Trang chủ » Doanh nhân » Hồ sơ Steve Jobs: Cuộc chia ly với con đẻ Apple

Hồ sơ Steve Jobs: Cuộc chia ly với con đẻ Apple

Tác giả:

Bài viết đăng ngày 30/9/1985 trên Newsweek và được tái đăng cuối tháng 1/2011 trong sự kiện Steve Jobs tạm nghỉ ở Apple để chữa bệnh. Mời bạn đọc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tham khảo  hồ sơ của Newsweek và có cái nhìn toàn cảnh cơn sóng gió lớn nhất trong cuộc đời ông chủ Apple.

Mâu thuẫn bạn bè, dứt áo ra đi

Ngồi bắt chéo chân trên sàn nhà, xung quanh là năm đồng nghiệp, Steve Jobs đang bắt đầu lại. Jobs đang làm điều mà ông thích nhất: sáng lập một doanh nghiệp mới (tên dự kiến là Next) với một nhóm những người trẻ tuổi yêu thích công nghệ, hoạch định chiến lược sau cuộc thảo luận kéo dài nhiều giờ, xác định các vấn đề tiềm năng nhưng vẫn luôn tràn đầy hy vọng.

Bud Tribble, một thành viên trong nhóm của Jobs, nói: “Mọi người đều muốn tham gia vào một doanh nghiệp mới. Đó như là một phần của giấc mơ“. Nhưng lần này mọi thứ có hơi khác đối với Jobs. Tiền vốn đầu tư đến từ số tiền 21 triệu đô la mà ông đã có được từ việc bán cổ phiếu của Apple Computer, chứ không phải việc bán chiếc Volkswagen; và thay vì ở trong chiếc gara của cha mẹ Jobs, những người sáng lập công ty giờ đây đang ngồi trên một tấm thảm phương Đông trong ngôi biệt thự của Jobs ở phía trên Thung lũng Silicon.

Steve Jobs với chiếc máy tính Macintosh

Tuy nhiên nhiệt huyết của ông thì vẫn không hề thay đổi: giọng nói đầy sức sống, và phong cách thì rất tự tin. Nếu thỉnh thoảng một nét buồn có thoáng qua gương mặt của Jobs, thì điều đó cũng là dễ hiểu. Nói cho cùng thì Jobs, chủ tịch hội đồng quản trị của Apple Computer, vừa phải từ chức tại chính công ty mà ông đã góp phần sáng lập.

Một cơn bão bất ngờ đang dần kéo đến Thung lũng Silicon. Hội đồng quản trị của Apple Computer, vốn kết tội Jobs vì sự phản bội, đang tranh cãi xem liệu có nên kiện Steve ra tòa hay không. Ngay cả trong một ngành công nghiệp thường xuyên xảy ra các vụ kiện tụng xung quanh các cuộc chia tay bất ngờ và những bí mật kinh doanh, màn kết giữa Apple và Jobs vẫn tỏ ra đặc biệt hơn cả.

Một trong những lí do là hai “nhân vật chính”, Jobs và chủ tịch Apple khi đó – John Sculley (46 tuổi), đã từng là những người bạn thân. Jobs tuyển mộ Sculley từ PepsiCo vào năm 1983, và giữa hai người đã nhanh chóng hình thành một mối quan hệ một phần như anh – em, một phần như cha – con.

Tuy nhiên trong những tháng gần đây Sculley tự nhiên nhận thấy Jobs đang làm ảnh hưởng xấu đến công ty, và thuyết phục ban lãnh đạo tước bỏ quyền hành của ông. Có vẻ như Jobs có lí do tìm cách “trả thù” bằng việc thành lập công ty để cạnh tranh với chính Apple. Đối với Apple, tranh chấp có thể sẽ làm công ty này phần nào mất phương hướng trên con đường hồi phục sau cuộc khủng hoảng máy tính hiện nay. Và viễn cảnh một công ty trị giá 2 tỷ đô la ra tòa để đè bẹp một công ty nhỏ mới thành lập có thể làm nhụt chí bất kỳ ai có ý định phản bội trong ngành công nghiệp hàng đầu nước Mỹ.

