Trang chủ » Tranh luận » Những việc cần làm sau điều chỉnh tỷ giá

Những việc cần làm sau điều chỉnh tỷ giá

Tác giả:

LTS: Những ngày qua, dư luận liên tục được hâm nóng bởi thông tin Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng lên mức 20.693 đồng/USD. Việc điều chỉnh tỷ giá là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nhưng song hành cùng với nó là những chính sách quyết liệt và việc làm cụ thể để tránh các tác động tiêu cực của việc này.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chia sẻ quan điểm của ông Huỳnh Thế Du trong một bài viết trên báo Thanh niên. Đây chính là những việc cần làm ngay để đảm bảo bình ổn thị trường. Xin trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết này.

Để thu hẹp sự chênh lệch với tỷ giá trên thị trường tự do, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá chính thức 9,3%, mức cao nhất kể từ giữa thập niên 1990 đến nay.

Đây là việc cần phải làm, nhưng vấn đề lúc này là làm sao để tránh kỳ vọng tiền đồng tiếp tục bị mất giá và hệ thống hai tỷ giá khi mà mức chênh lệch hiện tại đã lên đến 2,5%. Điều này phụ thuộc vào các chính sách ứng phó với lạm phát, thâm hụt thương mại và dòng vốn từ bên ngoài trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần phải khống chế lạm phát. Trong điều kiện bình thường, nhìn vào diễn biến lạm phát là có thể đoán được sự thay đổi tỷ giá đồng tiền giữa hai quốc gia. Nếu lạm phát ở VN vào khoảng 7% và lạm phát ở Mỹ là 2% thì mức độ mất giá của tiền đồng sẽ vào khoảng 5%. Đây đã là một mức cao và gây ra rất nhiều rủi ro cho nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động kinh doanh nói riêng. Nếu lạm phát còn cao hơn nữa thì tình hình sẽ căng thẳng hơn nhiều.

Để có được sự ổn định vĩ mô, hạn chế sự mất giá của đồng tiền thì lạm phát phải được duy trì dưới 5%. Muốn thế, phải cắt giảm những khoản chi tiêu công lãng phí cùng với một chính sách tiền tệ hợp lý để đồng vốn đi vào đúng chỗ mới có thể giảm được mất cân đối tiền – hàng.

Thứ hai, kiềm chế nhập siêu. Tỷ giá được quyết định bởi cung và cầu ngoại tệ. Nhập siêu nhiều sẽ làm cho cầu ngoại tệ gia tăng nên đồng tiền trong nước sẽ mất giá. Tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn nếu tỷ giá không được điều chỉnh linh hoạt và đồng tiền bị định giá cao. Kết quả là cả sản xuất trong nước và xuất khẩu đều gặp bất lợi.

Nếu không thể làm cho tỷ giá có lợi cho xuất khẩu thì ít nhất cũng để đồng tiền ở đúng giá trị của nó. Do vậy việc điều hành chính sách trong thời gian tới nên linh hoạt để tỷ giá phản ánh đúng cung – cầu của thị trường. Đặc biệt là cần phải tránh việc phá giá đồng tiền “theo định kỳ” tạo ra kỳ vọng phá giá tiếp theo như thời gian qua.

Cần lưu ý, với những diễn biến trong thời gian qua cho thấy, trong năm 2011 này giá cả nhiều hàng hóa trên thế giới có khả năng sẽ tăng rất cao. Điều này sẽ rất bất lợi cho VN vì nó sẽ làm cho nhập siêu thêm trầm trọng hơn và lạm phát sẽ trở nên khó lường hơn do hiệu ứng chi phí đẩy.

Thứ ba, khơi thông dòng vốn chảy vào từ bên ngoài. Trong bối cảnh khó khăn như hai năm qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp và kiều hối vẫn khá ổn định nhưng vốn đầu tư gián tiếp lại không đi vào mà có thời điểm còn chảy ra. Dòng vốn bên ngoài chỉ có thể đi vào khi các nhà đầu tư tiên liệu được mức độ mất giá của đồng tiền và khả năng sinh lời của các khoản đầu tư. Nếu ổn định vĩ mô được duy trì thì dòng tiền từ bên ngoài có khả năng sẽ chảy vào, làm dịu vấn đề căng thẳng của tỷ giá và ngoại tệ.

Việc điều chỉnh tỷ giá đồng tiền là cần thiết. Hy vọng rằng, đây là sự khởi đầu tốt cho việc tập trung một cách nhất quán và xuyên suốt vào mục tiêu ổn định vĩ mô như thông điệp đầu năm mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra.

(Theo Thanh niên – Tít bài đã được đặt lại)