Trang chủ » Tranh luận » Tránh TQ gom hàng: Gỡ nút thắt thị trường bán lẻ

Tránh TQ gom hàng: Gỡ nút thắt thị trường bán lẻ

Tác giả:

LTS: Thời gian gần đây, lạm phát liên lục giữ ở mức cao trong khi cơ quan quản lý vẫn loay hoay với việc kiềm chế, cộng thêm những hồi chuông báo động về sự lũng đoạn nguồn cung nông sản và thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.

Bài viết dưới đây đưa ra một góc nhìn bằng cách kết hợp hai vấn đề trên nhằm đóng góp ý kiến cho các nhà làm chính sách có một liều thuốc dài hơi hơn cho nền kinh tế Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – báo VietNamNet trân trọng giới thiệu, mời độc giả cùng tranh luận.

Lỗ hổng phân phối

Tôi rất đồng ý với ý kiến của tác giả Đinh Thế Phong trong bài viết Tan vỡ chuỗi cung ứng: Tử huyệt của nền kinh tế đăng ngày 18/7/2011. Bài viết đã giải quyết một khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho toàn xã hội, đó là mối dây liên lạc giữa sản xuất nguyên liệu và các ngành sản xuất hàng hóa tiêu dùng cuối cùng đang ngày càng tách xa nhau, và giới thương nhân Trung Quốc đang chen chân vào và bẻ hướng dòng chảy nguyên liệu ấy về Trung Quốc.

Ai cũng biết nền kinh tế Trung Quốc đang nóng và khát nguồn nguyên liệu như thế nào, chính sự khát ấy đã tác động không nhỏ đến thị trường Việt Nam. Thay vì tất cả những hàng hóa ấy được điều hòa ổn định tại thị trường Việt Nam thì nó lại chảy hết về biên giới phía Bắc.

Xét về quan hệ cung cầu của một nền kinh tế mở toàn cầu mà Việt Nam đang tham gia thì chúng ta nên nhìn lại chính sự cân bằng nội tại trước khi lo ngại về những hệ quả bất ổn kinh tế – chính trị. Nếu không phải đó là Trung Quốc mà là các nước đang phát triển nóng khác như Ấn Độ, Brasil thì tình hình cũng sẽ như thế thôi, thay vì tìm một liều thuốc tức thời, ta hãy tự cho mình một kháng thể từ bên trong.

Gom nông sản chứng tỏ Trung Quốc đang khát nguồn nguyên liệu

Nếu là những người nông dân quanh năm phục vụ cho sản xuất lúa, trái cây, rau củ, họ sẽ không hề nghĩ đến an ninh lương thực quốc gia vĩ mô mà lo cho bản thân mùa màng của mình có được không đã! Và rồi họ xem mình bán được bao nhiêu với thành quả của mùa vụ ấy. Trước đây, hầu hết số phận của họ được quyết định bởi xuất khẩu có được mùa hay không. Nếu thị trường thế giới có vấn đề thì nông dân lại lặp lại tình cảnh chặt cây này, gầy cây mới như bao năm qua. Người ta có nhắc tới nhiều về thị trường nội địa, nhưng khai thác như thế nào thì không ai nói đến, tự để các doanh nghiệp Việt Nam vừa non trẻ vừa thiếu vốn loay hoay.

Trong kinh doanh hàng hóa tiêu dùng và cả các mặt hàng thực phẩm có hai yếu tố chính: xây dựng sự yêu thích của người tiêu dùng thông qua chất lượng sản phẩm, quảng cáo, giá cả,… và yếu tố thứ hai là sự hiện diện của hàng hóa trên thị trường, hay còn gọi là phân phối.

Thị trường bán lẻ Việt Nam còn mang tính truyền thống quá cao nên các doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều tiền để lo phân phối hàng hóa trên cả nước. Chính vì đặc thù này mà chi phí qua mỗi trung gian phân phối lại bị đội lên và vô cùng khó kiểm soát. Tình trạng làm mưa làm gió giá bán lẻ của sữa, thực phẩm, gạo, đường… cũng nằm từ điểm yếu này.