Câu chuyện của Apple Computer không chỉ là một câu chuyện “cổ tích” thời đại mới. Nó đã trở thành câu chuyện thành công của cả một thế hệ: Hai đứa trẻ với vẻ ngoài khá lôi thôi – với doanh nghiệp thành công nhất trong quá khứ là bán thiết bị để thục hiện các cuộc gọi điện thoại bất hợp pháp – đã kết hợp tài năng công nghệ với sự khéo léo trong marketing để tạo nên một công ty trị giá một tỷ đô la. Công ty đó lại sản sinh ra một ngành công nghiệp cực kỳ lớn của nước Mỹ.

Tuy nhiên hai nhân vật chính của câu chuyện đều không có một kết thúc có hậu.

Một người là Steve Wozniak, được coi là thiên tài công nghệ, đã rời công ty vài năm về trước. Jobs trụ lại lâu hơn, nhưng kết cục của ông tại Apple cũng không lấy gì làm vui vẻ. Trong một chương trình phỏng vấn kéo dài ba ngày với NEWSWEEK, Jobs đã kể lại câu chuyện theo quan điểm của mình.

Ông nói: “Tôi không cảm thấy cay đắng”. Nhưng rõ ràng cuộc chia tay của ông với Apple đau đớn chẳng khác nào một cuộc ly hôn.

Sự đi xuống của Jobs bắt đầu khi chủ tịch của Apple, John Scully giành được quyền lực từ tay ông sau một cuộc đấu tranh quyết liệt. Sculley đi tới kết luận rằng “Chúng ta có thể hoạt động tốt hơn nhiều nếu không có sự tham gia của Steve”. Jobs có xu hướng coi trọng sự tinh tế trong công nghệ hơn nhu cầu của khách hàng – một điều quá xa xỉ và tốn kém trong thời kỳ doanh thu đang ở mức thấp. Và sự tham gia tích cực của Jobs vào dự án Macintosh đã gây một hiệu ứng xấu cho các đơn vị khác của Apple.

Steve Jobs vaf Steve Wozniak trước khi Steve Jobs rời Apple năm 1985

Tuy nhiên ông vẫn là chủ tịch hội đồng quản trị, và bị cho ra rìa bởi chính công ty của mình quả là một cú sốc. Jobs nhớ lại: “Tờ San Jose Mercury đăng một dòng tít lớn: APPLE GIÁNG CHỨC JOBS. Gia đình tôi và tất cả mọi người đều đọc được, và rõ ràng đó là một kỷ niệm đáng quên”. Mọi thứ sau đó còn trở nên tồi tệ hơn.

Jobs bị đưa đến một văn phòng tại một tòa nhà phụ, và ở đó chỉ có ông cùng một thư ký. Sculley nói rằng ông ta luôn tìm cách khuyến khích Jobs tham gia vào những dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) nhưng Jobs lại muốn một vị trí trong ban điều hành.

Đó không phải là những gì Jobs nhớ: ông nói rằng ông không nhận được một công việc nào và dần nhận ra các giấy tờ quan trọng của công ty không còn xuất hiện trên bàn làm việc của mình nữa. Jobs gọi các thành viên trong ban điều hành đếu và nói rằng ông muốn làm bất cứ việc gì có ích cho công ty, và ông đã cho tất cả số điện thoại nhà của mình. Tuy nhiên rất ít người gọi đến cho Jobs. Ông nói: “Rõ ràng không còn gì để cho tôi làm. Tôi cần một động lực để tiếp tục ở lại”.

Jobs nhanh chóng nhận ra rằng không còn động lực nào ở Apple nữa. Vào tháng Bảy, Sculley nói trong một cuộc gặp mặt với các nhà phân tích chứng khoán rằng Jobs sẽ không có vai trò điều hành công ty “bây giờ hay kể cả sau này”.

Thông điệp đó đã đến tai Jobs. Khi nhớ lại những phản ứng của mình, ông buồn bã: “Điều đó giống như có ai đó đấm vào bụng bạn và khiến bạn không thể thở được nữa. Càng cố thở, bạn lại càng không thở được. Và điều duy nhất bạn có thể làm là thư giãn và tin rằng sau khi thư giãn bạn sẽ thở lại được. Đó là những gì tôi cảm thấy trong suốt cả mùa hè… Nếu tôi cố gắng nghĩ ra điều gì để làm hay sắp xếp lại cuộc sống của tôi, điều đó giống như cố để thở trong tuyệt vọng”.

(Còn tiếp)