vào triển vọng của thị trường. Tiền trong dân lại dịch chuyển nhiều sang gửi tiết kiệm ngân hàng, vàng và bất động sản. Vì thế, lực cầu trên thị trường chứng khoán đã yếu lại càng yếu thêm. Đợt tăng ngắn ngủi vào những ngày cuối năm chỉ là một sự an ủi quá nhỏ bé không đủ khoả lấp đi một năm ảm đạm.

Không khó để nhận thấy kênh đầu tư chứng khoán năm 2010 lép vế so với vàng và USD. Đặc biệt thời điểm quý hai và quý 3, giá vàng nhảy múa đã thu hút sự chú ý của dòng vốn đầu cơ trên thị trường.

Câu chuyện giá vàng và USD có liên quan mật thiết với nhau và gián tiếp làm căng thẳng thêm thị trường tiền tệ, lãi suất. Giá vàng thế giới tăng mạnh do xu hướng mất giá ngày càng trầm trọng của đồng USD đã đẩy giá vàng trong nước tăng theo. Tính theo mức chênh lệch với giá cao nhất 38,2 triệu đồng/lượng đạt ngày 9/11/2010, tỉ suất lợi nhuận của việc mua vàng và nắm giữ từ đầu năm đạt khoảng hơn 43%.

Đây là mức lợi nhuận thực sự lớn nếu so với tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong cùng thời kỳ khoảng -10%. Sự bùng nổ của thị trường vàng không chỉ hút đi một lượng vốn nhất định từ kênh chứng khoán, mà còn tạo nên sự bất ổn về vĩ mô khiến thị trường chứng khoán càng khó khăn.