Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Việt Nam: Ba trở ngại với môi trường kinh doanh

Việt Nam: Ba trở ngại với môi trường kinh doanh

Tác giả:

Bước vào năm 2011, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Tỷ lệ lạm phát cao gây ra những bất ổn vĩ mô cho nền kinh tế vào các tháng đầu năm. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ra Nghị quyết 11 để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, giảm tốc độ tăng trưởng cung tiền, giảm tăng trưởng tín dụng, và hạn chế tín dụng cho các hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán. Các biện pháp này làm cho lãi suất tăng cao, tác động tiêu cực lên khu vực doanh nghiệp, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.

Mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh trong năm 2011 được đánh giá không thuận lợi. Dưới đây sẽ thể hiện môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2011 dưới hai góc độ: một là từ cách nhìn nhận, đánh giá của các tổ chức quốc tế và hai là từ đánh giá của các doanh nghiệp trong nước. Đánh giá từ nhiều góc độ sẽ đem đến một cái nhìn khách quan, toàn diện và nhiều chiều về môi trường kinh doanh năm 2011 của nước ta.

Quốc tế đánh giá: Thụt lùi

Môi trường kinh doanh phần nào được phản ánh thông qua năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiều chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh nói lên nhiều điều về hiện trạng môi trường kinh doanh.

Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá khá toàn diện, nó bao gồm 3 chỉ số trụ cột: chỉ số cơ bản, chỉ số nâng cao hiệu quả, và chỉ số về đổi mới và độ tinh vi trong kinh doanh. Các chỉ số trụ cột này lại bao gồm nhiều chỉ số thành phần. Chỉ số cơ bản gồm có 4 chỉ số thành phần liên quan đến thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô và giáo dục cơ bản và y tế. Chỉ số nâng cao hiệu quả gồm có 6 chỉ số thành phần: đào tạo và giáo dục trình độ cao, hiệu quả thị trường hàng hoá, hiệu quả thị trường lao động, phát triển thị trường tài chính, tính sẵn có về mặt công nghệ, và quy mô thị trường. Chỉ số đổi mới và độ tinh vi trong kinh doanh gồm 2 chỉ số thành phần là đổi mới và độ tinh vi trong kinh doanh.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2011 bị tụt 6 bậc so với năm 2010. Trong đó, chỉ số đổi mới và độ tinh vi trong kinh doanh của nước ta tụt hạng mạnh nhất, đứng thứ 53 năm 2010 nhưng lùi xuống thứ 75 năm 2011. Chỉ số này phản ánh chất lượng của mạng lưới kinh doanh, công nghiệp hỗ trợ, chất lượng điều hành và chiến lược của các doanh nghiệp,… Chỉ số nâng cao hiệu quả cũng sụt giảm mạnh: từ vị trí thứ 57 trong danh sách các nước xếp hạng xuống vị trí thứ 66.

Đồ thị 1. So sánh các chỉ số chính của năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nguồn: WEF (2011), The Global Competitiveness Report 2011-2012, World Economic Forum.

Phân tách sâu hơn nữa cho thấy tụt hạng mạnh nhất là ở chỉ số độ tinh vi trong kinh doanh (tụt 23 bậc) và đổi mới (tụt 17 bậc). Tiếp đến là chỉ số hiệu quả thị trường lao động tụt 16 bậc, hiệu quả thị trường hàng hoá tụt 15 bậc và tính sẵn có về mặt công nghệ tụt 14 bậc.

Như vậy, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta năm 2011, một chỉ số phản ánh khá sát thực trạng của môi trường kinh doanh, giảm so với các nước trên thế giới.

Đánh giá trực tiếp môi trường kinh doanh của nước ta, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2012: Kinh doanh trong một thế giới minh bạch, Việt Nam xếp thứ 98 trong tổng số 183 nền kinh tế năm 2010-2011, tụt xuống 8 bậc so với năm 2010 cho dù Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Có thể môi trường kinh doanh của chúng ta tốt dần lên nhưng đặt trong môi trường toàn cầu, các nước khác cải thiện nhanh hơn sẽ làm cho chúng ta thụt lùi so với họ. Đáng lưu ý, hai chỉ số tụt hạng mạnh nhất là chỉ số nộp thuế và chỉ số xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Như vậy, ở cả hai báo cáo của các tổ chức quốc tế uy tín thì môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đều bị tụt bậc. Cho dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, nhưng các nước khác tiến triển tốt hơn chúng ta nên Việt Nam vẫn bị tụt bậc.

Trong nước: Ảm đạm

Đánh giá về môi trường kinh doanh năm 2011 dưới góc nhìn của các doanh nghiệp hàng đầu và các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh [1]

Nền kinh tế Việt Nam năm 2011 có tỷ lệ lạm phát tăng cao, lãi suất cao, và việc vay vốn gặp rất nhiều khó khăn nên số doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh năm 2011 ảm đạm chiếm đến 40%, số doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh tạm được chiếm 44% và chỉ có 16% doanh nghiệp cho rằng môi trường kinh doanh tốt lên.

Tuy nhiên, khi được hỏi về triển vọng môi trường kinh doanh năm 2012-2013, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng môi trường sẽ trở nên tốt hơn tăng lên gấp đôi và chỉ có 16% đánh giá là kém cho năm 2012-2013.

