Trang chủ » Doanh nhân » Sức bật sáng tạo là ở cá nhân họa sỹ

Sức bật sáng tạo là ở cá nhân họa sỹ

Tác giả:

Trăn trở với cuộc sống khi tranh trừu tượng không mang lại lợi ích tài chính, họa sỹ Trần Nhật Thăng chia sẻ vowis Diễn đàn Kinh tế Việt Nam về công việc sáng tạo và kinh doanh; cũng như đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế sáng tạo cho Việt Nam qua con đường nghệ thuật từ góc nhìn cá nhân.

– Quan điểm về sáng tạo của anh?

Trần Nhật Thăng: Độc lập, độc lập từ suy nghĩ, cho đến cách thể hiện, không bị ảnh hưởng bởi ai. Tranh trừu tượng rất khó đến được công chúng, nhưng tôi đã kiên trì với nó suốt 15 năm qua với 10 triển lãm cá nhân, và gần 100 triển lãm nhóm trong nước và quốc tế.

Họa sĩ Trần Nhật Thăng.

– Là một họa sỹ, nhưng nhiều người chưa biết anh Trần Nhật Thăng đã từng thiết kế nhiều logo biểu tượng cho các công ty, thiết kế có phải nghề tay trái của anh?

Tôi có 2 lý do không làm thiết kế chuyên nghiệp: Một là tôi muốn chuyên tâm làm nghệ thuật, hai là tôi hiểu điểm mạnh của mình không phải là thiết kế hay kinh doanh. Ngay cả việc thiết kế logo, tưởng là theo yêu cầu của khách hàng, nhưng với tôi đó là khi mình nắm được gu của mình có thể đáp ứng yêu cầu của khách thì mình mới làm. Nói một cách khác, thiết kế logo với tôi cũng là sáng tác, nhưng không phải công việc chính.

– Anh đã từng phát biểu họa sỹ bình thường bán được 20 bức tranh, anh mới bạn được 1 nhưng anh vẫn sống vì tranh trừu tượng 15 năm, phải chăng tranh trừu tượng có thể làm kinh tế gấp 20 lần bình thường?

(Cười) Không phải như vậy, tôi nghèo gấp 20 lần họa sĩ bình thường …Tồn tai được với nghề là vì đam mê sáng tạo, mong muốn theo đuổi con đường độc lập. Còn để sống được với nghề tôi đang tính làm kinh tế.

– Anh định từ bỏ dòng tranh trừu tượng để làm kinh doanh?

Thực ra câu chuyện giản dị thôi,ai cũng phải mưu sinh .Tôi dừng một việc đã làm tốt và muốn làm tốt một việc mới.Vì muốn gìn giữ sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, sự chuyên nghiệp trong sáng tạo, tôi đã phân biệt rất rõ 2 việc: sáng tác (tranh trừu tượng) và mưu sinh,chỉ tạm dừng vẽ tranh để thử dòng tranh decor (decoration: tranh trang trí – PV), thử sức mình trong lĩnh vực kinh doanh trên khả năng sáng tạo của bản thân.

Logo Việt Nam bay lên do họa sỹ Trần Nhật Thăng thiết kế

– Anh đã có kế hoạch cho việc làm kinh tế mới của mình ra sao?

Tôi vẽ một số tranh decor và nhờ vào những mối quan hệ của mình để tranh tôi đến được khách hàng. Loại tranh này phù hợp treo ở không gian như resort, khách sạn.

– Anh không sợ người ta cho rằng tranh làm để kiếm tiền, sẽ giống”tranh chợ”, tranh sản xuất hàng loạt, không có tính nghệ thuật?

Người ta nói “cơm áo không đùa với khách thơ”. Trong trường hợp của tôi, khách thơ cũng sẽ không đùa với cơm áo. Với dòng tranh decor mà tôi thực hiện, nếu đặt cạnh những bức tranh khác, mọi người vẫn nhận ra giá trị của tranh. Phân biệt tranh sáng tác và tranh decor la vì sự nghiêm khắc với bản thân. Đó là lao động nghiêm túc và giản dị.

Sen đỏ – một tác phẩm dòng tranh décor mà họa sỹ Trần Nhật Thăng theo đuổi.

– Rất nhiều người đang kinh doanh tranh rất tốt, có một điển hình là một thương nhân Đan Mạch đã mở xưởng tranh sơn dầu trong TP.HCM, mỗi năm xuất khẩu tranh hàng chục ngàn bức tranh sang Mỹ và châu Âu. Cùng có sản phẩm, tại sao nghệ sỹ Việt Nam chưa làm được việc đó thật tốt mà luôn than vãn “không sống được với nghề”?

Mỗi người mỗi việc, việc kinh doanh là của các chủ gallery, các thương gia, hãy để họa sỹ là họa sỹ. Việc kinh doanh luôn cần người làm kinh doanh, kinh doanh nghệ thuật cũng vậy thôi.

– Xem ra kinh tế sáng tạo Việt Nam khó thể bật lên bằng lĩnh vực nghệ thuật, khi mà nhiều nghệ sỹ vẫn”vật vã” với nghề, đừng nói việc tìm ra hướng kinh doanh cho nghệ thuật mà họ theo đuổi?

Đầu tiên phải vật vã với nghề đã, sau đó sẽ tính… Tuy vậy theo tôi, trong các ngành nghệ thuật, hội họa là thành phần dễ tham gia vào kinh tế sáng tạo. Sức bật của hội họa không phụ thuộc vào sự ràng buộc của các cá nhân với nhau, mà phụ thuộc vào từng cá nhân.

Khi mỗi cá nhân có sự độc lập trong sáng tác và bị đặt vào tình thế “đói thì đầu gối phải bò”, họ sẽ nảy ra những cách làm kinh tế từ những sáng tạo của mình.

– Tôi lại nghĩ âm nhạc, với những hiện tượng như Uyên Linh, mới là tiềm năng cho kinh tế sáng tạo?

Linh sẽ thành công, xong đó là thành công của một cá nhân. Mà cá nhân thì không thể là số đông. Kinh tế sáng tạo là một khái niệm rộng và dài.