Thiếu hệ thống siêu thị bán hàng giá ổn định

Ngoài những vấn đề Nhà nước quan tâm giải quyết gần đây như lạm phát, nhập siêu, tỷ giá, đã đến lúc cần có một chiến lược chi tiết hơn để khai thông lượng hàng hóa luân chuyển trong xã hội, mà đối với người Việt Nam hiện nay, những mặt hàng tiêu dùng nhanh thiết yếu đang chiếm một tỷ trọng rất cao.

Tại các nước phát triển, các chỉ số liên quan đến bán lẻ có một sức thuyết phục rất cao cho thấy tình hình vận hành của nền kinh tế trong một giai đoạn. Một nền kinh tế mà có nền bán lẻ phát triển sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề: tái đầu tư cho sản xuất của xã hội, lao động trong các ngành có liên quan, cân bằng ổn định giá cả hàng hóa trên thị trường…

Chợ truyền thống vẫn đang chi phối

Thị trường Việt Nam rộng lớn, phục vụ cho 86 triệu dân – rất tiềm năng để phát triển bán lẻ và cần phải theo hướng hiện đại hóa.

Tuy nhiên, điểm mặt thị trường Việt Nam hiện nay mới chỉ có một vài nhà bán lẻ trong nước và hai nhà bán lẻ nước ngoài là Metro và Big C. Phần còn lại của phân phối hàng hóa nằm manh mún tại thị trường truyền thống. Và thực tế đã chứng minh, cứ mỗi lần có vấn đề nhỏ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa thì giá cả ở chợ lại ngay lập tức bị thổi lên nhanh chóng. Các dịp lễ tết, thiên tai, hay chỉ cần một tin đồn là các phản ứng về giá của kênh chợ phát triển nhanh tức thì.

Thị trường đang thiếu hẳn một đối trọng tự nhiên là các siêu thị bán hàng giá ổn định để các kênh truyền thống căn cứ theo mà cạnh tranh. Bản thân các nhà bán lẻ họ luôn lường trước tất cả các rủi ro trong chuỗi cung ứng hàng hó để có một kế hoạch dự trữ bài bản nên tránh tối đa việc thiếu hàng hóa. Nếu chỉ trông chờ vào những nhà bán lẻ đang có mặt tại thị trường thì không thể tạo áp lực đủ lớn cho tự thân các doanh nghiệp này hoàn thiện mình để cạnh tranh về giá cả, dịch vụ, đa dạng hàng hóa và mở rộng hệ thống siêu thị của mình nhanh nhất có thể.

Cần làn gió cạnh tranh

Trong bán lẻ, yếu tố quan tâm hàng đầu của người mua sắm luôn là sự tiện lợi. Trong đó, có tiết kiệm thời gian mua sắm và dễ tìm thấy nơi mua sắm, nếu có nhiều sự lựa chọn hơn, ắt hẳn sẽ có một sự chuyển dịch lớn về mua sắm tại nơi truyền thống sang hiện đại.

Với cấu trúc hạ tầng đô thị hiện nay, rất khó để tạo ra một cú hích trong ngắn hạn để mọc lên những nơi mua sắm hiện đại đáp ứng đủ nhu cầu của dân cư, cho nên việc quy hoạch giao thông đô thị trong những năm tới cũng cần kết hợp yếu tố này.

Như kinh nghiệm quan sát tại thị trường Malaysia, nơi mà bán lẻ rất phát triển từ đầu những năm 90 thế kỷ trước đến nay và hiện định vị của du lịch Malaysia là du lịch mua sắm, thu hút hàng triệu lượt khách tiêu tiền mỗi năm vào mùa sales. Bí quyết thành công của họ nằm ở chỗ quy hoạch rất bài bản cách tiếp cận đến các trung tâm mua sắm. Chỉ riêng trong trung tâm Kuala Lumpur và Petaling Jaya đã có hơn một chục trung tâm mua săm cực lớn, đi một ngày không hết. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng hiện đại đều đi qua các nơi ấy làm cho việc đi mua sắm dễ dàng hơn bao giờ hết. Mà đối với bán lẻ, chỉ cần thu hút khách đến dễ dàng là có hơn 50% cơ hội bán hàng.