Xem xét đánh giá của các doanh nghiệp cho hai mảng là lĩnh vực quản lý Nhà nước và lĩnh vực Quản trị điều hành doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực quản lý Nhà nước, tiếp cận thông tin, văn bản pháp luật, kế hoạch của Nhà nước liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được doanh nghiệp đánh giá là tốt và rất tốt chiếm 22%. Còn lại, trong các mảng khác của quản lý Nhà nước, đa số các doanh nghiệp đánh giá ở mức trung bình mà đáng chú ý nhất là lĩnh vực quản lý kinh tế vĩ mô (kiềm chế lạm phát, điều hành tỷ giá): có đến 44,5% doanh nghiệp đánh giá kém và rất kém.

Xét từ khía cạnh quản trị và điều hành doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá khả năng tiếp cận vốn, khả năng tiếp cận ngoại tệ, và tiếp cận đất đai gặp rất nhiều khó khăn. Điều này phản ánh bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2011, nhất là liên quan đến lãi suất và ngoại tệ.

Môi trường kinh doanh tại VN đã bị mất điểm do lạm phát, bất ổn vĩ mô… (ảnh hanoimoi)

Thứ nhất, về lạm phát, do tỷ lệ lạm phát tăng cao vào các tháng đầu năm 2011, Chính phủ đã ra Nghị quyết 11 với chính sách tiền tệ thắt chặt, tốc độ tăng tín dụng giảm và tín dụng cho vay bất động sản hạn chế, do đó không chỉ lãi suất tăng cao mà việc tiếp cận đến tín dụng cũng hạn chế làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận đến vốn.

Thứ hai, cũng trong năm 2011, thị trường ngoại hối có rất nhiều biến động và đã có những thời điểm Ngân hàng Nhà nước sử dụng biện pháp hành chính nhằm dẹp bỏ hoặc hạn chế hoạt động của thị trường chợ đen. Với lượng ngoại tệ có hạn, cộng với tỷ giá chính thức thấp hơn tỷ giá trên thị trường tự do, và việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do đã làm cho việc tiếp cận đến ngoại tệ của các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Thủ tục hành chính là một trong những lĩnh vực mà tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá kém trong mức độ cải thiện còn cao (37,8%) và chỉ có 17,8% doanh nghiệp đánh giá tốt. Đối với các đánh giá về cải thiện hạ tầng vận tải; giảm các rào cản gia nhập thị trường; xây mới và cải cách thế chế, luật theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp; tiếp cận tài chính dễ dàng hơn; nâng cao tính minh bạch về số liệu thống kê; và thực thi pháp luật tốt hơn thì có nhiều doanh nghiệp đánh giá mức độ cải cách trong năm 2011 rất kém.

Từ thực trạng của nền kinh tế năm 2011, phần lớn các doanh nghiệp đều nhất trí rằng ba rào cản/rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh ở Việt Nam nói riêng trong năm 2011 là lạm phát tăng (chiếm tỷ lệ 32% số doanh nghiệp tham gia điều tra); rủi ro tín dụng và hoạt động ngân hàng (13%); và những vấn đề liên quan đến chính sách và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ (chiếm tỷ lệ 18%). Đây đồng thời cũng là ba rào cản được doanh nghiệp dự đoán là những rào cản chính trong năm 2012 với các tỷ lệ tương ứng là 28%, 13% và 23%.

Để vượt qua những khó khăn, thách thức và tận dụng triệt để những cơ hội trong giai đoạn bất ổn, cùng với sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Chính phủ là hết sức cần thiết. Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, Chính phủ cần tái khẳng định mạnh mẽ thông điệp và tinh thần của NQ11 và Kết luận 02 của Bộ Chính trị về tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cần thiết cho sự phát triển và vươn lên trong các năm tiếp theo bên cạnh những khuyến nghị về các vấn đề như ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng, tiếp tục cải cách hành chính, bãi bỏ các giấy phép, quy định và thủ tục không cần thiết và nhất quán cũng như tiếp tục cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Lạc quan vào môi trường kinh doanh

2011 được đánh giá là năm khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và đối với khối doanh nghiệp nói riêng. Tỷ lệ lạm phát tăng cao, lãi suất tăng cao và thị trường ngoại hối bấp bênh làm tăng chi phí sản xuất, tạo khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận vay vốn bằng cả nội tệ và ngoại tệ. Đây là các vấn đề nảy sinh trong năm 2011. Cũng còn có rất nhiều vấn đề khác tồn đọng từ lâu trong nền kinh tế và làm cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ,…

Theo đánh giá của các tổ chức uy tín quốc tế như WEF, WB, và IFC trong việc so sánh năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2011 với các nước trên thế giới, Việt Nam tụt 6 bậc trong đánh giá năng lực cạnh tranh và tụt 8 bậc trong đánh giá môi trường kinh doanh. Còn theo đánh giá của các doanh nghiệp hàng đầu và tăng trưởng nhanh trong nước, môi trường kinh doanh năm 2011 không có nhiều thuận lợi do một loạt các yếu tố kể trên.

Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp lạc quan vào môi trường kinh doanh trong tương lai 2012-2013 tăng lên đáng kể, nhưng với các điều kiện kèm theo cho các quyết sách của Chính phủ: đó là kiên trì thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và Kết luận 02 của Bộ Chính trị.

Ngày 29/11/2011, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam phối hợp với Báo VietnamNet sẽ chính thức công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2011 và thông báo lịch trình tổ chức Buổi Lễ tôn vinh cùng Diễn đàn VNR500 năm 2012 với chủ đề: Tầm nhìn chiến lược: Doanh nghiệp lớn và thách thức toàn cầu, sẽ diễn ra vào ngày 13/1/2012 tại dinh Thống Nhất, TP.HCM.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.


(1). Dựa trên khảo sát đánh giá của 250 doanh nghiệp trong số 500 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất và trong số 500 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất theo bảng xếp hạng VNR500 và FAST500 của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam.