Trang chủ » Điểm nóng » Stephen Walt: Thế đối trọng ở châu Á không dễ khả thi

Stephen Walt: Thế đối trọng ở châu Á không dễ khả thi

Tác giả:

GS Stephen Walt giảng dạy Quan hệ quốc tế tại Trường Hành chính Kennedy, ĐH Harvard. Ông sẽ sang Việt Nam phát biểu tại Lễ công bố 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2010 ngày 15 tháng 1 tới.

Tôi đã viết một bài về chủ đề này nhan đề “Mỹ Trung và thế đối trọng ở Châu Á”, nhưng trước một số diễn biến gần đây và sau khi đọc một số tài liệu nghiên cứu liên quan, tôi có chút cân nhắc lại.

Qua chủ nghĩa hiện thực mới, chúng ta có thể có được một câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi trên: Khi sức mạnh Trung Quốc ngày càng gia tăng, các quốc gia châu Á khác sẽ dịch chuyển sang vị trí đối trọng với nó bằng cách đầu tư thêm vào an ninh quốc gia và thắt chặt thêm các mối quan hệ an ninh với nhau và với các cường quốc bên ngoài như Mỹ.

Về bản chất, giải thích trên chỉ thuần túy thiên về “cán cân sức mạnh”, nhưng có lẽ như vậy vẫn chưa phải là cách tốt nhất để giải thích cho việc tại sao lại hình thành các liên minh. Trong tương lai ngắn và trung hạn, mức độ đối trọng của các quốc gia châu Á sẽ không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh của Trung Quốc mà còn phụ thuộc vào nhận thức của họ về cấp độ nguy hiểm. Bản thân cấp độ nguy hiểm lại không chỉ chịu tác động từ những năng lực tổng hợp của Trung Quốc (VD: GDP, chi tiêu quốc phòng,… của nước này); nó còn bị ảnh hưởng của 1) Địa lý, 2) Năng lực tấn công quân sự, và 3) Quan điểm của các quốc gia đó về các ý định của Trung Quốc.

Cụ thể hơn, các quốc gia ở gần Trung Quốc sẽ cảm thấy lo lắng hơn so với các quốc gia ở xa. Những nước có chung đường biên giới với Trung Quốc (như Việt Nam) sẽ phải e dè trước sự trỗi dậy của sức mạnh Trung Quốc hơn các nước ở cách biển (như Indonesia) bởi vì sẽ khó phóng tầm sức mạnh qua  biển hơn. (Đài Loan là trường hợp đặc biệt, vì giữa hai nhà nước này có lịch sử quan hệ đan chéo phức tạp và có khoảng cách địa lý tương đối gần).

Thêm nữa, cấp độ nguy hiểm của Trung Quốc sẽ phụ thuộc một phần vào cách họ huy động sức mạnh kinh tế đang lên của mình. Nếu họ tiến hành xây dựng các năng lực quân sự chủ yếu nhằm bảo vệ lãnh thổ, thì các quốc gia láng giềng sẽ ít bị cảm thấy đe dọa hơn, từ đó giảm đi ý định cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. Ngược lại, nếu Trung Quốc phát triển các năng lực phóng tầm sức mạnh tiêu biểu của các cường quốc lớn trên thế giới (như lực lượng hải quân và không quân, tên lửa tầm xa, thủy lục không quân,…),  các quốc gia khác trong khu vực sẽ phải quan ngại về mục đích sử dụng của những năng lực đó, và có nhiều khả năng họ sẽ phối hợp với nhau (và với Mỹ) để bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình.

Dĩ nhiên, khi Trung Quốc càng tham gia sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và càng phụ thuộc vào các nguồn lực cũng như thị trường nước ngoài, lợi ích của việc xây dựng các năng lực quân sự có thể hoạt động tại những khu vực ở xa càng nâng cao. Do đó, tôi cho rằng các lực lượng phóng tầm sức mạnh của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển, và xu hướng này sẽ càng củng cố thêm cho các xu hướng cân bằng quyền lực.

Cuối cùng, cấp độ nguy hiểm cũng được đánh giá phụ thuộc vào việc các quốc gia khác coi Trung Quốc là một cường quốc tham vọng, muốn thay đổi lịch sử, hay chỉ muốn duy trì hiện trạng trong khu vực. Xét từ góc độ này, việc Trung Quốc chuyển sang đường lối ngoại giao cứng rắn với các nước láng giềng – chẳng hạn mới rồi, họ vừa khẳng định rằng Biển Đông là một “lợi ích trọng tâm” và thể hiện rõ thái độ muốn làm giảm vai trò của Mỹ tại đây –  đã đi ngược lại hoàn toàn với những khẳng định trước đó của họ về một sự “phát triển trong hòa bình”.

Cũng có thể nhận thấy xu hướng ngoại giao “rắn” của Trung Quốc trong vụ tranh cãi gần đây giữa nước này với Nhật Bản xung quanh việc bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc. Bắc Kinh càng “giương vây” thì các nước láng giềng của họ càng cảm thấy lo lắng và xích lại gần nhau để hỗ trợ lẫn nhau.

Tóm lại, khả năng đối trọng của các quốc gia láng giềng sẽ không chỉ phụ thuộc vào riêng năng lực kinh tế của Trung Quốc; cách Trung Quốc sử dụng các năng lực đang lên của mình cũng có tầm ảnh hưởng rất lớn ở đây.

Tuy nhiên, xu hướng đối trọng không diễn ra một cách tự động, cho dù cấp độ nguy hiểm có tăng lên đi chăng nữa. Sau đây là một số yếu tố cần lưu ý khi dự đoán tương lai cục diện châu Á.

Thứ nhất, bất kỳ liên minh đối trọng nào ở châu Á cũng sẽ phải đối mặt với những nan giải trong việc phối hợp hành động. Tuy rằng có thể nhiều quốc gia châu Á cùng có chung nỗi lo về một mối đe dọa mang tên Trung Quốc, song họ cũng đều muốn đùn đẩy trách nhiệm sang cho nhau và ngồi hưởng thụ trên những nỗ lực của người khác. Điều này cũng có thể bao gồm cả xu hướng vừa làm đối trọng (phần nào) lại vừa tìm cách gây dựng các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Vấn đề này còn nghiêm trọng hơn khi xét đến những tranh cãi tồn tại dai dẳng lâu nay giữa các đối tác liên minh tiềm năng (như Nhật Bản và Hàn Quốc), cùng những nỗ lực triển khai trò chơi “chia để trị” của một nước Trung Quốc.

Thứ hai, Mỹ sẽ có một vai trò thiết yếu ở đây, nhưng để làm tròn vai trò này, Mỹ cần phải suy tính thật kỹ lưỡng và có đường lối ngoại giao khéo léo. Một mặt, khả năng làm đối trọng với Trung Quốc của các quốc gia châu Á sẽ nâng cao hơn nếu họ biết rằng có Mỹ đứng sau hỗ trợ. Mặt khác, nếu quá chắc chắn về sự hậu thuẫn của Mỹ, họ sẽ có thái độ muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, từ đó đóng góp quá ít cho nỗ lực phòng thủ chung. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ phải biết cân bằng giữa việc trấn an vừa đủ với các đối tác châu Á rằng cán cân đối trọng sẽ có tác dụng, nhưng đồng thời cũng phải “chừa” ra những khoảng trống nghi ngại để Washington sẽ không phải độc diễn suốt chặng đường.

Thêm nữa, do các liên minh với Mỹ sẽ cố tìm cách khiến Mỹ phải làm nhiều hơn nữa bằng việc liên tục chất vấn về mức độ tin tưởng của những cam kết của Mỹ, nên việc quản lý các liên minh châu Á sẽ cần đến sự kết hợp khéo léo giữa việc thương lượng “rắn” và chính sách ngoại giao hỗ trợ.

Tuy nhiên, Washington cũng nắm đằng chuôi: Suy cho cùng, sức mạnh đang lên của Trung Quốc gây nhiều lo lắng cho các quốc gia láng giềng của họ hơn là cho Mỹ, và Mỹ hoàn toàn có thể thực hiện một cuộc thương lượng hiệu quả trong việc phân bổ các chi phí và lợi ích của bất kỳ liên minh đối trọng nào.

Thứ ba, nếu có ai đó muốn có cái nhìn dài hơi hơn, và giả sử rằng sự phát triển của Trung Quốc sẽ không gặp bất kỳ trở ngại nào, khi đó nỗ lực đối trọng trong khu vực như miêu tả ở trên có thể trở thành một nhiệm vụ bất khả thi. Việc Mỹ cân bằng quyền lực với Liên Xô trước đây được một phần là do nền kinh tế Liên Xô lúc đó đang ngày càng trở nên suy yếu và kém hiệu quả hơn so với nền kinh tế Mỹ; tức là chúng ta phát động cuộc Chiến Tranh lạnh với một kẻ thù ngày càng hạn chế về tiềm năng.

Nhưng nếu Trung Quốc vươn lên thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, và nếu thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tạo ra thêm nhiều thằng dư giúp chính phủ nước này có thể đầu tư nhiều hơn cho các mục đích phục vụ chính sách ngoại giao của mình, các lợi thế mà Mỹ có được trong Chiến tranh thế giới I, Chiến tranh thế giới II, và cuộc Chiến Tranh Lạnh sẽ bị giảm đi đáng kể, thậm chí là biến mất. Dần dần, một số quốc gia châu Á sẽ chọn cách trở thành liên minh với Trung Quốc, mở đường cho sự vươn xa của tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tương tự như tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Tây bán cầu.

Tuy nhiên, giả định trên hoàn toàn không chắc chắn, và cá nhân tôi không cho rằng điều đó sẽ xảy ra trước khi tôi nghỉ hưu. (Xin lưu ý: Tôi còn có ý định làm việc lâu dài). Nhưng nếu nước Mỹ tiếp tục phung phí sức mạnh của mình vào những cuộc chiến vô bổ mà quên ổn định tình hình trong nước, ngày đó sẽ không còn xa. Tôi không nghĩ rằng những vết thương tự mình gây ra đó sẽ không ngừng tái diễn, nhưng tôi không thể hoàn toàn loại bỏ những suy nghĩ đó khỏi tâm trí mình được.