Cho nên, để kích thích được tiêu thụ hàng hóa trong nước và hấp dẫn khách du lịch quốc tế ở lại lâu hơn, các nhà quy hoạch cần học tập bài học này của Malaysia.

Cần tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ cho hệ thống bán lẻ của VN

Quay lại chuyện dùng bài toán thúc đẩy bán lẻ để thêm một kênh điều khiển hài hòa chuỗi cung ứng hàng hóa trong xã hội thì việc có một cái nhìn rộng mở hơn về cạnh tranh và nới lỏng những thủ tục cấp phép để thêm những sự cạnh tranh, thêm sự phục vụ cho một nhu cầu rất lớn chưa được đáp ứng của người dân.

Các siêu thị đều có cách kích thích mua hàng nhiều hơn, và hiển nhiên đầu ra cho các sản phẩm sản xuất tại thị trường trong nước như thực phẩm, may mặc và các mặt hàng tiêu dùng khác có nơi tiêu thụ ổn định.

Vậy thì các nhà nông, nhà sản xuất nội địa sẽ an tâm hơn rất nhiều khi tiếp tục đầu tư dây chuyền công nghệ để đảm bảo sản xuất cho thị trường lớn trong nước, như thế thì các tư thương có muốn ép giá hay đầu cơ cũng khó có cơ hội hơn.

Mối quan ngại về những bất lợi về chuyện thị trường sẽ bị lũng đoạn bởi các nhà bán lẻ nước ngoài cần được nhìn dưới góc độ khác. Càng có thêm doanh nghiệp đầu tư chúng ta càng giải quyết được nhiều lao động cho chuỗi vận hành khổng lồ của hệ thông bán lẻ nên không thể nói là các nhà bán lẻ nước ngoài chỉ đem lại bất lợi được.

Những lợi ích xã hội khác cần được tính tới trong ngành kinh doanh này. Kiểm soát về giá cả hàng hóa nhà nước cũng nhẹ gánh hơn vì càng có sự cạnh tranh, các nhà bán lẻ sẽ cạnh tranh với nhau bằng giá một cách tự nhiên để đem đến mức giá cạnh tranh nhất cho người tiêu dùng. Và các nhà bán lẻ cũng sẽ là bệ phóng ban đầu cho các hàng hóa sản xuất tại Việt Nam dễ tìm chỗ đứng hơn vì yếu tố chi phí phân phối giảm. Bản thân các nhà bán lẻ cũng muốn tìm đa dạng hóa nguồn hàng với nhiều mức giá khác nhau.

Nếu giải quyết được nút thắt này sẽ đem lại một thay đổi quan trọng trong nền kinh tế tiêu dùng của Việt Nam và là một giải pháp căn bản tự nhiên nhất trong nền kinh tế hàng hóa khi cân bằng được hai đầu của cán cân cung cầu.

Ngoài ra, việc cởi mở hơn với sự tham gia của các nhà bán lẻ sẽ đem lại một làn gió cạnh tranh và buộc các nhà bán lẻ hiện tại trên thị trường tự hoàn thiện mình, cải thiện chất lượng, đa dạng hàng hóa, giá cả cạnh tranh thì mới đảm bảo sự phát triển lâu dài. Cũng như bao ngành nghề và thực tế hiện nay, nhà nước vẫn còn giữ nhiều quan điểm che chở cho những đứa con của mình quá nhiều, làm cho nó không có sức đề kháng đủ mạnh để vươn cao!

Nếu các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam muốn thực sự phát triển mạnh hãy tạo cho họ một cơ hội để thách thức và học hỏi liên tục, không chỉ cứ phải đợi những sự hỗ trợ hay cầm tay chỉ việc.